Công khai thông tin để phòng ngừa những dự án có vấn đề
Với tư cách là người làm môi trường lâu năm, tôi đã đọc dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) ngay từ đầu và đã theo dõi khá kỹ các lần chỉnh lý, cho đến bản dự thảo sửa đổi lần thứ bảy này.
Có những điều tôi nghĩ đã được sửa đổi, bổ sung ở lần trước nên không góp ý nữa, nhưng tôi tình cờ phát hiện ở bản chỉnh sửa lần sau lại bị bỏ đi. Tôi đã góp ý nhiều bằng văn bản nhưng thấy không có nhiều ý kiến đóng góp của tôi cũng như của một số chuyên gia khác được tiếp thu.
|
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng |
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất của dự thảo là công khai thông tin. Điều 131 Luật BVMT 2014 quy định công khai thông tin môi trường, công khai môi trường chiến lược, công khai đánh giá tác động môi trường (ĐTM), công khai kết quả thanh tra…
Đây là một sự tiến bộ, nhưng ở dự thảo này đã bỏ những quy định đó. Tôi đề nghị: các nội dung liên quan đến ĐTM và giấy phép môi trường bao gồm báo cáo ĐTM - cả bản trình hội đồng thẩm định và bản ĐTM hội đồng thẩm định đã phê duyệt, cùng các hồ sơ xin phép, giấy phép môi trường phải được công khai.
Đồng thời, phải quy định cả thời điểm công khai kết quả thanh tra, chứ mấy năm sau mới công khai thì tôi nghĩ không có ý nghĩa gì. Kết quả quan trắc của từng dự án đầu tư cũng phải công khai để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Không công khai các thủ tục môi trường thì không thể nói đến chuyện chuyển đổi số trong BVMT và cũng không thể nói chuyện BVMT để phát triển bền vững (PTBV) được. Cuối cùng, công khai để tăng cường giám sát của cộng đồng. Nếu không công khai thì cộng đồng lấy gì để giám sát, lấy gì để kiểm tra?
(Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài Nguyên và Môi trường)
Chưa theo nguyên lý phát triển bền vững
Tôi xét dự thảo chỉnh lý lần thứ bảy dựa trên khung là định nghĩa môi trường, cùng các nguyên lý phải đảm bảo của một dự thảo luật BVMT mà các nước trên thế giới đã phát triển; đặc biệt là các nước tiên tiến, có nền khoa học môi trường, sức khỏe hàng đầu thế giới. Có hai điểm để tôi kết luận dự thảo này thiếu cơ bản.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn |
Một là, dự thảo không được phát triển trên mối quan hệ hữu cơ giữa môi trường và đời sống con người cả trước mắt và lâu dài.
Bằng chứng: 1. Thuật ngữ “môi trường” mà các nhà soạn luật và các nhà thẩm định đã sử dụng là thuật ngữ không đầy đủ (định nghĩa nêu trong mục 31, điều 3, chương 1 đã loại ra ngoài các sinh thể khác gồm thực vật, động vật vốn cùng tồn tại với con người trong hệ sinh thái bền vững.
Sử dụng định nghĩa này dẫn đến hệ quả là luật không được xây dựng cho mục tiêu PTBV. Không có một điều luật nào theo nguyên lý PTBV được vận dụng làm cơ sở cho cấu trúc luật và phát triển dự thảo). 2. Không có các thuật ngữ cơ bản làm nền tảng để hiểu được yêu cầu hướng đến của nội dung; làm cơ sở hướng đến cho các đối tượng thực thi luật hiểu và sử dụng nó. (Không dùng các thuật ngữ cơ bản trong khoa học phát triển môi trường bền vững. Trong điều 3, chương 1, giải thích các thuật ngữ hoàn toàn không có những cụm: “môi trường sinh thái”, “hệ sinh thái”, “bảo tồn”, “động vật bản địa”, “thảm thực vật bản địa”, “sức khỏe sinh thái, sức khỏe môi trường”…).
Hai là, tôi nhận thấy dự thảo không tuân thủ, hoặc sử dụng hời hợt, chắp vá các nguyên lý cơ bản (chín nguyên lý) mà luật môi trường trong thế kỷ XXI phải đảm bảo. Dự thảo không thể hiện xuyên suốt năm nguyên lý, các nguyên lý còn lại có thể hiện nhưng không rõ ràng, thiếu hệ thống, hời hợt.
Ví dụ: Nguyên lý người gây ô nhiễm phải bồi hoàn tổn hại môi trường - dự thảo có nêu nhưng không cụ thể, thiếu chiều sâu. Nguyên lý PTBV - trong một vài mục luật có nói đến PTBV, nhưng không trở thành một điều luật hoặc nguyên lý xuyên suốt dựng các điều luật, cấu trúc luật tuân thủ theo mục tiêu cần làm là PTBV…
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần tăng quyền giám sát của người dân đối với các dự án gây tác động xấu đến môi trường - ẢNH: L.N |
Dự thảo gắn rất yếu với hệ luật môi trường quốc tế. Bằng chứng là ngay từ chương 1 - Phạm vi điều chỉnh, khi nói rằng luật này quy định về hoạt động BVMT, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động BVMT, nhưng lại cắt đi phần mục tiêu PTBV, môi trường sinh thái, môi trường sức khỏe, làm cho người đọc - các chủ thể hiểu một cách chung chung, không rõ ràng phạm vi điều chỉnh hướng đến đâu.
Đối tượng áp dụng thì gần như thiếu các cá nhân là người nước ngoài, các tổ chức nước ngoài hoặc có trụ sở ở nước ngoài tham gia khai thác tài nguyên môi trường Việt Nam. Không có điều luật nào trong dự thảo này nhắc đến sự liên hệ giữ luật BVMT Việt Nam với các Công ước quốc tế liên quan đến BVMT (mà các công ước này có rất nhiều). Và cũng không có nguyên tắc đảm bảo điều luật thực thi xuyên biên giới. Mà chúng ta biết rằng môi trường là vấn đề chung, không biên giới.
Câu chữ trong dự thảo thể hiện một cách không rõ ràng về chính sách trong BVMT. Ví dụ ở điều 4 “BVMT phải tuân thủ…”, tức là việc BVMT phải tuân theo điểm này, điểm kia. Trong khi lẽ ra phải là ngược lại - các can thiệp vào môi trường phải tuân thủ theo các nguyên lý, mục tiêu BVMT. Sau này, nếu có chuyện gì xảy ra thì vấn đề môi trường luôn ở trạng thái bị động, phụ thuộc vào các điều kiện khác trong việc thực thi.
Do đó, dự thảo không thể là khung pháp lý khoa học và thực tế, làm cơ sở hành động cho toàn xã hội BVMT, ngăn chặn quá trình thoái hóa môi sinh ngày càng tăng trong thời gian qua và giảm thiểu nguy cơ tiếp tục trầm trọng trong tương lai.
Dự thảo chứa nhiều mâu thuẫn giữa các điều luật thuộc các chương trình khác nhau gây chồng chéo, không rõ ràng để giải trình trách nhiệm của từng chủ thể trong bộ máy nhà nước và giữa Nhà nước với dân, với cộng đồng liên quan; trước các can thiệp có nguy cơ xâm hại an toàn môi sinh, ô nhiễm môi trường, phá vỡ hệ thống cân bằng sinh thái.
Dự thảo như vậy không bảo đảm chức năng dự phòng, ngăn ngừa, xử lý các xâm phạm, xâm hại môi trường và bảo tồn môi trường sinh thái cho thế hệ sau; cũng như không đảm bảo môi trường cho an toàn sức khỏe con người, động thực vật chung sống.
(Tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe)
|
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi cần phải tăng quyền kiểm tra, giám sát của người dân đối với các cơ sở gây ô nhiễm - Ảnh: H.N. |
Môi trường nếu bị tàn phá sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững như Chính phủ đã đặt ra. Bởi như chúng ta đã biết, kinh tế, môi trường, xã hội là ba trụ cột của đất nước.
Gần một tháng qua, chúng ta chứng kiến những cảnh vô cùng đau lòng ở miền Trung do thiên tai, mất người, mất của. Còn đó bao nhiêu người mất tích, bao nhiêu gia đình trắng tay... Có lẽ, thiên tai là một phần, nhưng cũng phải nói thẳng một phần nữa là vấn đề môi trường.
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thị An |
Môi trường - vấn đề ai cũng biết, ai cũng thấy. Nhưng bây giờ phải làm thế nào để có thể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở dải đất
miền Trung.
Chúng ta cần phải góp một tiếng nói, để như Hiến pháp đã quy định: "Mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành".
(Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng)
|
Ngọc Minh Tâm (ghi)