Dữ liệu sinh trắc - chìa khóa chống lại nạn lừa đảo

03/07/2024 - 06:32

PNO - Những năm gần đây, người tiêu dùng đã dần quen với việc xác thực sinh trắc trong các giao dịch hằng ngày. Sự suy giảm hiệu quả của mật khẩu, mã OPT… trong tình hình các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi khiến công nghệ sử dụng dữ liệu sinh trắc được xem là phương thức bảo mật của hiện tại và cả tương lai.

Sự phát triển của công nghệ bảo mật bằng nhận dạng sinh trắc giúp chống lại nạn lừa đảo đang ngày càng tăng - Ảnh minh họa: Weiquan Lin/Getty Images
Sự phát triển của công nghệ bảo mật bằng nhận dạng sinh trắc giúp chống lại nạn lừa đảo đang ngày càng tăng - Ảnh minh họa: Weiquan Lin/Getty Images

Thuận tiện và bảo mật cao

Trung tâm Dịch vụ tài chính của tập đoàn kiểm toán Deloitte (Anh) dự đoán những vụ gian lận danh tính sẽ gây ra khoản thiệt hại ít nhất là 23 tỉ USD vào năm 2030. Trước tình hình này, nhiều ngân hàng và công ty công nghệ tài chính phải phát triển hệ thống bảo mật tiên tiến hơn bằng công nghệ nhận diện sinh trắc.

Khi các dịch vụ tài chính và giao dịch có giá trị cao ngày càng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, nhu cầu về khả năng chuyển tiền an toàn hơn cũng tăng theo. Để tối ưu hóa điều này, Pascal Tavernier - Giám đốc bộ phận quản lý truy cập và nhận dạng tại công ty dịch vụ tài chính UBS (Thụy Sĩ) - cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi và xác thực sinh trắc là chìa khóa cho tương lai.

Công nghệ xác thực sinh trắc - như nhận dạng vân tay, khuôn mặt và giọng nói - có thể hứa hẹn tạo ra một tương lai trải nghiệm ngân hàng liền mạch và an toàn hơn. Dữ liệu gần đây cho thấy, 44% người Mỹ sử dụng tính năng sinh trắc thay vì mật khẩu. Ước tính 75% người dùng không thiết lập mật khẩu có độ bảo mật cao, 4% dùng những mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản. Điều này cùng với sự gia tăng các vụ lừa đảo tinh vi kết hợp công cụ AI đã khiến mật khẩu và mã OTP trở nên kém hiệu quả.

Công nghệ nhận dạng sinh trắc cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại các cuộc tấn công mạng. Ngay cả khi tội phạm chiếm được quyền truy cập vào kho dữ liệu sinh trắc, chúng cũng không thể tái tạo khuôn mặt, làm giả lòng bàn tay hoặc những thông tin liên quan khác. Công nghệ phát hiện chuyển động sống là điểm mấu chốt. Ông Tavernier giải thích: “Bạn luôn có thể sao chép dữ liệu sinh trắc của mình. Dù vậy, yếu tố quan trọng nhất là tính năng phát hiện sự sống. AI được sử dụng để quyết định xem bạn là người thật hay là kẻ giả mạo, người đeo mặt nạ hay hình chiếu phát lại".

Năm 2017, công ty an ninh mạng Bkav (Việt Nam) đã có thể mở khóa iPhone X bằng cách sử dụng mặt nạ mô phỏng khuôn mặt người dùng. Với tính năng FaceID của Apple, hình ảnh được chụp và phân tích thông qua cảm biến ánh sáng, ống kính hồng ngoại, cảm biến tiệm cận và máy chiếu điểm. Từ đó xác định các điểm mốc trên khuôn mặt để kết luận rằng khuôn mặt đang nhìn vào ống kính có đại diện cho người có quyền truy cập.

Do các biến số có thể xảy ra khi thu thập dữ liệu trực tiếp, các chương trình này phải qua quá trình đào tạo chuyên sâu để loại bỏ các kết quả sai. Đến nay, các chương trình đã được cải tiến để phát hiện ngay cả những biến thể nhỏ mà người quan sát có thể không nhận thấy, chẳng hạn như kiểu nếp nhăn trên gương mặt, kết cấu da, vết sẹo và thậm chí cả chuyển động của mắt.

Thanh toán bằng gương mặt

Nhà hàng thức ăn nhanh tự động CaliExpress by Flippy ở bang California (Mỹ) vừa khai trương vào tháng 1/2024 với tùy chọn thanh toán bữa ăn bằng cách quét khuôn mặt. CaliExpress sử dụng hệ thống thanh toán từ công ty công nghệ nhận dạng khuôn mặt PopID. Đây không phải là chuỗi thức ăn nhanh duy nhất sử dụng công nghệ này.

Steak ’N Shake - chuỗi nhà hàng ở miền trung tây nước Mỹ - cũng đã bắt đầu lắp đặt các điểm nhận dạng khuôn mặt tại 300 cửa hàng của mình. Họ cho biết, việc sử dụng PopID chỉ mất từ 2-3 giây, nhanh hơn nhiều so với thanh toán bằng mã QR hoặc ứng dụng di động. Các tùy chọn thanh toán qua sinh trắc cũng trở nên phổ biến hơn. Amazon giới thiệu công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay vào năm 2020.

Mastercard triển khai thí điểm thanh toán dựa trên khuôn mặt ở Brazil vào năm 2022 và nhận về 76% phản hồi tích cực từ nhóm tham gia trải nghiệm. Cuối năm 2023, Mastercard cho biết, họ đang tìm cách đưa chương trình thanh toán qua sinh trắc đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Người tiêu dùng ngày càng thoải mái hơn với công nghệ nhận dạng sinh trắc. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 từ công ty phân tích thị trường PYMNTS (Mỹ), phần lớn mọi người vẫn thích quét dấu vân tay hơn nhận dạng khuôn mặt. Người tiêu dùng thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) thì ưa thích nhận dạng khuôn mặt hơn so với quét vân tay hoặc nhập mật khẩu. Công ty phân tích thị trường Juniper Research (Anh) dự báo, thị trường thanh toán qua sinh trắc toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 100% từ năm 2024-2028, với giá trị giao dịch lên đến khoảng 3.000 tỉ USD vào năm 2025.

Tấn Vĩ (theo Information Week, The Banker, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI