Du lịch TPHCM: Chưa đủ sức “giữ chân” du khách, mất dần ưu thế cạnh tranh

25/05/2020 - 06:59

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch cả nước gặp khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, một điều cần phải nhìn nhận là dù có dịch bệnh hay không, năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn yếu, do vẫn thiếu một chiến lược chung. Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc thường trực Sở Du lịch TPHCM - xung quanh vấn đề này.

Tận dụng ưu thế từ hiệu quả chống dịch tốt

Phóng viên: Ngành du lịch có bị bất ngờ trước một sự cố bất khả kháng như COVID-19 không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Không. Chúng ta đã có kinh nghiệm liên quan đến đại dịch toàn cầu SARS năm 2003, H1N1… Trong thời điểm dịch, doanh nghiệp đã tập trung phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương trong công tác ứng phó. Một số đơn vị tranh thủ nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng tiếp đón khách du lịch sau khi hết dịch. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc thường trực Sở Du lịch TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc thường trực Sở Du lịch TPHCM

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng do COVID-19, sở đã đề xuất UBND thành phố và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch các giải pháp bao gồm giãn nộp và giảm các loại thuế, phí môi trường, giá điện, bảo hiểm xã hội và chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.

Chúng tôi triển khai gói hỗ trợ tín dụng, gia hạn nợ xấu cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đồng thời có những khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp để doanh nghiệp trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.

* Sở có những giải pháp nào để ngành phát triển trong “trạng thái bình thường mới” và giảm thiểu thiệt hại, đứng vững trong những biến cố tương tự?

- Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, bên cạnh việc tập trung triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm kích cầu phát triển du lịch, sở tập trung vào bảy nhóm giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung xúc tiến du lịch nội địa, thu hút du khách các vùng, miền của đất nước đến TPHCM; tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá online để hoàn thành mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Các giải pháp này đã được sở tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng đề án du lịch thông minh.

Qua đợt này, chúng tôi càng thấy phải sàng lọc, phân công lại rất nhiều, từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị đi vào chất lượng và chiều sâu. Do vậy, từ bây giờ, chúng tôi tập trung chuyển đổi nền tảng số và dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn.

Du lịch thông minh gắn liền với dịch vụ công trực tuyến. Nhưng, du lịch thông minh không chỉ phục vụ cơ quan nhà nước mà phải phục vụ doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đã thấm thía vai trò của công nghệ số, do vậy, chúng tôi cần có những nền tảng công nghệ giúp họ chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ số nhiều hơn, kinh doanh trực tuyến nhiều hơn. Du lịch thông minh cũng phải đưa ra được nhiều tiện ích, nhiều thông tin mang tính chính thống hơn mà vẫn bảo đảm mức tiếp cận cao qua các kênh, ứng dụng.

Định hướng chiến lược phát triển du lịch phải thay đổi dù chúng tôi cũng đã dự liệu những tình huống bất khả kháng như COVID-19. Theo đánh giá từ các tình huống dịch bệnh trước đây, ngành du lịch cần khoảng 6-12 tháng để phục hồi hoàn toàn thông qua việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng điểm đến.

Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn thành, công bố chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 và chuẩn bị các bước triển khai, trong đó có những kế hoạch trọng tâm năm 2020 nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch.

Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, TPHCM sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị (MICE) vì sau dịch sẽ là khoảng thời gian đẩy mạnh các hoạt động giao thương trong và ngoài nước. Chúng ta cũng thấy Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã dần khẳng định được sự tiến bộ trong y học, đặc biệt đã ứng phó thành công trước đại dịch COVID-19. Do vậy, cần đẩy mạnh sản phẩm du lịch y tế.

* Dường như chúng ta chỉ mới đưa ra được những gói dịch vụ du lịch y tế xuất phát từ thế mạnh hiện có của các cơ sở khám chữa bệnh như nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, khám tầm soát, dịch vụ chuyên sâu nhưng vẫn chưa có sản phẩm du lịch y tế theo hướng liên kết với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Chúng ta đang bỏ sót phân khúc khá to này?

- Chúng tôi đang cùng Sở Y tế xây dựng các chuẩn phòng khám trong nước trước, rồi mới đến chuẩn quốc tế. Còn hiện giờ, chúng ta chỉ khai thác đúng sức mình.

Du lịch TP.HCM đâu chỉ có ẩm thực
Du lịch TPHCM đâu chỉ có ẩm thực

Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch

* Du lịch TPHCM hiện có sản phẩm du lịch nào mang bản sắc riêng chưa, hay chỉ mới dừng lại ở những cảnh quan, kiến trúc có sẵn, thưa bà?

- TPHCM là trung tâm du lịch cả nước, xét về số lượng du khách, số doanh nghiệp lữ hành hàng đầu, số cơ sở nghiên cứu hiện đại, tiện ích, khu mua sắm phục vụ du lịch… TPHCM hội tụ được đầy đủ yếu tố tài nguyên du lịch đô thị, có rừng, biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc, có bề dày văn hóa lịch sử.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, mình chưa khai thác được hết tiềm năng của một đô thị du lịch đặc trưng như TPHCM. Về công tác quản lý, đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển ngành du lịch, chưa có cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư phát triển du lịch. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết để hình thành sản phẩm du lịch có tính liên hoàn. Công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta cũng chưa có những sản phẩm mới, độc đáo đủ sức “giữ chân” du khách, tăng khả năng chi tiêu và khả năng quay trở lại. 

Việc phối hợp, liên kết phát triển sản phẩm du lịch chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn. Việc khai thác, phát huy hết tiềm năng và lợi thế hiện có của thành phố cũng như sức hấp dẫn của các điểm đến còn nhiều hạn chế, những sản phẩm du lịch và dịch vụ bổ trợ cho du lịch hiện tại đang dần bị bão hòa, trong khi các loại hình sản phẩm du lịch được xem là chủ lực của thành phố như MICE, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái - nông nghiệp, du lịch ẩm thực - mua sắm… vẫn chưa hoàn chỉnh.

Năng lực cạnh tranh về du lịch của TPHCM đang mất dần ưu thế so với các địa phương. Các địa phương ở các vùng lân cận như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên có những lợi thế về tài nguyên, chính sách kêu gọi đầu tư để phát triển sản phẩm mới và kéo du khách từ TPHCM đến đó bằng đường bay thẳng hoặc bằng hệ thống giao thông đường bộ kết nối thuận tiện, dễ dàng.

Sự xuất hiện của các điểm đến mới trong nước cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á cũng là thách thức không nhỏ. Để khắc phục, giải quyết những hạn chế đó, không thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Sở Du lịch hay bất kỳ một cơ quan quản lý nhà nước nào.

* Vậy theo bà, ai chịu trách nhiệm về những yếu kém đó?

- Trách nhiệm chung hết. Ví dụ, với hệ thống sông ngòi dày đặc giữa lòng nội đô, là nét đặc trưng của TPHCM, chúng ta cũng đã khai thác, vận hành du lịch đường thủy. Sở Giao thông Vận tải khai thác cầu tàu, bến bãi cũng phải có những dịch vụ, tiện ích thật hấp dẫn mới khai thác được du lịch đường thủy.

Ngoài bến Bạch Đằng, phải có nhiều điểm đến ven sông hơn, hấp dẫn hơn trên cung đường du lịch. Mọi người phải có ý thức phát triển giao thông đường thủy, mới hy vọng du lịch đường thủy phát triển.

* Không ít người dân than rằng, khi có bạn bè đến TPHCM, họ chẳng biết dẫn đi đâu ngoài dẫn đi ăn. Vậy là do TPHCM thiếu sản phẩm du lịch hay do người dân thiếu thông tin?

- Do thiếu thông tin. Văn hóa lịch sử là thế mạnh của TPHCM từ trước tới nay. TPHCM tuy trẻ trung, hiện đại nhưng cũng có nhiều công trình bảo tồn gắn với lịch sử, như các tòa kiến trúc kiểu Pháp, Mỹ, những kiến trúc gắn liền với cuộc kháng chiến, đấu tranh của dân tộc. Nói chung, nếu du khách muốn trải nghiệm về văn hóa lịch sử thì chúng ta có thể giới thiệu một cách rất hấp dẫn. Ví dụ như địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vừa mang đường nét lãng mạn của cuộc kháng chiến, vừa là di tích rất chân thực.

Vì vậy, không thể nói TPHCM không có sản phẩm du lịch đặc trưng. Tôi còn có thể đề cập đến Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận. Tới đây, Cần Giờ được định hướng phát triển khu đô thị du lịch sinh thái biển để tiếp tục là điểm nhấn của TPHCM.

Riêng về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, sở xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm, yêu cầu đơn vị tư vấn chiến lược tập trung phân tích, định hướng để TPHCM có được những sản phẩm độc đáo, đặc trưng, mang bản sắc riêng của một thành phố năng động.

Từ năm 2019 đến nay, sở đã công bố một số sản phẩm du lịch cụ thể, như chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp; triển khai thí điểm mô hình xe buýt du lịch hai tầng thoáng nóc vòng quanh thành phố mang tên “Hop on - Hop off”.

Tháng Tư vừa qua, sở giới thiệu và khởi động chùm tour du lịch “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” để du khách được trải nghiệm như một chiến sĩ với các hoạt động cải trang thành biệt động, ăn nghỉ tại các điểm mà các chiến sĩ biệt động thường tập kết, được chui hầm như một người lính thực thụ. 

Với những định hướng, giải pháp trước mắt và lâu dài, với sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng người dân, hy vọng thời gian tới, du lịch TPHCM sẽ có nhiều khởi sắc. 

* Dù mang tiếng là trung tâm, nhưng TPHCM vẫn chưa trở thành trung tâm hay một khu liên hợp du lịch, chẳng hạn như Bangkok?

- Chúng tôi đang triển khai liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ thông qua việc phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng. Chúng tôi thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp địa phương. 

Thông qua liên kết vùng, sẽ hình thành những nhóm kích cầu. Nếu doanh nghiệp nào nằm trong nhóm kích cầu này sẽ có được những chính sách hỗ trợ giá tốt để khuyến khích các tỉnh liên kết khách cho nhau, thậm chí cả Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. 

* Một số nhà riêng của các danh nhân gắn liền với TPHCM như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê… có thể khai thác thành sản phẩm du lịch, nhưng vẫn chưa được quan tâm. Bà nghĩ sao về điều này?

- Tôi tiếp thu ý kiến này. Hiện sở đang xoáy vô tour “Biệt động Sài Gòn” như đã nói và du lịch cộng đồng ở Cần Giờ, với nhiều nét hấp dẫn du khách. Chúng tôi muốn khai thác cuộc sống tự nhiên của người dân địa phương bao đời nay với định hướng bảo tồn môi trường sinh thái.

Chùa Giác Lâm (gần 300 tuổi, tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam tháng 11 năm 1988, nhưng không nhiều người biết để tham quan
Chùa Giác Lâm (gần 300 tuổi, tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TPHCM, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam vào 11/1988, nhưng không nhiều người biết để tham quan

* Sở Du lịch TPHCM có vai trò như thế nào trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, thưa bà?

- Chúng tôi có trách nhiệm tôn tạo, bảo vệ. Khách đến, có nguồn thu thì mới có nguồn lực để bảo vệ, tôn tạo các di sản, di tích đó. Chiều còn lại là việc đưa khách đến phải như thế nào. Nghĩa là phải xây dựng ý thức của du khách và biết khống chế số lượng khách; du khách phải ý thức bảo tồn, không xả rác bừa bãi, đơn vị làm du lịch không khai thác quá công suất khiến di tích xuống cấp.

UBND TPHCM đã có kế hoạch phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao kiểm kê, lập danh sách các công trình chưa được đưa vào danh sách di sản. Sắp tới, Sở Du lịch sẽ đưa vào khai thác hệ thống biệt thự cổ rất hấp dẫn, bao gồm cả những công trình công lẫn tư hữu.

* Hiện có nhiều công trình bị san phẳng gây ra nhiều tranh luận, sở có giải pháp nào để cứu di sản?

- Chính việc đưa vào khai thác du lịch cũng là cách để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản, di tích đó. Chúng tôi sắp trình UBND TPHCM sản phẩm trình diễn ánh sáng tại Dinh Độc Lập, triển khai công nghệ thực tế ảo ở một số điểm đến. Nhà của danh nhân, nghệ sĩ mà anh nêu ra cũng là cái tứ rất hay để phát triển sản phẩm mới, đưa vào tour du lịch của TPHCM.

* Bà nghĩ gì về lực lượng chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc phát hiện di sản, các điểm di tích bị bỏ quên, chưa được biết tới?

- Năm 2018, sở đã làm dự án kiểm kê tài nguyên du lịch ở TPHCM. Sau đó, chúng tôi đã bàn giao hơn 480 tài nguyên du lịch cho các quận, huyện tiếp tục cập nhật. Lần đó, chúng tôi đã mở một kênh để các nhà nghiên cứu, chuyên gia và cán bộ địa phương phát hiện những tài nguyên đưa vào kiểm kê, đánh giá những điểm tiềm năng. “Biệt động Sài Gòn” là sản phẩm từ kết quả kiểm kê đó.

Điều này cho thấy, chính từ sự phát hiện của nhân dân, địa phương, chúng tôi hệ thống được tài nguyên và đưa vào khai thác. Các nhà khoa học đã tham gia đề án kiểm kê với các khuyến cáo, góp ý để chúng tôi cải thiện điểm đến. TPHCM cũng sẽ có hội đồng tư vấn phát triển du lịch với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp, các sở, ngành. Hội đồng này có thể trực thuộc UBND TPHCM.

* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI