Du lịch là 'mặt trận' quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

21/06/2019 - 06:13

PNO - Gần đây, Trung Quốc cảnh báo công dân nước mình về những rủi ro có thể gặp phải khi đến Mỹ. Trước đó, cũng bằng phương thức này, Trung Quốc đã bóp nghẹt doanh thu du lịch tại Hàn Quốc.

Đầu tháng 6/2019, Trung Quốc công bố một cảnh báo mới cho ngành du lịch. Trang thông tin của Tân Hoa Xã lưu ý về các vụ nổ súng, cướp và trộm cắp thường xuyên ở Mỹ, đồng thời yêu cầu các công dân Trung Quốc đánh giá đầy đủ rủi ro khi đi tới xứ cờ hoa, ít nhất là đến cuối năm.

Thoạt nhìn, cảnh báo có sự tương đồng với các báo cáo về quyền con người ở Mỹ mà Bắc Kinh công bố trong những năm gần đây, như một cách đáp trả trước những đánh giá về quyền con người tại Trung Quốc do Washington thực hiện. 

Du lich la 'mat tran'  quan trong cua Trung Quoc trong cuoc chien  thuong mai voi My
Theo chính phủ Mỹ, nếu không có chiến tranh thương mại, lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ có thể đạt 3,3 triệu lượt trong năm 2019. Trong ảnh: du khách chụp ảnh trước tượng Nữ thần Tự do ở New York (Mỹ)

Cảnh báo xuất hiện khi lượng du khách Trung Quốc bị thẩm vấn tại các cảng nhập cảnh của Mỹ liên tục tăng lên, điển hình như vụ việc của học giả Zhu Feng tháng 4/2019. Các học giả và người Trung Quốc nổi tiếng khác cũng tự nguyện hạn chế việc đến Mỹ, hoặc trải qua nhiều khó khăn lúc xin thị thực. Mặt khác, cảnh báo du lịch có thể đánh dấu bước khởi đầu của kế hoạch trả đũa bất đối xứng từ Trung Quốc đối với chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại song phương. Sau tất cả, lời cảnh báo góp phần ngăn chặn nguồn khách du lịch và hạn chế các chuyến công tác từ Trung Quốc đến Mỹ.

Trên thực tế, sau hành động của chính quyền Mỹ đối với “người khổng lồ” công nghệ Huawei hồi tháng Năm, cư dân mạng Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc liền tập hợp để hậu thuẫn cho công ty, vốn được xem là viên ngọc quý về năng lực cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu của Trung Quốc, và tạo nên phong trào tẩy chay nước Mỹ. Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc từng sử dụng các hạn chế đối với du lịch như một công cụ của đòn bẩy kinh tế. Trường hợp nghiêm trọng nhất gần đây thuộc về lệnh trừng phạt không chính thức đối với Hàn Quốc sau khi Seoul đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao THAAD của Mỹ năm 2016.

Suốt nhiều tháng, các nhà quản lý Trung Quốc liên tục thực hiện những bước đi nhằm bóp nghẹt doanh thu du lịch tại Hàn Quốc, nơi người dân từ đại lục chiếm khoảng 47% tổng số khách du lịch và 70% doanh số bán hàng miễn thuế trong năm 2016. Nghị định tháng 3/2017 từ Tổng cục Du lịch cấm các công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc cung cấp các chuyến du lịch trọn gói đến Hàn Quốc. Kết quả, số liệu thống kê chính thức của Hàn Quốc cho thấy, sự sụt giảm gần 70% tổng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc vào mùa hè năm 2017. Có thể thấy, biện pháp đạt hiệu quả cao vì tổng giá trị kinh tế giữa Hàn Quốc với Trung Quốc là rất lớn, đặc biệt về ngành du lịch; thế nhưng các chiến thuật tương tự có thể không thật sự hữu hiệu đối với Mỹ. 

Năm 2000, 249.000 người Trung Quốc đã đến Mỹ, con số này tăng lên 802.000 năm 2010, sau đó tiếp tục tăng thêm gấp ba lần năm 2015, một phần vì thu nhập người dân cao hơn, kết nối chuyến bay đường dài tốt hơn và giảm bớt các hạn chế về thị thực. Mỹ đã đón hơn 3 triệu khách Trung Quốc trong năm 2016 và 2017, nhưng con số này giảm 5,7% năm 2018, xuống còn 2,9 triệu khách với triển vọng tiếp tục giảm trong năm 2019. Wang Haixia, nhân viên tại một công ty thương mại quốc tế ở Bắc Kinh, đã tới Mỹ tháng Năm vừa qua để dự lễ tốt nghiệp của em gái. Cô và gia đình dành 10 ngày ở lại Illinois và New York. Wang nói rằng gia đình có thể ở lại lâu hơn nhưng họ không muốn đóng góp cho nền kinh tế Mỹ giữa cuộc chiến thương mại.

Ngoài Mỹ, Bắc Kinh dường như cũng ủng hộ việc sử dụng cách hạn chế du lịch ở những nơi khác. Ví dụ như nỗ lực gây khó khăn cho hoạt động du lịch xuyên eo biển Đài Loan nhằm gây áp lực cho chính phủ của hòn đảo thuộc Đảng Dân chủ tiến bộ. Tuy vậy, Đài Bắc dễ dàng vượt qua sự suy giảm bằng cách tăng cường du lịch từ các khu vực khác trên khắp châu Á.

Trong cuộc cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung Quốc, có lẽ không một công cụ bất đối xứng nào là quá nhỏ đối với Bắc Kinh, bởi chúng vốn tồn tại như quy tắc đi kèm việc áp dụng thuế quan trả đũa. Rào cản phi thuế quan và các phương tiện khác của chiến tranh kinh tế trở thành phương án thuận lợi hơn cho cường quốc châu Á. Trong những tuần và tháng sắp tới, thế giới sẽ tiếp tục dõi theo những động thái của Trung Quốc, chờ đợi các biện pháp nghiêm trọng hơn nhằm tạo áp lực du lịch nếu mối quan hệ song phương không được cải thiện; còn hiện nay, cảnh báo du lịch có thể chỉ là một phần của vở kịch cũ về nhân quyền. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI