Đủ loại bổ trợ học tiếng Anh: Học sinh đừ, phụ huynh đuối

06/12/2019 - 10:30

PNO - Chỉ riêng môn tiếng Anh, mỗi học sinh phải “ôm” ít nhất bốn quyển giáo trình tiếng Anh chính và các chương trình bổ trợ. Học phí cũng “nặng” theo áp lực học…

Mới đây, chị L.R.B., phụ huynh có con học lớp Ba, Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM), bức xúc khi trường phát phiếu thu tháng 11 “lòi” thêm khoản học phí phần mềm tiếng Anh. “Trong khi học sinh đang học ổn định tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần (60.000 đồng/tháng) với giáo trình Family and friends. Năm trước, học một tiết tiếng Anh với người nước ngoài. Năm nay, trường tự ý tăng thêm một tiết nữa, học phí cũng theo đó mà tăng lên 180.000 đồng/tháng. Rồi giờ còn tăng cường thêm phần mềm tiếng Anh Phonics kèm thêm hai quyển sách và học phí là 80.000 đồng/tháng”, chị B. nói. 

Đa dạng như “ma trận”

Còn một phụ huynh có con đang học Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) bực bội vì con đang học tiếng Anh tăng cường đã học 8 tiết/tuần (học phí 80.000 đồng/tháng), nay trường lại “đẻ” thêm chương trình học tiếng Anh với người nước ngoài (150.000 đồng/tháng) và tiếng Anh I-learn (180.000 đồng/tháng). Phụ huynh cho rằng, thu tiền ba loại nhưng học sinh cũng chỉ học 8 tiết tiếng Anh/tuần, giờ học không thêm nhưng lại thêm học phí.

Du loai bo tro hoc tieng Anh: Hoc sinh du, phu huynh duoi
Đưa nhiều loại hình bổ trợ tiếng Anh vào giảng dạy có thể làm học sinh quá tải. Ảnh minh họa

Có thể thấy chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông là mảnh đất màu mỡ. Riêng chương trình tiếng Anh tiểu học đã có rất nhiều loại hình tồn tại: tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án, tiếng Anh tự chọn… Trong mỗi loại hình, người ta lại “sáng tạo” thêm các chương trình bổ trợ. Chưa biết hiệu quả tới đâu nhưng chúng đang được triển khai rầm rộ tại các trường học. Quả thật, các chương trình tiếng Anh với người nước ngoài và các phần mềm bổ trợ đa dạng hơn mức cần. 

Chương trình tiếng Anh với người nước ngoài sẽ tùy thuộc vào trường hợp đồng với trung tâm bên ngoài dạy 1-2 tiết. Mỗi trường phối hợp với một trung tâm khác nhau nên giá thành và chất lượng cũng… trăm hoa đua nở. Các phần mềm tiếng Anh bổ trợ cũng đa dạng không kém, từ Dyned, Phonics Learning Box UK, E-Study, I-Learn Smart Start... Là dân chuyên môn đôi khi còn hoa mắt huống hồ phụ huynh. Bởi vậy, trường chọn gì, phụ huynh phải cho con học cái đó. 

Phụ huynh Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức) thắc mắc: “Đây là chương trình không bắt buộc và trên tinh thần tự nguyện nhưng nhà trường không lấy ý kiến của phụ huynh đã đưa vào, tổng chi phí học tiếng Anh là 350.000 đồng/tháng. Nhưng, ai sẽ chứng minh học sinh học ba thứ cùng lúc sẽ có hiệu quả? Chỉ riêng môn tiếng Anh đã có sáu cuốn giáo trình”.

Hiệu quả tới đâu?

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh, người từng phụ trách chương trình tiếng Anh tiểu học tại Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: ưu điểm là tận dụng xã hội hóa để học sinh tiếp cận với công nghệ nghe nhìn, giáo viên bản ngữ nhằm học tiếng Anh tốt hơn. Tất nhiên, đó là trong trường hợp những đơn vị trường chọn là chuẩn. Nếu không khéo sẽ mang lại hiệu quả ngược, làm trẻ bị ngộp.

“Đơn cử, mỗi phần mềm bổ trợ có mục đích riêng: Dyned giống như chương trình của tài liệu Let’s go lúc trước; I-smart còn có thêm phần khoa học… Lớp Một, Hai, trường dạy theo phần mềm này, lên lớp cao hơn lại chuyển phần mềm khác, liệu có thông suốt hay sẽ bị vênh?

Chưa kể, việc dạy cùng lúc tiếng Anh tăng cường (giáo trình Family and friends), phần mềm bổ trợ (giáo trình riêng), tiếng Anh với người nước ngoài (có thể có thêm giáo trình riêng) thì ba chương trình này sẽ gặp nhau ở điểm nào? Những đối tượng này có ngồi lại với nhau để bàn một chương trình đa dạng trong thống nhất không? Nếu không trả lời thỏa đáng sẽ rất khó có hiệu quả cho người học”, thạc sĩ Thụy Anh 
nhấn mạnh. 

Sự khập khiễng này có thể thấy rõ trong quá trình triển khai ở các trường. Năm học 2015-2016, chương trình tiếng Anh AMA được nhiều trường hợp đồng và đưa vào giảng dạy bổ trợ thì gần đây bỗng dưng “mất tích”. Thay vào đó là sự xuất hiện của tiếng Anh Dyned, chiếm thị phần khá lớn. Phụ huynh Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3) từng thấy khó hiểu khi lớp Một con học tiếng Anh tự chọn với giáo trình Family and friends. Lên lớp Hai lại có thêm Dyned trong chương trình buổi hai, với thời lượng 2 tiết/tuần.

Phụ huynh một trường THCS tại Q.3 bức xúc vì sách tiếng Anh trong bộ sách giáo khoa chung gần như không có cơ hội dùng đến. Khi con học lớp Sáu, Bảy dùng giáo trình tiếng Anh Dyned với giá 350.000 đồng/bộ. Đến lớp Tám, tiếng Anh Dyned bị phản đối lại được trường đổi thành tiếng Anh Access.

Nếu không có đổi mới và đa dạng các hình thức học tập thì học sinh sẽ thiệt thòi. Nhưng lạm dụng quá đà không khéo sẽ tác dụng ngược, khiến học sinh quá tải, đờ đẫn với hàng tá chương trình bổ trợ, cộng thêm… 

Gia tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI