Cả trăm người cùng hít bóng
Những ngày cuối năm 2024, trong vai người có nhu cầu sử dụng bóng cười (funky ball) để giải trí, chúng tôi lên mạng xã hội tìm kiếm và được nhiều “tay chơi” giới thiệu tới quán T. Lounge, ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. 23g, chúng tôi có mặt trong quán này và thấy không gian quán khá nhẹ nhàng, trang trí như những quán cà phê khác, trước quầy pha nước còn dán bảng thông báo lớn: “Nói không với ma túy, bóng cười”.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, một nam nhân viên đon đả mời lên tầng 2 để “vui chơi”. Khi mở cánh cửa phòng, một không gian khác được mở ra. Trong căn phòng rộng khoảng 100m2, lấp loáng ánh đèn chớp đủ màu, có cả trăm thanh thiếu niên đang tụ tập. Trong tiếng nhạc xập xình phát từ loa thùng công suất lớn, những chàng trai, cô gái trẻ thi nhau nhảy nhót không ngừng, trên tay cầm quả bóng trắng, chốc chốc lại đưa lên miệng hít.
 |
Giới trẻ hít bóng cười trong một quán bar ở TP Hà Nội - Ảnh: Ngọc Linh |
Ngay tại cửa ra vào, 4-5 nhân viên thay phiên nhau bơm bóng bằng một chiếc bình khí lớn màu xanh. Không cần hỏi độ tuổi, các nhân viên liên tục cầm bóng vừa được bơm mang vào phòng mời khách. Thấy khách nào hít còn 1/3 lượng khí trong bóng, đội ngũ này liền vội vã đến tiếp bóng thêm. Nam nhân viên dẫn chúng tôi đến cuối phòng do đầu phòng đã chật kín khách ngồi. Trên dãy ghế băng dài cuối phòng, có chục bạn trẻ chừng mười tám, đôi mươi đang nhắm mắt, lắc lư thưởng thức nhạc, miệng ngậm quả bóng.
Chúng tôi được xếp ngồi cạnh 4 cô gái trẻ. Phải lay gọi 2-3 lần, những cô gái này mới tỉnh và ngồi sát vào nhau, chừa chỗ cho khách mới. Chưa kịp ngồi xuống, chúng tôi đã được nhân viên dúi vào tay những quả bóng trắng. Sau đó, các nhân viên này lấy băng dính dán kín phần camera điện thoại của chúng tôi. Họ giải thích, đây là quy định của quán.
Một thiếu nữ ngồi cạnh chúng tôi có dấu hiệu phê thuốc, thều thào: “Phê vãi… Thêm bóng…”. Càng về khuya, số người trẻ đến đây càng đông, gồm cả thanh niên lẫn thiếu niên. Kết thúc cuộc vui kéo dài khoảng 30 phút, một nhóm 3 thiếu nữ méo xệch mặt khi nhìn hóa đơn thanh toán gần 2 triệu đồng cho 3 chai bia, 20 quả bóng cười.
Trong một quán khác ở quận Từ Liêm, TP Hà Nội, bóng cười cũng được phục vụ công khai với giá 80.000 đồng/quả, phần lớn khách hàng là thanh thiếu niên. Theo quan sát của chúng tôi, một nhóm 3 người trẻ đã tiêu thụ khoảng 30 quả bóng cười chỉ trong vòng 45 phút. Họ liên tục rơi vào trạng thái phê, cười nói mất kiểm soát.
 |
Công an TP Hà Nội triệt phá kho kinh doanh trái phép khí N2O vào năm 2023 - Ảnh do công an cung cấp |
Trên mạng xã hội, các bình khí cười được rao bán công khai với đủ kích cỡ, hình dáng. Bình bơm khí cho 7-9 quả bóng có giá 449.000 đồng; bình bơm khí cho 25-28 quả bóng có giá 1.050.000 đồng; bình bơm khí cho 35-38 quả bóng là 1.350.000 đồng. Ngoài đổ sỉ cho các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ, những bình khí cười còn được bán lẻ để phục vụ cho các cuộc vui tại nhà.
Ở TPHCM, dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý nhưng bóng cười vẫn bị lén lút kinh doanh. Ngày 6/11, sau 3 giờ kiểm tra ở phố đi bộ Bùi Viện, lực lượng chức năng phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM đã thu giữ 29 bình chứa khí N2O loại 6kg dùng để bơm bóng cười bán cho khách.
Bóng cười là những quả bóng bay được bơm khí N2O (khí ni-tơ ô-xít, hoặc dinitrogen monoxide). Khi hít, khí N2O lan tỏa, ngấm vào cơ thể, gây cảm giác phấn khích, tạo ảo giác, gây cười không ngừng nghỉ. Việc hít bóng cười có thể gây ngộ độc khí N2O, dẫn đến ức chế thần kinh và đột quỵ nhẹ. Khí N2O có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch, hệ thần kinh, gây trầm cảm.
Cần quản lý toàn bộ đường đi của hóa chất
Theo luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật AEC (TP Hà Nội) - N2O được cho phép sử dụng trong công nghiệp, không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của Nghị định 57/2022/NĐ-CP nên không bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, loại khí này nằm trong danh mục hạn chế sản xuất của Bộ Công Thương. Còn theo Bộ Y tế, N2O chưa được công nhận là thuốc chữa bệnh nên các cơ sở y tế không được dùng trên người bệnh khi chưa được bộ phê duyệt.
 |
Các bình “khí cười” được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình Facebook |
Trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết, trong đó quy định, từ năm 2025, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Bóng cười cũng nằm trong danh mục bị cấm sử dụng. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) - cho rằng, nghị quyết trên của Quốc hội giúp xã hội tăng nhận thức về việc sử dụng N2O, hiểu rằng sử dụng bóng cười, sử dụng khí N2O là hành vi xấu, nguy hiểm tới sức khỏe.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội - từng nêu băn khoăn về khí N2O. Bà cho rằng chất này có tác dụng an thần, giảm đau, được dùng trong y tế và nhiều ngành công nghiệp, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ gây hại sức khỏe tinh thần, thể chất. Do đó, bà đề nghị, khi sửa đổi Luật Hóa chất (dự kiến thông qua trong kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV), cần làm rõ vai trò quản lý của cơ quan nhà nước đối với chất này.
 |
Đã có nhiều lời cảnh báo về mức độ nguy hại của bóng cười, không ít người trẻ vẫn vô tư sử dụng - Ảnh: Ngọc Linh |
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho hay, trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), quy định quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam, đến khi lưu thông, sử dụng. Dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong hóa chất, bảo vệ môi trường.
Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất, đồng thời đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao tính răn đe. Dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân sử dụng các loại hóa chất thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt phải đăng ký mục đích, nhu cầu sử dụng nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất sai mục đích.
Ngọc Linh - Minh Quang
Quảng Ninh: 4 ngày, bắt 2 vụ vận chuyển lậu “khí cười” Ngày 30/11, đội tuần tra, kiểm soát của đồn biên phòng Trà Cổ, thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với đội 3 của đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Bắc (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) bắt giữ 2 chiếc bè không biển kiểm soát chở hàng trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, neo đậu ở vùng biển Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, trên bè chứa 1.200 bình khí N2O với trọng lượng 6.720kg. 2 người điều khiển bè nổi nói trên mang quốc tịch Trung Quốc, không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên. Trước đó, ngày 27/11, đồn biên phòng Bắc Sơn phối hợp với đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, bắt giữ 3 đối tượng đang vận chuyển 3 bè mảng xốp chở 39 bình kim loại màu ghi, hình trụ tròn, bên ngoài bình kim loại có ghi chữ nước ngoài, cho biết bên trong chứa khí N2O. |
Khí N2O từ bóng cười tàn phá hệ thần kinh Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai vẫn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O, hầu hết là người trẻ. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị tổn thương hệ thống thần kinh nặng nề, biểu hiện thường gặp nhất là rối loạn cảm giác, tê bì, liệt cơ, thậm chí rối loạn tâm thần, phải dùng thuốc giải độc nhiều ngày và quá trình hồi phục rất khó khăn. Theo ông, N2O có cơ chế gây nghiện giống như heroine, người dùng có xu hướng sử dụng tăng liều, sau đó phối trộn, sử dụng các loại ma túy khác nên dễ bị ngộ độc cùng lúc nhiều chất, nguy hiểm tới tính mạng. Đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, một nữ bệnh nhân 16 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc kể, cô thường được bạn bè rủ đi chơi, thỉnh thoảng hút bóng cười cho vui. Tuy nhiên, lần gần nhất, sau khi liên tục hít 15 quả bóng cười trong 3 ngày, cô bị tê bì chân tay, thường xuyên bị chuột rút. Ban đầu, cô nghĩ mình bị mệt mỏi do liên tục tụ tập thâu đêm nhưng sau đó, chân tay ngày càng mất cảm giác, không thể đứng dậy, vận động được. Cô phải thông báo để gia đình đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, cô bị tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười, cần được điều trị dài ngày. |
Nhiều nước cấm buôn bán, hít khí N2O Từ tháng 11/2023, Chính phủ Anh chính thức cấm dùng khí N2O (“khí cười”) trong các dịch vụ giải trí nhằm kích thích thần kinh, gây ảo giác. Chính phủ Anh cho rằng, việc lạm dụng N2O gây nguy hiểm cho sức khỏe và việc kinh doanh N2O trong các dịch vụ giải trí là bất hợp pháp. Ở Anh, hiện tượng mua bán “khí cười” đóng chai trở nên phổ biến trong vài chục năm gần đây và thanh thiếu niên thường hít loại khí này để tiêu khiển. Lọ đựng khí cười bị vứt khắp nơi gây ra những hệ lụy về môi trường. Giới chức y tế Anh cảnh báo, việc sử dụng “khí cười” trong thời gian dài gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất, tâm thần. Theo lệnh cấm của Chính phủ Anh, N2O là thuốc loại C; các cá nhân sử dụng trái phép khí N2O để kích thích hệ thần kinh có thể bị phạt tiền, bị ghi cảnh cáo trong lý lịch tư pháp; những cá nhân tái phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù giam. Mức phạt tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu loại khí này trái pháp luật có thể đến 14 năm tù. Lệnh cấm N2O không được áp dụng đối với việc sử dụng hợp pháp như chăm sóc sức khỏe, dùng trong các ngành công nghiệp khác. Người dùng phải chứng minh được rằng họ sở hữu hợp pháp và không có ý định hít loại khí này. Từ tháng 1/2023, Chính phủ Hà Lan cũng cấm sử dụng “khí cười” để giải trí bởi nó có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Các nhà chức trách ở Hà Lan đặc biệt lo ngại khi số thanh thiếu niên sử dụng “khí cười” ngày càng tăng lên. Ngoài các tác hại với sức khỏe, việc hít khí này cũng làm tăng số vụ tai nạn giao thông. Nhiều bang ở Mỹ cấm bán hoặc phân phối khí N2O cho người chưa thành niên hoặc sử dụng vào mục đích giải trí. Chính quyền thành phố New York còn quy định sở hữu “khí cười” để dùng vào việc hít hoặc bán kiếm lời là hành vi phạm pháp. Mỗi năm, nước Mỹ có bình quân 15 trường hợp chết do sử dụng “khí cười”. Từ cuối năm 2020, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng liệt “khí cười” vào danh sách các chất bị kiểm soát. Khánh An (tổng hợp) |