Lần đầu tiên, nhiều travel blogger (người đi du lịch và viết blog) cùng xuất hiện trong một cuốn sách để chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của họ về những chuyến đi khám phá thế giới, cũng như về “nghề” travel blogger - nghề ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành cuốn Travel blogger - Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0 với câu chuyện của các "travel blogger" Vinh Gấu, Lý Thành Cơ, Nam Kha, Đức Trần, Bùi Việt Hà…
Họ đều là những gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng yêu thích du lịch, khám phá nhiều năm qua. Lần này họ trở lại trong các trang sách và chia sẻ những câu chuyện "hậu trường" quanh chuyến đi. Ngoài các bài viết, video du lịch đều đặn trên các kênh cá nhân trước đó, có tác giả cũng đã xuất bản sách du ký như Lý Thành Cơ với Thế giới rộng lớn đừng đi một mình và Trăng mật với bản thân.
|
Cuốn sách vừa được phát hành trong những ngày giãn cách xã hội |
Travel blogger - Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0 gợi nhớ đến những tên tuổi tác giả cũng như các cuốn sách góp phần làm nên dòng chảy của sách du ký trong những năm gần đây. Những trang viết khám phá miền đất lạ từ trong nước đến ngoài nước, từ những điểm đến quen thuộc đến chinh phục vùng đất mới, còn hoang sơ. Hoặc có những “hành trình không tưởng” của người trẻ khi đạp xe, đi xe máy du lịch bụi từ quốc gia này đến quốc gia khác.
Một trong những tập sách du ký ấn tượng là Nào mình cùng đạp xe đến Paris của Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuốn sách ghi chép lại hành trình 291 ngày tác giả cùng người yêu đạp xe từ Việt Nam đến Paris (Pháp), với tất cả hào hứng chinh phục, trải nghiệm nhớ đời đến những khó khăn lẫn hiểm nguy khó lường trên suốt hành trình. Hay Đường về nhà với hành trình đạp xe từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về Hà Nội đầy cảm xúc của tác giả trẻ Đinh Phương Linh.
Mỗi chuyến đi đều là những lựa chọn quyết liệt, để được trải nghiệm và ghi chép lại thành sách. Có những trang viết đơn thuần là chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc của người viết trên các cung đường. Nhưng cũng có ghi chép mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa của một vùng đất, thành phố, quốc gia. Trong đó có thể kể đến bộ sách khá hay, chứa đựng rất nhiều kiến thức của tác giả Nguyễn Chí Linh: Bốn mùa trên xứ Phù Tang, Trên con đường tơ lụa Nam Á, Vàng son một thuở Ba Tư và Giọt Cà phê thơm Ottoman, hay Con đường Hồi giáo của Nguyễn Phương Mai, Bước chân theo dấu mặt trời (đến Ấn Độ) của Phương Thu Thủy...
|
Du lịch qua trang sách có thể... "xoa dịu" mong muốn được đi chơi của nhiều người |
Mùa dịch bệnh, bạn đọc có thể “du lịch qua trang sách” để làm tươi mới cảm xúc vừa mở rộng kiến thức, sự hiểu biết của bản thân. Sách du ký từng có một dòng chảy rất mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều người viết trẻ lựa chọn “đi và viết”. Từ cuốn sách khơi dòng cho thể loại du ký Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên (xuất bản lần đầu 2006), có thể nói dòng sách du ký đến nay đã phát triển một bước rất dài.
Rất nhiều vùng đất xa xôi, những quốc gia ở các châu lục đều đã được cây bút Việt tìm đến, khám phá, cảm nhận và ghi chép lại. Từ những ngọn núi cao nhất, những vùng biển xa xôi, những địa danh trở thành huyền thoại của lịch sử, những cung đường đáng kinh ngạc và hiểm trở của thế giới… Không chỉ cho người đọc cảm xúc phiêu lưu thi vị, mà nhiều tác phẩm du ký còn được tác giả gửi gắm những suy tưởng, triết lý sống, thông điệp ý nghĩa về cuộc đời.
|
Hãy chọn, nếu bạn chưa đọc |
Những ngày giãn cách, những cuốn sách như Đường biên hạnh phúc (Nguyễn Thị Kim Ngân), Uzbekistan - Giấc mơ màu lam ngọc (Hảo Phạm Fiori), Hẹn hò với châu Âu (Bùi Mai Hương), Cô đơn trên Everest (Di Li)… có thể xoa dịu được “nỗi nhớ những cung đường” của rất nhiều người.
Những cuốn sách không bao giờ cũ.
Hành trình chinh phục những đỉnh núi của Bo Parfet
|
Một cuốn sách phiêu lưu mạo hiểm dành cho người thích "xê dịch" |
Khuất phục tử thần (tựa tiếng Anh Die Trying) - tác phẩm best-seller ở nhiều quốc gia trên thế giới - là cuốn sách phù hợp với những ai yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm, đặc biệt là thích chinh phục những ngọn núi cao nhất thế giới. Cuốn sách chia sẻ trải nghiệm - khám phá của tác giả trẻ người Mỹ Bo Parfet vừa được Sbooks và nhà xuất bản Thế Giới ấn hành.
Bo Parfet đã đặt chân đến những ngọn núi cao nhất ở các lục địa như: Everest, Aconcagua, Kilimanjaro, Vinson Massif… “Treo mình lơ lửng giữa không trung với sợi dây thừng dài 12m, nhìn xuống là vực đầy đá thẳng đứng và lởm chởm với độ sâu 600m; chứng kiến cái chết ở đỉnh Everest với độ cao gần 8848m, bị mắc cạn ở đỉnh Aconcagua với sức gió 112 km/h…” là những trải nghiệm nhớ đời trong hành trình chinh phục tự nhiên - và cũng là chinh phục giấc mơ của tác giả.
|
Song Giang