Dù mưa tạt gió lùa…

26/08/2022 - 18:43

PNO - Nhà dột, anh em tôi cầm thau chạy tới chạy lui để hứng nước, nhưng cũng có mấy chỗ ướt đầm, đất thịt ngấm nước nhão nhoẹt, đi phải bấu những ngón chân mới khỏi ngã…

1. Tuổi thơ tôi gắn liền với những ngày “mưa tạt gió lùa”, “nhà dột cột xiêu”. Không phải “nhà không có nóc” mà chính vì nhà nghèo quá, cha mẹ mải bận kiếm sống và không có điều kiện làm được cái nhà chắc chắn. Mấy chục năm trước, mỗi mùa mưa đến, ba tôi phải dùng dây kẽm “xiềng” chằng chịt cái nhà vào mấy gốc dừa.

Mưa rồi, nhà dột, anh em tôi cầm thau chạy tới chạy lui để hứng nước, nhưng cũng có mấy chỗ ướt đầm, đất thịt ngấm nước nhão nhoẹt, đi phải bấu những ngón chân mới khỏi ngã…

Nhà lá, cột chôn, kèo, đòn tay đều bằng tre hoặc gỗ tạp nên chỉ vài mùa đã “xuống cấp”. Có lần, ba tôi đi làm ăn xa, mới sáng sớm nhưng đã có một cơn giông nhẹ đi qua, ngôi nhà kêu răng rắc rồi đổ sập xuống, mẹ và anh em chúng tôi chỉ kịp chạy ra ngoài… Thì ra mấy cây cột yếu lại chôn dưới đất rất mau mục… 

 

Lần khác, hồi tôi bảy, tám tuổi, lúc ba mẹ đi vắng, tôi cầm chiếc đèn dầu xem tranh “tứ bình”, bất cẩn thế nào mà để ngọn đèn bắt vào tranh, cháy sém lên vách bằng lá dừa nước chằm lại. Trong lúc hốt hoảng, tôi cũng kịp dùng một khúc củi để dập lửa. Nếu không thì… Hôm sau tôi bị ba đánh đòn rõ đau, nhưng trông ông buồn buồn. Phải chi vách nhà đóng bằng ván thì chắc không dễ cháy như vậy…

Những kỷ niệm về ngôi nhà thời thơ ấu tôi mãi mãi không quên.

2. Hồi nhỏ, nhà nghèo nhưng nhà ngoài ba gian chính còn có hai chái bếp. Trên nhà chính, tuy không ngăn phòng nhưng ngoài các giường ngủ, luôn có một phần để đặt bồ lúa. Làm nông dân, ai cũng quan tâm đến cái bồ lúa; bồ to hay nhỏ không chỉ thể hiện làm lúa có trúng hay không mà còn phản ánh sự khá giả của mỗi gia đình.

Nếu bồ lúa to tức là lúa năm trước còn để lại, cũng tức là có nguồn thu nhập khác để chi tiêu, lúa chỉ để chà gạo chứ không phải bán. Ở các chái lá nhà bếp, kho để củi và chuồng gà…

Ngày xưa không có điện, mỗi tối ba thắp một chiếc đèn dầu tim (bấc) lớn đặt giữa nhà để mấy anh em tôi quây quần học bài. Ba mẹ sau khi làm xong việc nhà cũng nằm nghỉ trên chiếc đi-văng bên cạnh nghe chúng tôi ê a học hoặc giải đáp những câu hỏi bất chợt của chúng tôi. Học bài xong, thế nào cũng có “tiết mục” kể chuyện. Giọng của ba tôi trầm trầm thật tuyệt vời, kể hết truyện cổ tích đến truyện Tây truyện Tàu…

Ba đọc nhiều lại có trí nhớ tốt nên chuyện nào cũng rành mạch, hấp dẫn. Những chuyện kể của ba đi vào giấc ngủ ăn thành tiềm thức, lớn lên không thể quên và góp phần định hình tính cách của chúng tôi…

3. Qua thời gian, chúng tôi lần lượt có những ngôi nhà. Cứ vài mùa mưa, nhà lại được lợp lớp lá mới, nhiều cột kèo phải thay mới do cây tạp mục nát. Sau này, khi rời quê đến định cư ở vùng đất mới, đời sống ngày càng khá hơn, dù đã có nhà mái tôn nhưng chưa bao giờ được cất bằng gỗ tốt.

 

Vì vậy, mỗi mùa mưa, dù ít dột nhưng vẫn còn cảnh gió lùa… Khoảng hơn chục năm gần đây, chỗ nhà tôi có điện nên nhà cửa mới được cất khang trang hơn, tiện nghi hơn, mới thôi cảnh mưa gió…

Lớn lên, tôi lên TPHCM học rồi ở lại, lần hồi cũng có những mái nhà riêng của mình. Nhưng trong ngôi nhà của thuở còn bề bộn, còn thiếu nhiều thứ của ba mẹ tôi ở quê vẫn tràn ngập tình thương, hạnh phúc. Dù ở xa nhưng ba mẹ vẫn dõi theo từng bước đi của tôi, vẫn trông ngóng chúng tôi trở về.

Ngày về, ba mẹ ôm lấy đứa cháu nội vào lòng, hỏi han con dâu và thế nào ba cũng dành nhiều buổi để nói chuyện với tôi, như một người bạn xa cách lâu ngày… Ngày về, anh em mừng rỡ chuyện trò không biết chán…

Có những hôm về lại nhà xưa, đêm ngủ, giật mình nghe tiếng con vạc sành, nẫu ruột nhớ những ngày thơ ấu ở quê; nghe vườn cây xào xạc mà tưởng như tiếng hàng dừa trước cửa đang rung rinh đón con nước lớn; nghe tiếng chó sủa mà cứ ngỡ con Mực, con Vện rối rít khi thấy cậu chủ trở về; nghe tiếng gà eo óc gáy sáng mà nhớ tiếng vịt cạp cạp buổi bơi xuồng đưa mẹ quảy vịt đi chợ bán giữa lúc trăng trung tuần đương vành vạnh; nghe tiếng chim ăn đêm kêu sương mà nghĩ đến thân phận một người xa xứ…

Thế nào tôi cũng nghe ba mẹ nói chuyện với nhau, như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Đã bắt đầu những câu chuyện “hồi đó”, vừa ôn nghèo kể khổ, vừa nhắc đến những người thân thuộc thuở xưa, vừa bồi hồi với những kỷ niệm quê hương mấy chục năm xa cách… 

 

Sau những lần ấy, trở về thành phố, tôi muốn ghi lại tất cả thành thơ, thành truyện, nhưng bút viết chẳng nên, chỉ đọng thành những xúc cảm khôn nguôi về hình ảnh người mẹ gầy guộc hay lam hay làm, hình ảnh người cha vẫn vững chãi dù tháng năm làm ông chồn chân mỏi gối, hình ảnh những đứa em mỗi ngày mỗi trưởng thành, hình ảnh ngôi nhà dù ngày có thêm nhiều “góc” mà vẫn ấm áp lạ thường, hình ảnh một miền quê mới thanh bình, êm ả…

Góc nhà ấy dù vẫn còn mưa tạt gió lùa nhưng luôn ấm áp.

Và vì vậy, khi vắng bóng ba bên đời thì tất cả chúng tôi đều thấy trống vắng lạ thường. 

Nguyễn Minh Hải

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI