Du lịch y tế Việt Nam chừng nào cất cánh?

09/11/2023 - 06:13

PNO - Cuối năm 2005, tại Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VIII, nhiệm kỳ 2005-2010, du lịch y tế được đề xuất là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP của thành phố. Nhưng đến nay, việc triển khai ý tưởng này vẫn hết sức chậm chạp.

Nhiều người có chung nhận định rằng, du lịch y tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất có tiềm năng, bởi mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề giỏi; ngành du lịch cũng có nhiều kinh nghiệm tiếp đón hàng triệu du khách quốc tế hằng năm. Nhưng không phải cứ mang 2 điều thuận lợi ráp lại với nhau là có được kết quả tốt đẹp. 

Du lịch y tế (medical tourism) là thuật ngữ chỉ những người ra nước ngoài vừa du lịch, vừa chữa bệnh. Trong quá khứ, những du khách này thường từ các quốc gia kém phát triển tìm đến những trung tâm y khoa nổi tiếng của quốc gia phát triển để trị bệnh do nước họ chưa có những dịch vụ y tế phù hợp. 

Nhưng nhiều năm qua, đã xuất hiện những người từ các quốc gia giàu có tìm đến các nước đang phát triển để chữa bệnh do chi phí rẻ hơn so với nước họ. Nếu biết cách làm, lượng khách này sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho các nước đang phát triển. Mỗi năm, Singapore và Malaysia thu về 1-2 tỉ USD, Thái Lan thu về 4-4,5 tỉ USD từ du lịch y tế. 

Thành công của các quốc gia này đến từ hàng loạt giải pháp. Trước tiên, phải có nhiều bệnh viện đạt chuẩn JCI (Joint Commission International) - tiêu chuẩn bệnh viện hàng đầu của Mỹ. Tiếp đến là chi phí phải giàu sức cạnh tranh. Chi phí cho 1 ca mổ bắc cầu mạch vành ở Mỹ khoảng 92.000 USD, ở Malaysia chưa tới 17.000 USD nhưng chất lượng lại tương đương.

Tuy nhiên, để du lịch y tế phát triển, không thể không nói đến sự hợp sức của các ban, ngành. Chỉ ngành du lịch hay y tế chắc chắn không làm được, thậm chí phải nhờ vào những chính sách quốc gia. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành loại visa đặc biệt cho người của một số quốc gia đến nước này chữa bệnh. Họ có thể lưu lại nước này 30 ngày, thậm chí 1 năm, để chữa bệnh tùy theo bệnh lý. 

Ở nước ta, du lịch y tế được nhắc đến từ 20 năm qua, nhưng mọi chuyện dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Cái thiếu đầu tiên có lẽ là người cầm trịch. Giữa 2 ngành du lịch và y tế, ai là người chỉ huy? Và liệu người chỉ huy này có được giao đủ quyền hạn để thực thi nhiệm vụ? 

Chúng ta cũng thiếu bệnh viện đạt chuẩn quốc tế. Cả TPHCM chỉ có 2-3 bệnh viện tư nhân vừa và nhỏ đạt JCI thì khó thu hút người nước ngoài đến chữa bệnh. Chúng ta cũng không đủ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thuần thục tiếng Anh để giao tiếp với bệnh nhân. Chưa kể, nếu bệnh nhân không nói tiếng Anh thì bệnh viện cũng khó tìm được người nói được các thứ tiếng Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia… để hướng dẫn họ.

Cách đây 5 năm, tôi tình cờ gặp một bác sĩ Myanmar. Anh cho biết, người dân Myanmar thường đi Thái Lan, Malaysia chữa bệnh. Khi biết TPHCM có nhiều bệnh viện lớn, bác sĩ giỏi, chi phí điều trị thấp, anh cũng muốn đưa bệnh nhân sang. Nhưng khi nghe nói gần như mọi bệnh viện ở Việt Nam không có trang web bằng tiếng Anh để tham khảo, anh rất ngần ngại: “Không có thông tin, làm sao chúng tôi thuyết phục bệnh nhân sang nước bạn điều trị?”.

Ở Thái Lan, để thu về hơn 4 tỉ USD/năm nhờ làm du lịch y tế, họ đã tiếp thị, quảng bá không ngừng nghỉ. Bởi thế mà họ có Bumrungrad - một trong những bệnh viện tư nhân quốc tế hàng đầu Đông Nam Á, mỗi năm phục vụ hơn 1,1 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 50% là bệnh nhân nước ngoài đến từ hơn 190 quốc gia.
Thật tình, khi nhìn con số hàng tỉ USD của các nước bạn, ai trong chúng ta cũng tiếc hùi hụi. TPHCM có nhiều tiềm năng làm du lịch y tế thực, nhưng để gặt hái thành công, chúng ta rất cần một cách làm bài bản.

Phan Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI