Du lịch sông nước Sài Gòn phát triển theo kiểu... hô hào suông

04/07/2019 - 08:36

PNO - Bến phục vụ khách du lịch đường thủy chỉ gồm một chiếc cầu sắt có phao nổi để khách lên xuống tàu, không có nhà chờ, không có nhà vệ sinh, không có chỗ phục vụ ăn uống.

Trên kênh Bến Nghé, đoạn gần cầu Mống (quận 1, TP.HCM), có một cái bến để phục vụ khách du lịch đường thủy.

Gọi là bến nhưng thực chất ở đây chỉ có chiếc cầu sắt có phao nổi để khách lên xuống tàu, không có nhà chờ, thậm chí nhà vệ sinh cũng không.

Đây chỉ là một trong vô số hình ảnh phản chiếu thực trạng du lịch sông nước nói riêng và giao thông đường thủy nói chung ở TP.HCM không được đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Du lich song nuoc Sai Gon phat trien theo kieu... ho hao suong
Tour du lịch đường thủy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một trong những tour du lịch sông nước hiếm hoi ở TP.HCM đang gặp khó khăn vì những quy định hạn chế hoạt động của bến thủy - Ảnh: H.N.

Bến chờ không được bán... cà phê

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, bến thủy nội địa cầu Mống hoạt động từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 1.500 lượt hành khách. 

Song, do không có chỗ trên bờ để phục vụ khách dừng chân nên chủ yếu chỉ tiếp nhận khách rồi nhanh chóng di chuyển bằng đường bộ đến các địa điểm khác. 

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bến thủy nội địa cầu Mống”, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhìn nhận trong báo cáo vừa trình UBND TP.HCM về việc sử dụng đất dọc sông, kênh rạch để đầu tư các công trình trên bờ ở các bến thủy nội địa nhằm phát triển du lịch đường thủy.

Khá hơn bến cầu Mống, hai bến thủy nội địa dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư khang trang, có chỗ cho khách ngồi uống nước thư giãn trong lúc chờ xuống thuyền để thưởng ngoạn cảnh quan sông nước. 

Song, chính sự tiện nghi của bến này lại khiến cho đơn vị đầu tư tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đứng ngồi không yên. 

Nguyên nhân là do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (gọi tắt Khu 1, thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho rằng bến thủy nội địa ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoạt động không đúng chức năng như quầy giải khát được chuyển đổi thành quán cà phê, nhà vệ sinh không gắn biển “nhà vệ sinh công cộng”… 

Lấy lý do này, Khu 1 yêu cầu Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn - đơn vị đầu tư hai bến thủy nói trên phải tạm dừng hoạt động kinh doanh quán cà phê tại bến. 

Du lich song nuoc Sai Gon phat trien theo kieu... ho hao suong
 

Trước yêu cầu của Khu 1 và một số đơn vị liên quan về việc hạn chế hoạt động kinh doanh của bến thủy, ông Võ Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn phân trần: quầy bán nước giải khát ở bến nhằm mục đích phục vụ khách du lịch, không phải là quán cà phê. 

"Tuy nhiên, nếu có khách vãng lai vào uống nước chúng tôi không thể từ chối phục vụ. Nó giống như hình thức quảng bá thêm cho tour du lịch này. Mặt khác, theo quyết định của UBND TP.HCM cũng như các giấy phép xây dựng các hạng mục công trình ở bến, doanh nghiệp được phép mở quầy phục vụ giải khát” - ông Cường nói.

Về hạng mục nhà vệ sinh, đại diện Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho rằng, đây là công trình phụ trợ và không có quy định nào bắt buộc phải treo bảng “nhà vệ sinh công cộng”. 

Trong văn bản vừa gửi UBND TP.HCM xem xét giải quyết những vướng mắc liên quan, Công ty Thuyền Sài Gòn bày tỏ thêm: bến thủy nội địa là nơi phục vụ khách du lịch sông nước, là nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, mua sắm hàng lưu niệm… 

"Đây là hoạt động bình thường của các bến thủy trong nước cũng như quốc tế. Nhưng hiện nay, có một số đơn vị quản lý về cây xanh ven kênh không hiểu, hoặc cố tình không hiểu các quy định phát triển bến thủy nội địa dọc kênh nên cố tách biệt hoạt động của bến và dịch vụ hỗ trợ ven bờ kênh. Chính sự thiếu hiểu biết này (hoặc cố tình không hiểu) đã gây không ít khó khăn cho công ty” - công văn của Công ty Thuyền Sài Gòn nêu.

Du lich song nuoc Sai Gon phat trien theo kieu... ho hao suong
Bến thuyền hiu hắt ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: internet

Phát triển kiểu... hô hào suông 

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, nhằm nâng cấp, chỉnh trang mỹ quan khu vực bến thủy, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn và Công ty Du thuyền Hoàng Gia Toàn Cầu xây dựng các hạng mục phụ trợ tại bến thủy ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Bến Nghé. Tuy nhiên, các bến thủy đều là đất công thuộc hành lang bảo vệ sông, kênh rạch nên nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục thuê đất…

Với hiện trạng trên, hiện Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng UBND các quận, huyện xây dựng cơ chế về tổ chức cho thuê đất xây bến thủy. Dự kiến, trong quý IV/2019 vấn đề này mới được trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định. 

Như vậy, từ nay đến khi có quyết định chính thức của UBND TP.HCM về cơ chế thuê đất xây bến thủy, các nhà đầu tư không thể triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch đường thủy.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị đã đầu tư một số tuyến buýt đường sông trên địa bàn TP.HCM - không giấu được sự hụt hẫng: 

“TP.HCM kêu gọi phát triển du lịch sông nước nhưng nếu không có sự quan tâm đúng mức thì sẽ dẫn đến hô hào suông vì trên thực tế không có sản phẩm phục vụ du khách. Trong đó, đầu tiên là phải đầu tư phát triển hạ tầng, phải có hệ thống bến thủy kết nối nhiều vị trí thì mới thành lộ trình, thành những tour du lịch được. Nếu không có bến, không cho đầu tư phát triển bến thì không thể phát triển du lịch đường thủy”.

Theo ông Toản, nếu nhà nước đã giao đất để mở bến thì phải cho xây dựng các công trình phụ trợ liên quan, không thể tách biệt hoạt động trên bến và dưới nước. Ông lập luận: “Nó giống như một căn nhà, nhà nước mới cho cơ chế làm cái sân phía trước; phòng khách, nhà bếp chưa có thì làm sao vào ở được. Nếu thành phố không tháo gỡ cơ chế này thì sẽ không thể phát triển được du lịch đường thủy. Như vậy, tiềm năng về sông nước của TP.HCM sẽ tiếp tục bị lãng phí”. 

UBND TP.HCM cho biết, dự án “Quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030” do Khu Đường thủy nội địa TP.HCM làm chủ đầu tư hiện đang tạm dừng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến, quy hoạch này sẽ được tái triển khai khi quy hoạch chung của TP.HCM thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt.

Theo Khu Đường thủy nội địa TP.HCM, hiện nay hệ thống cảng, bến thủy nội địa chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa phát triển đúng với tiềm năng. Do chưa có quy hoạch mang tính bền vững, nên nhà đầu tư chưa yên tâm trong việc đầu tư hạ tầng cảng, bến thủy nội địa.


Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI