Du lịch miền Tây “bán” gì cho du khách?

02/08/2014 - 07:45

PNO - PN - Đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng vừa được mở. Lãnh đạo TP. Cần Thơ cho biết, thành phố đã triển khai vận động các doanh nghiệp lữ hành - vận tải, các tour tuyến du lịch trọng điểm đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Du lich mien Tay “ban” gi cho du khach?

Chợ nổi - điểm đến quen thuộc của du lịch Cần Thơ

Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều, đây là một trong những điểm tham quan luôn được các đơn vị làm du lịch chú trọng. Tour “cơ bản” thường được “dựng” như sau: sáng dạo bộ ở bến Ninh Kiều, thuê tàu đi tham quan chợ nổi Cái Răng, sau đó vào tham quan làng du lịch Mỹ Khánh (hoặc một vài nhà vườn khác), tiếp tục theo tuyến lộ vòng cung đi thăm nhà cổ, di tích lịch sử mộ cụ Phan Văn Trị… và hết. Để tham quan hết một vòng như vậy, khách chỉ mất khoảng sáu giờ. Nếu kéo dài ra thêm một chút thì khách có thể tham quan một vài làng nghề, nghe đờn ca tài tử.

Trong sáu giờ này, du khách có lắm phen khó chịu. Ông Phan Thanh Bình, một du khách Hải Phòng kể: “Đang lênh đênh trên chợ nổi, ngắm những cô gái miền Tây duyên dáng bán hàng và nghe giải thích về những cây “bẹo” (cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe để treo tượng trưng những loại cây trái muốn bán), chợt tôi giật mình khi thấy một chủ ghe cầm một con dao to bản chặt “phặc” vào đầu một quả dứa (khóm), cả cái đầu khóm ấy rơi xuống sông. Ghe của chúng tôi mấy lần phải dừng lại để gỡ túi ni lông vướng vào chân vịt, vậy mà khi tháo được túi ra, tài công lại thản nhiên vứt cái túi đó xuống nước. Trên sông, nào rác thải, trái cây hư thối trôi nổi, rất nhếch nhác”.

Vườn trái cây Mỹ Khánh từ lâu đã trở thành một điểm thu hút rất đông du khách. Song, đến đúng giờ xem xiếc, không ít du khách đã chứng kiến cảnh những người điều khiển chó, khỉ luôn miệng chửi mắng, vung roi đánh đập những con thú.

Chị Hồng Nga, một “thổ địa” ở Cần Thơ kể: “Trước đây, nhà vườn phục vụ khách rất tốt. Nhưng nay, để được tham quan, chúng tôi đã phải mua vé với giá 30.000đ/người, mà không có ai hướng dẫn, khách chẳng biết cây nào là đặc sản. Mỗi người được phát một chai nước lọc, một cái khăn ướt và một bọc dâu da chừng 20 trái (loại dâu này ngoài chợ miền Tây bán khoảng 6.000-7.000đ/kg). Để đỡ “quê” với khách, tôi mua thêm sầu riêng và măng cụt nhưng mỗi thứ đều đắt hơn bên ngoài từ 3.000 - 5.000đ/kg. Khi xẻ sầu riêng ra ăn, trái thì sượng, trái lại quá chín. Mấy đứa trẻ đòi câu cá, nhân viên lạnh lùng cho biết đã… hết mồi câu”.

Hay tour Tiền Giang-Bến Tre tát mương bắt cá, mương chỉ là một vũng bùn sền sệt. Khách đến nơi, chưa kịp nhảy xuống mương thì các em nhỏ đã mau chóng bắt được khoảng năm - sáu con cá đang ngáp ngáp trên bùn. Mương không còn con cá nào!

Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ, thế mạnh của du lịch miền Tây là du lịch sinh thái gắn với sông nước miệt vườn. “Lẽ ra dựa trên đặc điểm thời tiết, ngày mùa, lễ hội… cứ trong khoảng sáu tháng, ngành du lịch địa phương cần giới thiệu một gói mới cho du khách. Tuy nhiên, nhiều tỉnh không làm được việc này”, ông Đăng nói.

Chị Lê Thị V.N., một hướng dẫn viên du lịch nhận định: “Nếu tính từ tỉnh Tiền Giang xuống các tỉnh Vĩnh Long, qua Bến Tre thì du khách sẽ… mỏi mòn vì cả bốn địa phương này đều có những “đường” du lịch giống nhau”.

Du lịch miền Tây đã làm gì để “bán” tour cho du khách? Liệu khách sẽ quay lại sau khi được phục vụ sơ sài, chứng kiến những chuyện không hay như thế?

 Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI