Chuyên đề Hoạn nạn có nhau

Dự phòng năng lượng tích cực cho chồng

09/07/2021 - 05:59

PNO - Không hiếm cảnh tuyệt đẹp như người vợ nằm vô hóa chất, chồng ngồi cạnh cùng vợ xem phim trên điện thoại cầm tay…

Trong những câu chuyện minh chứng cho cảnh “hoạn nạn có nhau” nhân vật chính thường là nữ, người luôn bên cạnh ông chồng bỗng nhiên “chẳng còn nguyên vẹn như trước”.

Người đàn bà vốn yếu đuối có lẽ đã lấy sức mạnh từ nước mắt, từ bản năng bảo vệ chồng con để đưa chồng vượt qua nghịch cảnh. Nhưng đến khi họ đuối sức, liệu người đàn ông mà họ đã chọn để vui buồn có nhau, lúc này có bên họ không? 

Người đàn ông trong phòng chờ khoa ung thư

Trong phòng chờ khu bệnh nhân ngoại trú của Khoa Ung thư vú Bệnh viện Advocate Good Samaritan (TP.Downers Grove, bang Illinois, nước Mỹ), những người đàn ông ngồi đó hầu hết tóc đã bạc, tay đeo hoặc không đeo nhẫn cưới.

Người đọc báo, có người chơi game trên điện thoại, có người chơi giải ô chữ. Bề ngoài, trông ai cũng rất bình tĩnh, nhưng bên trong có lẽ không hẳn như vậy. Bởi, sau cánh cửa ngăn phòng chờ và khu chụp nhũ ảnh, người đàn bà của họ đang căng thẳng, hồi hộp chờ kết quả! 

Tôi chú ý đến cặp vợ chồng lớn tuổi từ ngoài bãi đậu xe. Cách người chồng nắm chặt tay vợ, cách người vợ tin cậy nắm lấy tay chồng - một sợi dây liên kết tình tứ có thể khiến các đôi vợ chồng trẻ ganh tỵ. Hữu duyên, tôi và bà lại gặp nhau trong phòng chụp nhũ ảnh. 

“Cuộc chiến của cô ấy là cuộc chiến của tôi” - nhiều ông chồng đang chăm sóc vợ bệnh đã mặc chiếc áo này
“Cuộc chiến của cô ấy là cuộc chiến của tôi” - nhiều ông chồng đang chăm sóc vợ bệnh đã mặc chiếc áo này

Bà 71 tuổi, vừa trải qua phẫu thuật và xạ trị. Vì phát hiện sớm và tế bào ung thư còn rất nhỏ nên bà không bị đoạn nhũ, chỉ phải cắt bỏ vùng có tế bào ung thư sau đó xạ trị.

Đây là lần kiểm tra đầu sau khi đã qua các bước điều trị kể trên. Nếu ổn, bà sẽ quay lại bệnh viện sau sáu tháng để tiếp tục được theo dõi. Nếu không ổn, bà phải quay lại bệnh viện sau ba tháng. Rất may và rất mừng là bà ổn.

Ông bà đã là vợ chồng với nhau 40 năm. Hơn hai năm qua, ông luôn bên cạnh hỗ trợ và là chỗ dựa cho bà suốt quá trình điều trị từ khi phát hiện bệnh cho đến hôm nay. Khi họ đứng bên nhau, tay người chồng luôn choàng qua vai người vợ, lồng ngực người vợ hướng về chồng.

Tôi tự giải mã ngôn ngữ cơ thể, khi hai người đứng ngang hàng nhau và người đàn ông đặt tay lên vai người đàn bà là ngụ ý anh ta xem người phụ nữ ngang hàng ngang vai với mình, nhưng vẫn choàng tay ôm vai để bảo vệ nàng.

Nhìn họ yêu thương nhau, tôi thấy lòng bình yên. Tuy nhiên, hình ảnh này không phổ biến nhiều trong mỗi gia đình. Vẫn có nhiều câu chuyện bất hạnh của những người đàn bà một mình chống chọi với bệnh tật.

Năm 2011, CNN đưa ra số liệu: 21% đàn ông sẽ ly hôn khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo. 3% đàn bà sẽ ly hôn khi chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Khảo sát cũng cho biết, khi sức khỏe có vấn đề nghiêm trọng: người chồng thường có khuynh hướng bỏ đi, còn người vợ thường có khuynh hướng ở lại.

Đầu năm 2020, báo Fatherly cho biết, dựa trên khảo sát của hai trường đại học Iowa và Pursue trên 2.701 cặp vợ chồng cho kết quả: bệnh tật hiểm nghèo mang lại lợi thế cho người chồng vì sẽ được vợ yêu thương và chăm sóc nhiều hơn, nhưng lại là cảnh ngặt nghèo cho người vợ vì nguy cơ bị chồng chia tay rất cao.

Điều này cũng xảy ra với những cặp đôi đồng tính. Người giữ vai trò người chồng thường có khuynh hướng rời đi khi người trong vai vợ có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. 

Năm lý do khiến đàn ông dễ gục ngã khi vợ bệnh

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia bao gồm tiến sĩ Marc Chamberlain (Giám đốc Trung tâm Ung thư Seattle), tiến sĩ Jimmie Holland (Trung tâm Ung thư Sloan Kettering ở New York), tiến sĩ Marisa Weiss (chuyên gia nghiên cứu các vấn đề thần kinh liên quan đến ung thư kiêm người sáng lập Breastcancer.org) và Louise Knight (nhân viên xã hội Trung tâm Ung thư John Hopkins Kimmel) cho biết:

1/ Người đàn ông thường đóng vai người cung cấp tài chính cho gia đình, người đàn bà thường vào vai người chăm sóc gia đình. Khi bị buộc phải đổi vai, thường người đàn ông lúng túng và “bỏ chạy”. 

2/ Người phụ nữ thường có những nguồn nâng đỡ dự phòng như gia đình, họ hàng và bạn bè. Khi chồng mắc bệnh, họ sẽ tìm đến các nguồn nâng đỡ dự phòng đó để được tiếp thêm năng lượng tích cực mà tiếp sức cho chồng.

Còn đàn ông, ngược lại tuy họ có nhiều bạn bè và các mối quan hệ, nhưng đó không hẳn là nguồn nâng đỡ - an ủi - động viên… nhất là trong những chuyện gia đình riêng tư, nên khi vợ có vấn đề sức khỏe, người chồng gần như “đổ sụp” vì vợ - người duy nhất anh ta có thể “tựa vào” đã không còn là chỗ dựa nữa. 

3/ Đàn ông chịu đựng những áp lực bên ngoài xã hội như cạnh tranh nghề nghiệp, sức ép công việc… giỏi hơn đàn bà. Đàn bà chịu đựng những áp lực bên trong gia đình như sức khỏe của người thân (ông bà, cha mẹ, con cái…), các mối quan hệ phức tạp (mẹ chồng, chị em chồng và nàng dâu…) giỏi hơn đàn ông.

Và đây là sự tuyệt vời của tạo hóa khi đặt hai người nam - nữ bên cạnh nhau để bổ khuyết cho nhau. 

4/ Tại Mỹ trước đây, bệnh nhân thường ở lại bệnh viện và được các y tá chăm sóc từ A đến Z. Nay, trong thời gian dịch bệnh bùng nổ, các bệnh nhân thường điều trị tại nhà nên khi các ông chồng trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, lại phải tiếp tục đối mặt với vấn đề sức khỏe của vợ - quả là một thử thách không nhỏ cho tinh thần của người đàn ông. 

5/ Người đàn ông không thể linh động cảm xúc như đàn bà, nỗi sợ bị bỏ rơi đột ngột khi vợ mất khiến người chồng muốn rời đi trước khi vợ mất.

Cặp vợ chồng mà tác giả gặp ở Khoa Ung thư vú của Bệnh viện Advocate Good Samaritan
Cặp vợ chồng mà tác giả gặp ở Khoa Ung thư vú của Bệnh viện Advocate Good Samaritan

Năm cách để tiếp năng lượng cho chồng 

Trong thực tế, vẫn có những người chồng ở lại và cùng với vợ chiến đấu chống lại ung thư nói riêng và các bệnh tật khác nói chung. Bí quyết của các người vợ này:

1/ Đổi vai cho nhau. Khi còn khỏe mạnh, người vợ hãy bớt cầu toàn, hãy để chồng tham gia vào việc chăm sóc gia đình, chăm sóc vợ con.

2/ Xây dựng nguồn năng lượng tích cực dự phòng cho cả gia đình qua việc giữ mối quan hệ tốt với nhà chồng, bạn bè chồng. Đồng thời xây dựng thêm mối quan hệ tốt giữa chồng và gia đình, họ hàng. Ai cũng có lúc ngặt nghèo, nhưng khi gặp chuyện thì người có quý nhân hỗ trợ, người đơn độc gánh chịu.

Các bà vợ đừng ích kỷ cắt hết mọi nguồn tình cảm của chồng, kẻo khi có chuyện, người đàn ông không biết bám víu vào đâu, dễ sinh chuyện không hay.

3/ Các mẹ có con trai, ngay từ nhỏ hãy tập con quen với việc chăm sóc cha mẹ, anh chị em những lúc ốm đau, giúp con trưởng thành một cách toàn diện. Các bà vợ hãy tập cho chồng chăm vợ lúc ốm, chăm con lúc bé nóng sốt hay phải đi bệnh viện… Đừng vì thương mà ôm hết vào mình, cũng đừng vì cầu toàn mà ôm hết. 

4/ Ngay cả khi tình huống xấu nhất xảy ra, người đàn ông bỏ đi khi bạn mắc bệnh hiểm nghèo. Hãy xem đó là một may mắn, vì từ đây - bạn chỉ tập trung lo cho sức khỏe của mình, không lăn tăn chuyện giữ chồng hay mất chồng nữa.

Tóm lại, nếu người đàn ông đã không còn để bạn trong tim, thì dù bạn có mạnh khỏe, xinh đẹp, giỏi giang… anh ta vẫn rời đi. Còn khi bạn vẫn còn trong tim của anh ta, thì dù bệnh tật đến thế nào, bạn cũng vẫn luôn có người ấy bên cạnh. Không hiếm cảnh tuyệt đẹp như người vợ nằm vô hóa chất, chồng ngồi cạnh cùng vợ xem phim trên điện thoại cầm tay… 

Minh Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI