PNO - Hàng không quốc tế mở cửa từ ngày 15/2, ngành du lịch cũng sẽ đón khách quốc tế sau đó một tháng. Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khiến cả hai ngành này vẫn chưa thể hoạt động trơn tru ngay được.
Giá tour quá cao
Rất nhiều công ty du lịch đã bán tour quốc tế, khởi hành ngay trong tháng Hai này, điểm đến là các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ đã dỡ bỏ các biện pháp khắt khe về kiểm soát dịch bệnh như Thái Lan, Campuchia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Maldives, Mỹ, châu Âu... Điểm chung của các tour là mức giá cao hơn nhiều so với trước khi có dịch bệnh. Chẳng hạn, giá tour của Saigontourist đưa khách đi Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) bốn ngày là khoảng 31,9 triệu đồng/khách, đi Mỹ (San Francisco - Los Angeles) năm ngày từ 89,9 triệu đồng/khách, đi Maldives năm ngày từ 65,9 triệu đồng/khách, đi Thái Lan (Bangkok, Pattaya) năm ngày từ 13,9 triệu đồng/khách. Giá tour của Vietravel đưa khách đi châu Âu (Hà Lan - Đức - Bỉ - Pháp) trong 11 ngày là từ 86,9 triệu đồng/khách, đi Mỹ (San Francisco - San Jose - Los Angeles - Hollywood - Universal Studios - Las Vegas - Hoover Dam) 10 ngày là từ 99,9 triệu đồng/khách, đi Campuchia (Phnom Penh - Siem Reap) bốn ngày là 19,9 triệu đồng/khách, đi Thái Lan (Bangkok - Pattaya) năm ngày từ 12,9-23,9 triệu đồng/khách tùy dịch vụ…
Du khách đến tham quan cố đô Huế đầu năm 2022 qua cảng hàng không quốc tế Phú Bài - Ảnh: Thuận Hóa |
Giá tour tại các doanh nghiệp khác không chênh lệch nhiều. Mức giá hiện tại cao hơn từ 2-4 lần so với trước khi có dịch. Chẳng hạn, trước đây, tour đi Thái Lan, Campuchia có giá 6-10 triệu đồng/khách (đã bao gồm vé máy bay, khách sạn từ bốn sao trở lên) còn hiện nay, giá xấp xỉ 20 triệu đồng/khách; các tour đi Mỹ cũng từ 40-60 triệu đồng/khách tăng lên gần 100 triệu đồng/khách. Chi phí đắt đỏ, giá tour tăng cao khiến lượng khách đặt mua tour khá hạn chế.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc phụ trách tiếp thị Công ty Vietravel - cho rằng giá tour tăng vọt là do giá vé máy bay và phí dịch vụ land tour (nhà hàng, khách sạn, xe vận chuyển… ở các nước) tăng mạnh, lại còn phát sinh các chi phí như xét nghiệm COVID-19 bằng PCR. Phí xét nghiệm ở một số nước khá cao, như Campuchia khoảng 130 USD/lần (gần 3 triệu đồng), Thái Lan khoảng 65 USD/lần (khoảng 1,4 triệu đồng).
Theo ông Trần Thanh Vũ - CEO Vinagroup Travel - giá vé máy bay hiện tại từ Việt Nam đi các nước cao hơn 30 - 50% so với trước khi có dịch do các hãng bay vừa phục hồi, số chuyến bay và tỷ lệ lấp đầy chuyến còn thấp, chiều đi có khách, chiều về trống khách. Các hãng phải tính toán chi phí vận hành theo cách chia trên đầu người, số khách mỗi chuyến khiến giá bị đẩy lên cao.
Mọi thứ đều chưa chắc chắn
Ông Vũ Nam - Vụ phó Vụ Thị trường du lịch, Tổng Cục Du lịch - dẫn số liệu của các tổ chức quốc tế cho biết, khi Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, lượng người tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng vọt, riêng trong tháng 1/2022 tăng hơn 200% so với tháng 12/2021. Các nước có người tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất là Mỹ, Nga, Anh, Pháp; các điểm đến được tìm kiếm nhiều là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Giá vé máy bay, các dịch vụ khác tăng cao khiến giá tour đi nước ngoài tăng từ 2-4 lần so với trước dịch bệnh - Ảnh: Đông Quân |
Ông Vũ Nam đánh giá, đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch COVID-19, không chỉ du lịch nội địa mà cả du lịch quốc tế cũng có sự thay đổi. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, 2022 sẽ là năm bùng nổ của du lịch. Nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên có thể việc mở cửa rồi đóng lại vẫn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, du lịch xanh, du lịch về nông thôn, cộng đồng, chữa bệnh đang là xu hướng tại nhiều quốc gia. Global Data cũng dự báo, xu hướng du lịch chữa bệnh sẽ phục hồi 100% trong năm 2022. Một số quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh sản phẩm du lịch này. Việt Nam cũng có tiềm năng và cần nắm bắt xu hướng để phát triển các sản phẩm du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng.
Theo tiến sĩ Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam - ngành hàng không đã tạm dừng trong một thời gian khá dài (hai năm) nên cần có thời gian để khôi phục. Dịch bệnh đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không, làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, trong khi thu nhập của người dân lại giảm sút khiến họ cân nhắc trong việc đi lại. Đây là những thách thức không nhỏ cho ngành vận tải hành khách nói chung, ngành hàng không nói riêng. Mặt khác, dù hiện nay một số quốc gia như Mỹ và châu Âu đã không còn kiểm soát chặt về dịch bệnh nhưng người dân vẫn còn e ngại.
“Hiện nay, điều mà ngành hàng không Việt Nam và các nước trên thế giới cần làm là khôi phục lại các hoạt động như trước đại dịch. Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, có các chính sách thu hút du khách, như hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ” - ông Bùi Doãn Nề nói.
Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - cho biết hiện tại, hai trong số những thị trường triển vọng của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc lại chưa thể khôi phục. Với thị trường Trung Quốc, do các quy định chống dịch còn khá chặt chẽ nên hành khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại đều bị hạn chế, việc khôi phục đường bay Việt Nam - Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian. Với Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt Nam đã có đường bay đến các thành phố lớn, các hãng hàng không Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch khai thác lại các đường bay đến Việt Nam. Hàn Quốc cũng bắt đầu có chính sách mở cửa nhập cảnh.
Theo ông Trần Thanh Vũ, Vinagroup Travel hiện vẫn chưa mạnh dạn bán tour do một số vấn đề chưa rõ ràng, chẳng hạn như cách xử lý khi khách nhiễm COVID-19 ở một số nước. Công ty đã tính đến giải pháp liên kết với công ty bảo hiểm để tư vấn cho khách về các gói bảo hiểm xuất ngoại, theo hướng khách tự điều trị ở nước ngoài, sau đó mang hóa đơn về để bảo hiểm chi trả. “Hiện mức bảo hiểm xuất ngoại có giá tối thiểu 50-60 USD/khách. Mức này phù hợp với những du khách đi dài ngày (trên dưới 30 ngày).
Đang trình kế hoạch đón khách quốc tế Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho biết tổng cục sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế, phương án mở cửa du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện. Trong phương án đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, Tổng cục Du lịch đề xuất nhiều quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú đón khách từ ngày 15/3, như thay đổi về quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách, chính sách thị thực cho khách nhập cảnh… “Với việc tạo điều kiện từ Chính phủ, cùng với kinh nghiệm thí điểm đón khách trong năm 2021, trong năm 2022, Việt Nam dự kiến đón 5-6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa” - ông Hà Văn Siêu nói. |
Quốc Thái
Chia sẻ bài viết: |
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm ở An Giang thu hút khách từ nhiều nơi đổ về thắp hương cầu tài lộc.
Mô hình nuôi rắn ri tượng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau làm giàu.
Dịp tết này, trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, xuất hiện nhiều phiên live stream (phát sóng trực tiếp) kêu gọi "cổ phần" vào việc khai thác đá quý.
Mở cửa đón khách trở lại từ sáng mùng Hai tết nhưng lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào trái cây và hoa.
Năm 2025 dự báo sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Các đơn vị lữ hành cho hay, sáng mùng Một nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế rộn rã khởi hành du xuân.
TPHCM có khá nhiều sản phẩm du lịch mới, thú vị. Kỳ nghỉ tết dài ngày là dịp để trải nghiệm các sản phẩmdu lịch này.
Trong 3 ngày từ 26 - 28/1 (27 - 29 tháng Chạp), TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đón hơn 85.000 lượt khách; trong đó có hơn 23.500 lượt khách quốc tế.
So với hôm qua, giá nhiều loại trái cây cúng như mãng cầu, sung, xoài, dừa… bán tại các chợ truyền thống tăng mạnh, có loại tăng gấp 5 lần.
Tối 26/1 (27 tháng Chạp), người dân ùn ùn kéo tới các điểm bán lẻ trên địa bàn TPHCM để sắm tết. Nhiều điểm mua sắm đông nghẹt khách.
Hiện những khu vực gieo sạ sớm đang bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, giá lúa thấp khiến bà con lo âu và kém vui.
So với năm ngoái, số lượng hoa từ các tỉnh đổ về công viên 23/9 ít hơn, dù giá đã giảm 30-50% nhưng vẫn vắng người mua.
Để giải tỏa áp lực những ngày cao điểm, ngoài đơn vị mặt đất, an ninh... hoạt động hết công suất, Cảng Tân Sơn Nhất còn tăng cường lực lượng thanh niên.
Nhu cầu chuyển, rút tiền tăng cao vào dịp tết Nguyên đán thường kéo theo nguy cơ nghẽn mạng, lỗi hệ thống, thậm chí "nuốt thẻ" ATM.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết, nhưng không khí tại chợ hoa xuân công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TPHCM) năm nay lại trầm lắng hơn mong đợi.
Các hàng mai trên đại lộ Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) người bán đăng biển xả hàng để dọn dẹp về nghỉ tết sớm dù chỉ mới 25/1 (26 tháng Chạp).
Chính thức khai mạc từ tối 24/1, chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" đã tấp nập khách mua từ sớm.
Rủi ro khi người không có thu nhập ổn định vẫn có thể vay được tiền từ công ty tài chính thông qua hình thức mua khống hàng trả góp.