PNO - Loại hình du lịch kết hợp các trò chơi, môn thể thao mạo hiểm như lặn biển, leo vách núi, chèo xuồng vượt thác, đi dây trên cao, đi dù lượn, nhảy dù… được các công ty du lịch khai thác mạnh, nhưng không theo quy chuẩn nào...
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Công ty TST Tourist - ở nước ngoài, đây được xem là loại hình du lịch chuyên biệt, du khách khi tham gia phải kiểm tra sức khỏe, được huấn luyện, thực hành trước, phải mua loại bảo hiểm riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, không có quy chuẩn gì về loại hình du lịch này nên các đơn vị tổ chức tự học kinh nghiệm lẫn nhau, học trên mạng rồi tự tổ chức bừa.
Du lịch mạo hiểm ngày càng thu hút khách nhưng gần như bị thả nổi
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lửa Việt Tours - cho biết, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị tổ chức kinh doanh du lịch mạo hiểm phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định, cấp phép. Nhưng ngay cả những người làm du lịch như ông cũng không biết cơ quan nào quản lý loại hình này và thực tế, doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm”. Chẳng hạn, hiện nhiều đơn vị tự tổ chức trò chơi leo vách núi thẳng đứng theo kiểu bắt chước nước ngoài, chỉ dùng vài sợi dây thừng chuyên dụng, bộ đai an toàn. Các hoạt động chèo xuồng vượt thác, thám hiểm sông, rừng, hang động cũng tương tự. Huấn luyện viên không có chứng chỉ chuyên môn, hướng dẫn viên càng không có nghiệp vụ, nhiều người chỉ ngồi trên chòi cao cách cả trăm mét để “canh chừng”, khách có tai nạn thì không thể cứu hộ kịp.
“Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải có quy chuẩn tối thiểu về điều kiện vật chất và nhân sự, từ huấn luyện viên, hướng dẫn viên cho đến bác sĩ cứu hộ; cơ quan quản lý nhà nước cần phải giám sát kiểm tra hoạt động các công ty và xử lý nghiêm mọi vi phạm. Việc mua bảo hiểm phải thể hiện ngay trong vé mua du lịch có các trò chơi mạo hiểm, vé đó phải do một đơn vị đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện phát hành” - ông Nguyễn Văn Mỹ đề xuất.
Chỉ có bảo hiểm du lịch thông thường
Hiện việc quản lý loại hình du lịch mạo hiểm được quy định trong chương III, Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, nhưng nghị định này chỉ xác định những loại hình du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Trong khi đó, quy định về bảo hiểm - một nội dung rất quan trọng với dịch vụ này - lại không được quy định chi tiết. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành hiện không mua bảo hiểm riêng cho du lịch mạo hiểm mà chỉ mua theo dạng bảo hiểm du lịch thông thường.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết, Luật Du lịch quy định phải mua bảo hiểm du lịch cho khách, nhưng không nêu mức phí đối với từng loại hình du lịch. Du lịch mạo hiểm có tính chất rủi ro rất cao nhưng do không có quy định về mức phí nên các doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm du lịch thông thường cho khách hàng, còn công ty bảo hiểm có thể không đền bù cho những tai nạn do hoạt động mạo hiểm.
Một số doanh nghiệp lữ hành không mua loại bảo hiểm du lịch mạo hiểm vì cho rằng đây là trách nhiệm của nơi tổ chức môn chơi mạo hiểm đó. Trong vai một khách hàng, hỏi về quyền lợi trong gói bảo hiểm khi mua tour du lịch tại Nha Trang, nhân viên Công ty du lịch L.T. (Q.11, TP.HCM) chỉ thông tin qua loa như: công ty mua bảo hiểm du lịch cho khách trị giá 20 triệu đồng/hành khách. Nghĩa là, nếu gặp tình huống xấu nhất trong chuyến du lịch, khách cũng chỉ được đền bù tối đa 20 triệu đồng. Chúng tôi thắc mắc về việc bồi thường nếu gặp rủi ro khi chơi lướt ván trên biển, lặn biển ngắm san hô, nhân viên cho rằng, đơn vị tổ chức các trò chơi trên chịu trách nhiệm chứ không phải công ty du lịch.
Trong khi đó, các đơn vị tổ chức những môn thể thao mạo hiểm lại cho rằng, người chơi phải tự chịu trách nhiệm hoặc yêu cầu người chơi phải ký xác nhận miễn trừ trách nhiệm nếu gặp rủi ro. Các công ty bảo hiểm cũng không mặn mà với loại hình bảo hiểm du lịch mạo hiểm vì rất ít doanh nghiệp lữ hành đăng ký mua, trong khi mức độ rủi ro lại cao. Đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, công ty có bán bảo hiểm du lịch trong và ngoài nước nhưng sẽ không chi trả bảo hiểm khi khách tham gia vào các cuộc đua, các cuộc thi đấu hay các hoạt động thể thao chuyên nghiệp để đổi lấy thu nhập hoặc thù lao.
Công ty Bảo hiểm VNI có mục dành cho du khách tham gia các trò chơi mạo hiểm nhưng sẽ phụ thu thêm phí khá cao so với số tiền bảo hiểm. Chẳng hạn, giá trị bảo hiểm là 10 triệu đồng, mỗi ngày khách chỉ đóng 1.200 đồng tiền bảo hiểm, nhưng phải đóng thêm 10.000 đồng/ngày nếu tham gia trò chơi mạo hiểm. Đồng thời, khách hàng phải liệt kê các hoạt động chuẩn bị tham gia và gửi cho công ty xét duyệt trước; nếu khách bị tai nạn do các hoạt động nằm ngoài danh mục được duyệt, sẽ không được đền bù bảo hiểm.
Nhiều vụ tử vong do vượt thác, leo núi
Chiều 22/9/2018, anh Jang Won Seok (23 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) cùng 10 du khách đến từ nhiều nước tham gia tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác do Công ty TNHH Thử Thách Việt (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức tại khu du lịch thác Datanla. Khi nhảy xuống thác nước sâu 10m, do thực hiện động tác tiếp nước sai kỹ thuật, anh Jang Won Seok đã bị nạn, tử vong.
Trước đó, ngày 26/2/2018, cũng tại thác Datanla, ba du khách người Anh gồm một nam và hai nữ đã tử vong do chơi trò vượt thác. Theo giải thích của lãnh đạo Dalat Tourist, phía Công ty Đam Mê khi đưa khách vào chơi trò chơi mạo hiểm đã không trang bị dụng cụ bảo hộ.
Ngày 11/5/2018, anh Thi An Kiện (trú tại TP.HCM) cùng sáu người bạn tổ chức đi phượt ở cung đường Tà Năng - Phan Dũng (H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) thì gặp nạn, chết ở tầng thứ sáu của thác Núi Kích cao 30m; lực lượng cứu hộ phải mất 10 ngày mới tìm ra thi thể.
Tháng 6/2016, một du khách người Anh đã tử vong khi leo lên đỉnh núi Fansipan (H.Sapa, tỉnh Lào Cai).
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".