Du lịch miền Tây ngày càng giảm sức hút

14/07/2020 - 06:24

PNO - “Đặc sản” nước nổi mất dần, sản phẩm du lịch 13 tỉnh na ná nhau khiến du lịch đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm sức hấp dẫn du khách.

Sản phẩm na ná nhau

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lâu nay phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn dựa vào thế mạnh sông nước, vườn cây. Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh, thành trong vùng cùng tập trung vào một mô hình đã tạo ra sự trùng lặp về sản phẩm. 

Mùa nước nổi tại ĐBSCL không còn đều đặn như trước
Mùa nước nổi tại ĐBSCL không còn đều đặn như trước

Không ít du khách từng đi miền Tây nhận xét, không cần đi hết 13 tỉnh, thành ĐBSCL, chỉ cần đến vài địa danh của tỉnh Tiền Giang gồm cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm (TP.Mỹ Tho), cù lao Tân Phong (thị xã Cai Lậy), Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (H.Tân Phước) là đủ. Ở những nơi này, du khách được trải nghiệm du lịch sinh thái, nghe đờn ca tài tử, chứng kiến lễ hội văn hóa dân gian là biết gần hết đặc trưng du lịch miền Tây mà chỉ cần đi - về trong ngày. 

Đại diện Công ty Du lịch Gia Xuân (Q.Tân Bình, TPHCM) thừa nhận, sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL chưa hấp dẫn và trùng lặp. Ở vùng này, hầu như tỉnh nào cũng có hình thức trải nghiệm tát mương bắt cá, chèo thuyền, chơi trò chơi dân gian, hái trái cây như nhau. Trong khi đó, giá tour lại cao.

Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt - khi đến tham quan chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), du khách cảm thấy nản khi thuyền của du khách nhiều hơn thuyền của người buôn bán. Tương tự, tại chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), thương nhân dần bỏ thuyền để lên bờ sinh sống. Một số ít thương nhân vẫn bán nhưng dưới hình thức buôn sỉ, rất khó tìm ra các thuyền bán đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm ở chợ nổi.

Không chỉ trùng lặp về mô hình sản phẩm, ẩm thực của các địa phương trong toàn vùng cũng khá giống nhau. Khi đến ĐBSCL, du khách được đãi những món ăn y hệt thực đơn tại các nhà hàng tiệc cưới của TP.HCM.

“Miền Tây là thủ phủ trái cây của cả nước nhưng khi về các khách sạn 3-4 sao, chúng tôi được cho uống nước cam hòa tan, ăn xúp, xúc xích, sandwich…  Tại sao không phải là hủ tíu, bún mắm, cháo trắng trứng vịt muối, cá linh kho quẹt? Chúng tôi muốn ăn những món bản địa thì phải tự tìm kiếm bên ngoài” - chị Thanh Hương, du khách từ TP.Hà Nội vừa đi tour tại Cần Thơ, bày tỏ.

Phải làm mới sản phẩm, tour, tuyến

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, sản phẩm du lịch ĐBSCL khá đa dạng. Ông lấy ví dụ về món hủ tíu, cho rằng hủ tíu Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) khác với hủ tíu Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), rừng thì nơi có rừng cù lao, nơi có rừng đước, rừng tràm. “Quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ sự khác biệt sản phẩm để quảng bá tới du khách” - ông Thọ nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, không phủ nhận các sản phẩm du lịch ĐBSCL trùng lặp về cốt lõi, nhưng nếu biết làm mới sẽ không giống nhau. Quan trọng là các doanh nghiệp, địa phương biết cách làm mới các sản phẩm, tour, tuyến kèm theo các chương trình khuyến mãi, kích cầu để hấp dẫn du khách. 

Ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - góp ý, cần kết nối điểm đến các địa phương, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thông minh. Các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Khi liên kết du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL, với lợi thế tập trung 1.300 doanh nghiệp lữ hành, TP.HCM sẽ là nơi “điều phối” khách, khai thác các đường bay về các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở khu vực ĐBSCL vẫn còn yếu và thiếu, cơ sở vật chất lạc hậu, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, tư duy làm du lịch còn hạn chế. Ông Phan Xuân Anh kể, khi đầu tư hệ thống 50 phòng dạng homestay tại H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lúc xây xong thì không kéo được điện về, giải quyết được điện lại nảy sinh tranh chấp lối đi vào khu nghỉ dưỡng, công ty phải mua đất để mở đường riêng cho du khách. 

Rất nhiều trở ngại khiến các doanh nghiệp do dự khi muốn đầu tư khai thác du lịch ở vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, cần có sự thay đổi từ nhà quản lý ở các địa phương trong vùng. Các doanh nghiệp du lịch không thiếu ý tưởng làm mới các sản phẩm, nhưng địa phương phải có cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI