Trao sổ tiết kiệm giả ngay tại ngân hàng
Mới đây, chị L.T.M.C. (ngụ tại Q.6, TP.HCM) bị một đối tượng dắt đến Ngân hàng (NH) thương mại cổ phần P. mở sổ tiết kiệm nhưng sau đó, chị phát hiện sổ này là giả. Theo chị C., chị có quen một phụ nữ tên V. trong Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Bà V. cho biết, hiện NH P. đang cần huy động vốn để trang trải nợ nần, khách hàng gửi tiết kiệm lúc này sẽ được hưởng lãi suất rất cao, gửi 3 tỷ đồng, sẽ được hưởng tiền lãi 100 triệu đồng trong một tuần.
Đang có một khoản tiền nhàn rỗi, chị C. đồng ý gửi vào NH này. Ngày 6/8, bà V. hẹn chị C. đến chi nhánh NH P. tại Q.5 và giới thiệu chị C. với một phụ nữ khác tên V.P.T. - được bà V. giới thiệu là nhân viên chi nhánh NH này.
|
Thời gian qua đã có hàng ngàn người mất tiền vì tin vào bẫy “lãi suất cao” của một số cá nhân, tổ chức |
Dù bà T. không mặc đồng phục của NH, nhưng thấy bà T. đang ở trong khuôn viên của NH nên chị C. vẫn tin bà T. là người của NH. “Lúc này, chồng và em trai tôi trực tiếp đưa 3 tỷ đồng vào quầy thủ quỹ, có nhân viên NH kiểm đếm bằng máy.
Trong khi chờ nhân viên NH kiểm đếm tiền, bà T. đưa tôi sổ tiết kiệm 3 tỷ đồng của NH để kiểm tra. Sau đó, bà T. trao đổi với nhân viên NH và đưa chúng tôi giấy nộp tiền có đóng dấu của NH P. với tên người nộp là tôi.
Tiếp đó, bà T. đến quầy đếm tiền, phụ cột tiền với thủ quỹ, dùng dấu của NH đóng vào bảng kê nộp tiền trước sự chứng kiến của thủ quỹ NH và chồng tôi rồi đi đến ghế chờ. Lúc đó, tôi mang về nhà sổ tiết kiệm, giấy nộp tiền, bảng kê nộp tiền, tất cả đều có đóng dấu của NH” - chị C. kể.
Khoảng 15g ngày hôm đó, chị C. về nhà và nhờ người quen làm chung hệ thống NH P. kiểm tra tài khoản của mình thì mới phát hiện trong tài khoản không có tiền. Chị C. lập tức quay trở lại chi nhánh NH P. thì gặp bà T. đang giao dịch với khách hàng khác.
“Tôi đưa sổ tiết kiệm cho nhân viên NH nhờ kiểm tra thì phía NH báo sổ giả, thu giữ sổ tiết kiệm và giấy nộp tiền của tôi. Tôi tiếp tục cầm bảng kê nộp tiền đến quầy hỏi thủ quỹ số tiền vừa nộp tại NH thì thủ quỹ giữ luôn bảng kê. Sau đó, tôi thấy công an phường đến trao đổi với NH và yêu cầu bà T. về trụ sở công an phường. Tôi quá sốc vì không nghĩ mình bị lừa làm sổ tiết kiệm giả ngay trong khuôn viên của NH. Phải chăng có sự cấu kết nào đó giữa NH P. và bà T. nên bà T. mới được phép ngồi đếm tiền cùng nhân viên NH? Nếu NH không bao che cho bà T., tại sao không giúp khách hàng truy nguồn gốc 3 tỷ đồng đã đi đâu” - chị C. bức xúc.
Kẻ lừa đảo chỉ nhờ kiểm đếm hộ
Trao đổi với chúng tôi, đại diện NH P. cho biết, hiện vụ việc liên quan đến bà V.P.T. lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng của chị C. đang được Công an TP.HCM thụ lý. Căn cứ hồ sơ và diễn biến sự việc, giao dịch giữa chị C. với bà V.P.T. hoàn toàn không liên quan đến NH. NH không quản lý và kiểm soát các giao dịch giữa các cá nhân với nhau.
Cụ thể, tại thời điểm xảy ra vụ lừa đảo, bà V.P.T. không phải là nhân viên của NH P. vì bà T. đã nghỉ việc từ lâu. Cơ sở dữ liệu và hồ sơ chứng từ cho các giao dịch phát sinh tại NH vào ngày 6/8 xác định NH không có bất cứ giao dịch tiền gửi tiết kiệm nào phát sinh với khách hàng mang tên L.T.M.C. hay V.P.T.
Theo quy định, NH chỉ quản lý giao dịch ngay tại quầy có quay camera để đối chiếu. Trong khi đó, chị C. và bà T. tự giao dịch với nhau, bà T. đưa sổ tiết kiệm cho chị C. trong khuôn viên của NH chứ không phải tại quầy giao dịch. Còn việc bà T. ngồi đếm tiền, cột tiền với nhân viên tại phòng ngân quỹ là do bà T. đề nghị NH kiểm đếm hộ tiền.
Đại diện NH P. giải thích: “Vào ngày 6/8/2018, bà V.P.T. với tư cách là khách hàng có đề nghị cán bộ NH thực hiện dịch vụ kiểm đếm tiền mặt tại quầy khoản tiền 3 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc kiểm đếm, bà T. không thực hiện các thủ tục giao dịch để gửi tiền vào NH. Do đó, chúng tôi không thể truy nguồn gốc số tiền 3 tỷ đồng đó đã đi đâu. Chúng tôi có phiếu thu phí kiểm đếm hộ của khách hàng V.P.T. là 660.000 đồng làm bằng chứng và có cả camera quay hoạt động của bà V.P.T. ngay tại quầy. Khi phát hiện bà V.P.T. có dấu hiệu lập hồ sơ giả để lừa đảo, NH chúng tôi đã chủ động trình báo sự việc đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Ngoài khiếu nại của bà L.T.M.C., NH cũng nhận được phản ánh của một số khách hàng khác về việc bị bà V.P.T. lừa đảo với thủ đoạn tương tự. NH đang phối hợp cung cấp thông tin, hồ sơ để cơ quan điều tra xác minh và xử lý”.
Chiêu thức lừa đảo quá tinh vi
Khi tiếp nhận vụ việc của chị L.T.M.C., luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) không khỏi “sốc” vì thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi của bọn tội phạm.
Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia cao cấp tài chính NH - cho rằng, đây là một bài học đắt giá với những khách hàng ham lãi suất cao, tin vào lời dụ dỗ của những người đứng ra huy động vốn.
Ông khẳng định, không có NH nào dám đứng ra huy động lãi suất cao ở mức 30-40% vì sẽ vi phạm quy chế của NH Nhà nước.
|
Bà V.P.T. đã dẫn dụ khách hàng đến tận phòng giao dịch NH, làm giả động tác đếm tiền tại quầy giao dịch để khách hàng thấy và tin tưởng bà T. đang gửi tiền tiết kiệm tại quầy. Sau đó, bà T. ra khỏi quầy giao dịch - nơi không có camera - lấy sổ tiết kiệm đã chuẩn bị sẵn từ trước giao cho khách hàng.
Trong vụ việc này, lỗi lớn nằm ở khách hàng vì đã quá tin vào đối tượng ngay từ khi mới bước vào NH, qua việc chỉ ngồi ở ghế đợi, giao hết số tiền 3 tỷ đồng để bà V.P.T. tự ý kiểm đếm.
Thực tế, rất nhiều khách hàng có suy nghĩ như chị L.T.M.C. rằng, người ở trong khuôn viên NH là nhân viên NH, kể cả lúc các đối tượng này không mặc đồng phục; hoặc khách hàng có suy nghĩ mình là khách “VIP”, chỉ cần ngồi một chỗ, giao hết cho nhân viên NH làm. Thực tế, NH chỉ quản lý các giao dịch ngay tại quầy giao dịch, không thể quản lý ngoài sảnh chờ hoặc quản lý việc khách hàng đang làm gì ngoài sảnh chờ.
Thanh Hoa