Du lịch miền Trung nhìn từ một hội nghị

24/04/2024 - 06:13

PNO - Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội du lịch TPHCM 2024 (từ ngày 4 - 7/4), ngành du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Hành trình về nguồn, xứ Nghệ ân tình”.

Nhiều nhóm bạn trẻ thích thú lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trên những đồi chè thơ mộng
Nhiều nhóm bạn trẻ thích thú lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trên những đồi chè thơ mộng ở Nghệ An

Xét về du lịch, Nghệ An lâu nay chỉ có biển và các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điểm đến mà ai cũng biết. May là trong hội nghị, có đại diện một công ty lữ hành ở TPHCM phát biểu. Anh gọi du lịch biển là xanh dương; du lịch truyền thống, lịch sử, tâm linh là đỏ; du lịch sinh thái rừng, nông nghiệp là xanh lá. 3 màu này tạo thành thế chân vạc bền vững cho du lịch Nghệ An.

Ai cũng bất ngờ về những điều anh nói - kể cả ban tổ chức. Anh liệt kê: Nghệ An có vườn thị gần 700 tuổi ở huyện Nghi Lộc - nơi thuộc tướng của Lê Lợi dừng chân buộc ngựa chiến, nghỉ đêm và chiến thắng, đưa dòng họ từ Thanh Hóa vào an cư, nơi ngựa chiến của Quang Trung dừng nghỉ trước khi ra Bắc đại phá quân Thanh năm 1789. Nghệ An có vườn quốc gia Pù Mát rộng thứ ba trong 5 vườn quốc gia, trong đó có thác Khe Kèm rất đẹp với dịch vụ cá tự nhiên massage chân miễn phí. Nghệ An có tục ngủ ngồi của tộc người Đan Lai.

Anh tiếp tục kể ra: các huyện miền núi phía tây Nghệ An có nhiều thác hùng vĩ, nhiều khe nước đẹp hơn tranh; các huyện Quế Phong, Quỳ Châu còn lưu giữ mấy chục nhà sàn lợp ngói gỗ pơ mu được đẽo bằng rìu. Nghệ An có nhiều làng dệt thổ cẩm truyền thống hàng trăm năm, có tháp cổ Yên Hòa (huyện Kỳ Sơn) ngàn năm rêu phong, có làng nồi đất Trù Sơn (huyện Đô Lương) được hình thành từ thời nhà Trần, có những đảo chè ảo diệu ở huyện Thanh Chương…

Nghe anh kể, ai cũng náo nức muốn trải nghiệm. Theo anh, “về nguồn” với các di tích cách mạng chỉ là “nguồn ngọn”, còn “nguồn cội” (gốc) là cả dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm. Anh góp ý thẳng thừng với hội nghị: “Mình chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách đến?”.

Ngẫm lại, thực trạng này đâu chỉ có ở Nghệ An? Hình như đó là “bệnh” phổ biến của du lịch cả miền Trung và thậm chí cả nước. Tiềm năng du lịch địa phương nào cũng ngồn ngộn nhưng hiệu quả cứ ì ạch. Không dám nhìn thẳng sự thật, quanh năm đổ “tại” và “bị”; làm gì cũng thích “đi tắt đón đầu”, “hớt váng”, thiếu kế hoạch dài hơi và không có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Du lịch biển là dễ làm nhất nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Tài nguyên vượt trội nhiều nước mà du lịch biển vẫn cứ chạy theo số lượng khách tham quan trong ngày, chưa tập trung vào khách lưu trú, nhất là dòng khách chi tiêu khá, cả trong và ngoài nước.

Cũng như Nghệ An nói riêng, du lịch miền Trung phải đi bằng thế chân vạc gồm biển, sinh thái nông nghiệp, lịch sử - văn hóa. Phải học Thái Lan, Lào, Campuchia về cách làm du lịch nông nghiệp và sinh thái rừng. Lời giải cho bài toán du lịch Việt vẫn là những chuyện “xưa rồi Diễm”, đó là phải chịu làm và làm cho triệt để.

Đầu tiên là cần có thủ lĩnh đủ tâm và đủ tầm tập hợp lực lượng, liên kết các ngành, phá vỡ kiểu mạnh ai nấy làm. Cần xem lại các chính sách bủa vây, làm khó du lịch sinh thái rừng. Cần chuẩn hóa từng dịch vụ du lịch với sự phản biện của các chuyên gia thực tiễn.

Chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng cần có thời gian lẫn tiền bạc nhưng chuyển hóa tinh thần và thái độ phục vụ thì có thể làm ngay và không tốn nhiều tiền. “Vào nhà biết chủ”. Trước khi đón khách, phải dọn dẹp vệ sinh, dặn dò con cháu giữ nếp nhà, thể diện cho chủ. Làm sao có thể phát triển kinh tế và du lịch khi rác bủa vây, tràn ngập khắp nơi, nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách chưa có thuốc đặc trị, quanh năm ngộ độc thực phẩm, kẹt xe và ngập nước?

Khó khăn và trở ngại chồng chất nhưng kinh tế và du lịch Việt vẫn tăng trưởng khá tốt. Nếu giải phóng được sức ì, tháo gỡ mọi trói buộc, Việt Nam chắc chắn không thua kém bất cứ quốc gia nào. Bài toán khó nhưng nhiều nước đã làm được, tại sao Việt Nam lại không?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI