Dư luận quốc tế trước tuyên bố rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump

23/11/2016 - 06:30

PNO - Ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương để tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho nước Mỹ.

Ngày 21/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiết lộ kế hoạch “cần làm ngay” sau khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, được gọi là kế hoạch 100 ngày đầu tiên. Đáng chú ý, ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày nhậm chức 20/1/2017 để tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho nước Mỹ.

Hiệp định TPP được 12 nước châu Á - Thái Bình Dương ký kết tháng 2/2016, chính thức có hiệu lực vào tháng 2/2018 nếu quốc hội của ít nhất sáu nước thành viên (chiếm tối thiểu 85% sản lượng kinh tế của khối) phê chuẩn. Quy định trên đồng nghĩa TPP cần sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ và của Nhật Bản. Tuyên bố đơn phương rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Trump lập tức gây nên phản ứng quốc tế mạnh mẽ.

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima (Peru) cuối tuần qua cho biết họ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do bất chấp sự phản đối của ông Trump.

Du luan quoc te truoc tuyen bo rut khoi TPP cua Tong thong dac cu Donald Trump
Tổng thống Donald Trump

Tuy nhiên, bên lề hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 21/11 nói rằng “TPP thiếu Mỹ cũng giống như một thỏa thuận mới, có nghĩa là 12 nước thành viên phải ngồi lại và ký thỏa thuận với điều khoản khác để có hiệu lực”, ông nhấn mạnh TPP mà thiếu Mỹ “là một tổn thất lớn”. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) rằng TPP thiếu Mỹ thì “vô nghĩa”.

Về tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói, đó là quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump trên cương vị nhà lãnh đạo mới được nước Mỹ bầu ra một cách dân chủ để đưa ra những quyết sách “ông ấy cho là đúng”. Thủ tướng Razak khẳng định ông ủng hộ mạnh mẽ phát triển thương mại và chủ nghĩa khu vực mở cửa ở châu Á - Thái Bình Dương mà ông coi là chìa khóa để mang lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực.

Parag Khanna, chuyên gia Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa (CAG) tại Đại học Quốc gia Singapore viết trong bài báo của mình rằng “điều này không có gì bất ngờ, nhưng các chính sách thương mại của ông (Trump) sẽ làm suy yếu những lợi ích TPP có thể mang lại cho Mỹ”. Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) khẳng định: “Đây là một tin đáng buồn, nó có nghĩa là sự chấm dứt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong thương mại thế giới và chuyển chiếc gậy chỉ huy cho châu Á”.

Chuyên gia kinh tế người Nhật của công ty IHS Markit, ông Harumi Taguchi, viết: Nhật Bản không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ và không có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ với các nước khác như Hàn Quốc, một nước đã ký FTA với Mỹ. Nếu không có TPP, Nhật sẽ nhắm đến các mục tiêu mới là hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định EPA Nhật-EU cũng như FTA Nhật-Trung Quốc-Hàn Quốc.

Trong khi đó, Simon Rabinovitch, biên tập viên kinh tế châu Á của tờ Economist viết: Mặc dù ông Trump dọa rút khỏi TPP trong quá trình tranh cử, nhưng tuyên bố mới đây của ông vẫn khiến người ta thất vọng. Điều trớ trêu là ông Trump từng gọi nó là một “thỏa thuận kinh khủng”, TPP thực tế rất tốt cho kinh tế nước Mỹ.

“Sự sụp đổ của TPP sẽ tạo ra một khoảng trống ở châu Á mà theo nhiều nhận định là Trung Quốc bắt đầu di chuyển để lấp đầy nó”, ông Rabinovitch cảnh báo. Jim Rogers, một nhà đầu tư, thì chỉ nói đơn giản: “Dù tốt hay xấu, điều này mang châu Á và Thái Bình Dương đến cho Trung Quốc và các đồng minh của Bắc Kinh. Sẽ có vài tỷ người với những nền kinh tế mạnh, ít nợ và các khối tài sản rất lớn trong khu vực. Dù thế nào chăng nữa, đó cũng là bước ngoặt lớn trong lịch sử”.

Thiện Đạo (Theo CNN, BBC, Reuters, Channel NewsAsia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI