Du lịch trải nghiệm bức hại nhiều loài động vật

18/11/2019 - 14:00

PNO - Cái chết của một con voi già tại ngôi đền nổi tiếng Angkor Wat (Campuchia) đầu tháng 11/2019 gây chấn động dư luận toàn cầu. Hàng ngàn người ký đơn thỉnh cầu kêu gọi cấm sử dụng động vật hoang dã để phục vụ du lịch giải trí.

Động vật khổ đau vì con người muốn “trải nghiệm”

Khái niệm nền kinh tế trải nghiệm - lần đầu xuất hiện vào năm 1998 trên tạp chí Harvard Business Review - cho rằng, hàng hóa và dịch vụ chỉ là vật “ngoài thân”, còn trải nghiệm cá nhân mới chính là điều khách hàng ngày nay mong muốn. Mọi người đăng tải trải nghiệm của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội, cổ vũ cho những hành động như vuốt ve một con hổ thuần hóa bị nuôi nhốt ở Thái Lan, hay giữ thăng bằng trên lưng một con voi ở Indonesia. 

Du lich trai nghiem buc hai nhieu loai dong vat
Voi biểu diễn phục vụ du khách trong một chương trình tại Bali, Indonesia - Ảnh: SCMP

Một báo cáo về các điểm du lịch động vật hoang dã trên đảo Bali, Gili Trawangan và Lombok của Indonesia do Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) phát hành vào tuần trước cho thấy, 100% địa điểm được khảo sát không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các loài động vật, bao gồm cả voi, hổ, cá heo, cầy hương và linh trưởng. 

Tại Thái Lan, du lịch chiếm gần 10% giá trị nền kinh tế; trong đó, một phần lợi nhuận không nhỏ đến từ hoạt động của các loài động vật hoang dã, điển hình nhất là voi. Theo báo cáo “Taken for a Ride” năm 2017 của WAP, 40% khách du lịch chọn du lịch voi trong các chuyến đi đến Thái Lan. 

Dù có một số luật phúc lợi động vật bảo vệ những con voi bị giam cầm (khoảng 4.400 cá thể), các tiêu chuẩn cho voi khá mập mờ và trường hợp thực thi pháp luật cũng rất hiếm. Kết quả, các trại nuôi voi, trung tâm giải cứu và khu bảo tồn được tự do đăng ký loại hình theo cách họ muốn, mà không có bất kỳ định nghĩa, phương tiện giám sát hoặc đơn vị chủ quản nhà nước nào về khu bảo tồn.

Quy định phải đi đôi với truyền thông và nhận thức cá nhân

Một chính sách của Instagram có hiệu lực vào tháng 12/2017 giúp người dùng nhận biết hành vi gây hại cho động vật hoang dã. Việc tìm kiếm hoặc nhấp vào các hashtag, ví dụ như #slothselfie, #koalaselfie, #lionselfie, #tigerselfie, hay #elephantselfie sẽ dẫn đến cảnh báo “bạn đang tìm kiếm một hashtag có thể liên kết với các bài đăng khuyến khích hành vi gây hại cho động vật hoặc môi trường”.

Một số tổ chức, chẳng hạn như Công ty Asian Captive Elephant Standards tại Thái Lan, đang tìm cách khuyến khích chủ trại đối xử nhân đạo đối với voi thông qua hệ thống xếp hạng tổng thể. Công ty tính phí từ 1.000-2.200 USD để kiểm toán và đưa ra xếp hạng cho từng trại dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau, bao gồm giờ làm việc của voi, chế độ ăn; những thông tin này sau đó sẽ được công bố rộng rãi trên các trang web du lịch. 

Sau cái chết của con voi tại Angkor Wat, Campuchia cũng quyết định cấm tất cả dịch vụ du lịch cưỡi voi tại quần thể di tích Angkor từ năm 2020 và đang chuyển dần 14 con voi phục vụ tại đây đến một khu rừng để “nghỉ hưu”.

Tuy vậy, điểm mấu chốt trong cuộc chiến bảo vệ động vật nằm ở chính ý thức của du khách. Kate Nustyt - Giám đốc chương trình bảo vệ động vật hoang dã của WAP - nói: “Nếu bạn có thể cưỡi, ôm hoặc chụp ảnh tự sướng với một con thú hoang, chắc chắn rằng nó đã bị đối xử rất tàn nhẫn. Hãy hành động bằng đôi chân của bạn và đừng đi đến đó”. 

Theo nghiên cứu mới đây của các chuyên gia từ Đại học Oxford (được WAP ủy quyền thực hiện), 3/4 điểm du lịch động vật hoang dã toàn cầu liên quan đến ngược đãi động vật, với khoảng 550.000 cá thể hiện đang phải chịu đựng đòn roi để thỏa mãn nhu cầu của du khách.

Ngọc Hạ(theo SCMP, National Geographic, Buzzworthy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI