PNO - Sáng 5/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi).
Tính tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước là vấn đề từng được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều trong các kỳ họp trước. Trong bối cảnh có quá nhiều cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, các bệnh viện lớn xin thôi cơ chế tự chủ để quay về được bao cấp ngân sách.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, Chính phủ đã có báo cáo rà soát và nêu cụ thể những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách về tự chủ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo quy định về tự chủ của các luật có liên quan, dự thảo luật lần này đã bổ sung 1 điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Cụ thể, điều 108 của dự luật quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh; được quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh; được quyết định việc sử dụng tài sản công nhằm phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định rõ nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” mà không làm tăng chi phí cho người dân. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã quy định các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, lợi nhuận dự kiến (nếu có), các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Dự thảo luật cũng quy định cụ thể các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có chi phí nhân công, chi phí thuốc hóa chất, nhiên liệu và các loại phí như phí quản lý, khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định…
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và trước ngày 1/1/2025, phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho vấn đề tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và bổ sung
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, về tổng thể, dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Dự thảo đã lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo cũng khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cũng cho rằng, đây là luật mang tính cập nhật nhiều nhất. Luật này dựa trên thực tiễn để sửa đổi và sửa đổi để làm cho thực tiễn tốt hơn. Đây là điểm sâu sắc nhất trong dự luật này. Theo ông, dự thảo đã cập nhật, hoàn thiện nhiều quy định như xã hội hóa, tự chủ, giá bảo hiểm y tế, giấy phép hành nghề, hội đồng y khoa…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, dự thảo luật vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ông lý giải: “Vì sao cố gắng như vậy mà vẫn chưa hoàn hảo? Đó là do trước hết, đây là luật vừa có chiều dài, vừa có chiều sâu, là luật chuyên ngành nhưng áp dụng cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động của y tế có sự thay đổi mạnh trong khoảng chục năm qua và hiện vẫn đang tiếp tục thay đổi. Y tế đang chuyển động theo nhu cầu, đặc điểm của đất nước, những đòi hỏi của cuộc sống, sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật”.
Theo ông, thời gian qua, do chưa kịp sửa đổi luật nên đã xuất hiện nhiều sai phạm trong ngành y. Điều này tạo ra tâm trạng lo lắng, áp lực ngay cả cho người làm luật do lo ngại rằng, những quy định đưa ra có thể vô tình tạo kẽ hở luật pháp, dễ phát sinh sai phạm.
“Dù vậy, dưới luật này, chúng ta còn có nghị định và thông tư để hướng dẫn. Với những cái mới, có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung. Tôi mong rằng, dự luật lần này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong công tác khám, chữa bệnh trong thời gian tới” - ông nói.
Đề xuất kéo dài một số chính sách phòng, chống COVID-19
Sáng 5/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tờ trình đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết 30) về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022 trong khi một số chính sách cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.
Chính sách thứ nhất là các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết 30 và các văn bản hướng dẫn, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Chính sách thứ hai được đề nghị tiếp tục đến hết ngày 31/12/2023 là cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 30 và các nghị quyết khác của Quốc hội.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí nhưng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, bền vững và lâu dài để giải quyết các vướng mắc, bất cập như việc chậm thanh toán chi phí trong điều trị cho người bệnh COVID-19, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19, việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc…
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.