Du lịch siêu sang bùng nổ

21/10/2023 - 07:15

PNO - Du lịch trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người sau đại dịch. Trong đó, mảng du lịch hạng sang tăng trưởng chưa từng có nhờ chi tiêu của giới siêu giàu.

Du lịch siêu sang trở thành xu hướng của giới siêu giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của không ít quốc gia sau đại dịch - Nguồn ảnh: Unsplash
Du lịch siêu sang trở thành xu hướng của giới siêu giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của không ít quốc gia sau đại dịch - Nguồn ảnh: Unsplash

Nhà điều hành tour du lịch độc quyền cazenove+loyd (Anh) ghi nhận số chuyến đi với chi phí trên 100.000 USD tăng 50% trong năm 2022. Một chuyến du lịch sang trọng điển hình của công ty dành cho 4-5 người là chuyến tham quan vòng quanh thế giới giá 300.000 USD, bao gồm các điểm dừng ở châu Mỹ Latinh và châu Á.

Công ty Untold Story Travel tại London (Anh) tiết lộ, lượng đặt chỗ cho nhóm tour siêu sang vào mùa hè năm 2023 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, hiện chiếm khoảng 40% số tour bán ra của công ty.

Công ty du lịch quốc tế Abercrombie và Kent (trụ sở tại Mỹ) cung cấp các chuyến du ngoạn có một không hai như tìm kiếm hổ Bengal ở Ấn Độ hay quan sát loài khỉ đột núi có nguy cơ tuyệt chủng ở vùng hoang dã Ugandan. Nhiều kỳ nghỉ trong số này được trang bị những tiện nghi tối đa, đôi khi là máy bay riêng.

Pamela Lassers - Giám đốc quan hệ truyền thông của Abercrombie và Kent - chia sẻ: “Công ty cố gắng tạo ra các cuộc phiêu lưu ly kỳ cho nhóm khách hàng thượng lưu - những người vốn đã trải nghiệm hầu như mọi thứ về du lịch". 

Những chuyến du ngoạn siêu sang cũng có thể đi kèm rủi ro. Vào tháng 6/2023, thảm họa đã xảy ra với chuyến thám hiểm của tàu lặn Titan tới xác tàu Titanic do công ty OceanGate Expeditions điều hành (giá 250.000 USD/khách) đã khiến 5 người thiệt mạng. Vụ việc đã không khiến những khách hàng giàu có yêu thích du lịch mạo hiểm ngần ngại mà thậm chí là ngược lại.

Philippe Brown - người sáng lập công ty lữ hành Brown và Hudson (Anh) - cho biết: “Tính độc quyền, cảm giác phiêu lưu và cơ hội đương đầu nguy hiểm là sự kết hợp mạnh mẽ khiến những người siêu giàu không thể cưỡng lại việc khoe khoang về nó”. Lorri Krebs - giáo sư Đại học Salem State (Mỹ) - giải thích: "Trên mạng xã hội, mọi người muốn đăng những điều tuyệt vời nhất họ đã trải qua mà người khác không thể làm được".

Tại Nhật, sức chi tiêu của giới du lịch siêu giàu được coi là chìa khóa vực dậy kinh tế địa phương trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Shintaro Masuda - người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Blank Marketing & Management - giải thích: "Có 2 cách khuyến khích người giàu chi tiêu. Một là thông qua du lịch và hai là tận dụng đặc thù của mỗi địa phương”. 

Công ty liên doanh có trụ sở tại tỉnh Mie là nhà phát triển ứng dụng Airc giúp kết nối các chuyến bay trực thăng theo yêu cầu giữa nhiều địa điểm khác nhau ở Nhật Bản. Những du khách từ Tokyo muốn đến núi Phú Sĩ trong 30 phút có thể mở ứng dụng và đặt một chiếc trực thăng riêng. Blank Marketing & Management cũng đang phát triển một nền tảng nhằm đơn giản hóa những rắc rối trong việc sắp xếp chỗ ở, đặt nhà hàng, mua vé máy bay… thông qua hệ thống trò chuyện tương tác.

Nếu người dùng muốn ăn nhím biển, ứng dụng có thể xác định những nhà hàng tốt nhất trên toàn quốc, vạch ra lộ trình và thậm chí thực hiện tất cả cách đặt chỗ cần thiết để đưa họ đến địa điểm đã chọn. Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản định nghĩa du khách “giá trị cao” là những người chi từ 7.000 USD trở lên cho mỗi chuyến đi.

Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, nhóm khách du lịch “giá trị cao” từ 6 quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc và Trung Quốc) chỉ chiếm 1% tổng số du khách đến Nhật nhưng đóng góp tới 11,5% tổng chi tiêu du lịch vào năm 2019 của quốc gia này. 

 Tấn Vĩ (theo Forbes, Insider, Newsweek)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI