PNO - Xây dựng chính sách ưu đãi thuế cho đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là hai đề xuất đáng chú ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh.
Xây dựng chính sách ưu đãi thuế cho đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là hai đề xuất đáng chú ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 19/8. Một số đề xuất khác, phát sinh từ thực tiễn gần đây như doanh nghiệp nhập phim không cần có rạp chiếu, mở rộng mức phân loại phim theo độ tuổi, sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi trong các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực; quy định về số buổi chiếu phim Việt đối với mỗi phòng chiếu; xã hội hóa công tác tổ chức liên hoan phim, tuần phim… cũng được đề cập.
Những bom tấn Hollywood như Hobbs and Shaw được bố trí suất chiếu dày đặc khi ra rạp tại Việt Nam
Nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn”
Thực ra, việc xây dựng chính sách ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài và lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh không phải là đề xuất mới. Đề xuất ưu đãi đoàn phim ngoại đã có từ thập niên 1990, khi những tác phẩm như Đông Dương, Người tình giúp du lịch Việt Nam khởi sắc và được nhắc lại sau “cơn sốt” phim Kong: Đảo đầu lâu. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vốn đã được quy định trong Luật Điện ảnh từ khi ra đời năm 2006. Nhưng ở lần lấy ý kiến sửa đổi bổ sung luật lần thứ hai này (Luật Điện ảnh sửa đổi lần một vào năm 2009), hai bất cập này mới được nhắc đến quyết liệt.
Việc “trải thảm đỏ” mời đoàn phim nước ngoài, theo ông Đỗ Duy Anh - nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam - mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo ra công ăn việc làm cũng như cơ hội học hỏi cho các nhà làm phim trong nước. Ông dẫn chứng: “Ở ta, một đường cao tốc trị giá vài chục triệu USD, nhưng làm mãi không xong vì thiếu tiền, trong khi đoàn phim Kong: Đảo đầu lâu chỉ quay ở Việt Nam 6 ngày đã tiêu 35 triệu USD. Hồi đoàn phim Người Mỹ trầm lặng sang Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn còn đi bưng monitor, vì anh cho đó là cơ hội tốt để học hỏi”.
Đồng ý với chính sách ưu đãi thuế cho đoàn phim nước ngoài, bà Ngô Phương Lan còn đề nghị ưu đãi cho cả đoàn phim trong nước: “Cần ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những phim có chất lượng nghệ thuật để khuyến khích các nhà làm phim làm những bộ phim tốt hơn”. Hãng phim Chánh Phương đề xuất ưu đãi thuế 2-3% chi phí đầu tư sản xuất, giảm thuế trên giá vé để hỗ trợ doanh nghiệp.
Phim Kong: Skull Island giúp quảng bá du lịch Việt Nam
Quỹ hỗ trợ điện ảnh, rất tiếc, khó có khả năng được thông qua khi số tiền 100 tỷ đồng do Chính phủ cấp không thể bảo toàn vốn như yêu cầu, còn nguồn thu cuối cũng là lớn nhất và đang được nhiều nước áp dụng - trích tỷ lệ phần trăm doanh thu tiền vé (Hàn Quốc 3%, Pháp 11,7%) thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Ngoài chuyện nguồn thu, việc thành lập và vận hành quỹ cũng không dễ, khi Chính phủ hiện chủ trương hạn chế quỹ của các bộ, ngành.
Nhiều đề xuất mới từ thực tiễn
Sau 13 năm, Luật Điện ảnh bộc lộ không ít bất cập, không theo kịp thời đại. Hãng Chánh Phương, Thiên Ngân đề xuất bổ sung quy định bảo hiểm tai nạn trong quá trình quay phim, giới hạn thời gian làm việc một ngày của đoàn phim không quá 14 tiếng, giải thích rõ cụm từ “thuần phong mỹ tục” trong duyệt phim, thêm mức phân loại PG và C9, vì có nhiều phim siêu anh hùng ra rạp, trẻ em có thể xem, nhưng thường bị dán nhãn C13, thành lập hội đồng duyệt phim riêng biệt chứ không kiêm nhiệm như hiện nay hoặc phân chia theo các thành phố lớn để tránh quá tải lịch kiểm duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ ra rạp. Vụ việc phim Vợ ba dẫn tới đề xuất quy định về sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi đóng phim có cảnh quay nhạy cảm.
Việc sử dụng trẻ 13 tuổi quay cảnh nóng trong Vợ ba khiến nhiều người cho rằng Luật Điện ảnh cần quy định về sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi đóng phim
Ông Trần Cảnh Tuệ - đại diện Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam - đề nghị có cơ chế bảo hộ các doanh nghiệp phát hành phim trong nước ít nhất 5 - 6 năm. Nhiều ý kiến đề xuất quy định thời lượng chiếu phim Việt ở mỗi phòng chiếu để hạn chế tình trạng các bom tấn nước ngoài áp đảo suất chiếu. Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - đề xuất áp dụng biện pháp kỹ thuật giống như Trung Quốc: cho nhập phim ngoại, nhưng xếp lịch chiếu lúc nửa đêm để bảo hộ phim nội. Dùng “rào cản kỹ thuật” cũng là ý kiến của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đơn vị này đề xuất quy định tăng thuế nhập khẩu phim ngoại, ràng buộc công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam, về đề tài Việt Nam, căn cứ trên tỷ lệ nhập phim ngoại.
Sửa đổi luật thường mất nhiều thời gian. Chỉ e rằng, khi luật sửa xong, đi vào thực tế thì những quy định lại trở nên lạc hậu, bởi tương lai của phim ảnh đang dần chuyển sang nền tảng mạng chứ không còn ở rạp như khi ta đang bàn dự thảo.
Hiện nay, việc khuyến khích đoàn phim ngoại đến Việt Nam sản xuất mới dừng ở mức thủ tục hành chính thông thoáng hơn chứ chưa có ưu đãi chiết khấu tài chính (hoàn thuế). Trong khi đó, nhiều nước khác đều có các hình thức miễn, giảm thuế, trợ cấp bằng tiền mặt hoặc cung cấp bối cảnh miễn phí. Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc phát hành CJ CGV - cho biết: “Một hãng phim nước ngoài sẽ được hoàn trả đến 30% số tiền họ đã chi trong thời gian quay tại Pháp”.