Dư luận quốc tế đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA

13/07/2016 - 05:52

PNO - Dư luận quốc tế hết sức ủng hộ PCA ngày 12/7 đưa ra phán quyết lịch sử công bằng, khách quan, căn cứ UNCLOS 1982 để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông.

Du luan quoc te doi Trung Quoc tuan thu phan quyet cua PCA
Dư luận quốc tế hết sức ủng hộ phán quyết của PCA 

Ngay sau khi có phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA), Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố, khẳng định phán quyết về Biển Đông của PCA là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần tuân thủ. Ông Kishida khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng luật pháp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hoan nghênh thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Biển Đông và lưu ý, Trung Quốc cần tôn trọng hệ thống quốc tế sau khi tòa trọng tài ra phán quyết về “đường lưỡi bò”.

Các hãng tin quốc tế, nhiều tờ báo lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin ca ngợi phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông.

Dư luận quốc tế hết sức ủng hộ PCA ngày 12/7 đưa ra phán quyết lịch sử công bằng, khách quan, căn cứ UNCLOS 1982 để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông. Các nước ASEAN theo sát diễn biến và kết quả vụ kiện, có 5 (trong 10) quốc gia ASEAN cử đoàn quan sát viên tới dự các phiên tranh tụng tại La Haye (Hà Lan) và kêu gọi “tuân thủ đầy đủ tiến trình pháp lý và ngoại giao”, hàm ý tôn trọng phán quyết vụ kiện. Nhật Bản phối hợp với các nước trong nhóm G-7, tiến tới cùng đưa ra tuyên bố chung liên quan đến phán quyết về vụ kiện này.

Các nước châu Âu tỏ ra lo lắng trước việc Trung Quốc tuyên bố không tôn trọng phán quyết về vụ kiện Biển Đông. EU ráo riết vận động hậu trường nhằm đưa ra tuyên bố chung, hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của PCA, trong đó Đức và Pháp đi đầu trong nỗ lực này. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từng đề xuất hải quân EU phối hợp tuần tra tại vùng biển châu Á để củng cố trật tự hàng hải dựa trên luật pháp.

Tuy không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ đã gây áp lực ngoại giao ở cả phương Tây và châu Á, buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như luật pháp quốc tế. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines ngày 12/7, Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Kristie Kenney kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông tôn trọng phán quyết của PCA. Hai cường quốc châu Á là Hàn Quốc và Ấn Độ cũng bày tỏ quan tâm đến khả năng ASEAN có tiếng nói chung sau phán quyết. Trong khi đó, Australia công khai thừa nhận quyền của Philippines khởi kiện Trung Quốc, khẳng định phán quyết của tòa có giá trị ràng buộc và được các nước có lợi ích tại khu vực đón nhận và ủng hộ.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cho rằng Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của PCA. Trả lời phỏng vấn của truyền hình nước này, ông Brownlee nói: “Chúng tôi muốn tự do hàng hải, tự do hàng không, chúng tôi muốn có sự tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc có chấp nhận phán quyết của tòa án hay không là chuyện của chính phủ Trung Quốc, nhưng chúng tôi tin họ nên làm vậy”.

Hòa Ninh (Theo Reuters, CNN, Inquirer, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI