Họ mời khách về nhà, đưa khách thăm vườn cây trái, tát mương bắt cá… trải nghiệm cuộc sống dân dã của người miền tây. Mô hình của họ đã được xem là điểm đến mới hấp dẫn, nhất là với du khách thích trải nghiệm không gian du lịch xanh miền tây sông nước.
Cả xóm làm du lịch
8 giờ sáng, một ngày trung tuần tháng 9/2016, áo bà ba xanh da trời, khăn rằn quấn cổ, chị Lê Thị Bé Bảy, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin Q.Bình Thủy chờ chúng tôi ở bến Cô Bắc, phía bờ Q.Bình Thủy. Tuy là cán bộ quản lý nhưng người phụ nữ ngoài 30 tuổi này đang được người dân cồn Sơn xem là “đại sứ thương hiệu”, giúp kết nối, quảng bá du lịch ở cồn Sơn.
Các hộ dân ở đây vốn chỉ quen với công việc nhà nông, tính cách nhà quê chân chất, nên chuyện du lịch, cách quảng bá, giao tiếp… họ gần như mù tịt; giao hết cho một tay chị điều hành, quán xuyến.
Cách thu hút khách đến với cồn Sơn của chị cũng không giống ai. Thay vì quảng cáo thông qua các tờ bướm, hội thảo… chị mời luôn khách đến khảo sát, trải nghiệm thực tế để thấy những điểm đặc biệt của cồn Sơn mà các nơi khác không có được.
Con đò nhỏ đưa khách vượt sông Hậu, trên đò có khoảng hơn 10 khách, người lái đò là một phụ nữ 54 tuổi, quen gọi là chị Bé hoặc cô Bé. Trên 30 năm làm nghề đưa đò từ cồn qua bến Cần Thơ, hai năm nay chị có thêm niềm vui chở khách qua cồn.
Chỉ mất 10-15 phút, du khách đã thấy rõ một dãi cồn xanh ngát, yên bình; khác xa với nhịp sống hối hả của phía bờ đối diện. Được phù sa bồi đắp, bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt mênh mông sông nước, cồn Sơn là nơi đất đai màu mỡ nên hầu như nhà nào cũng bao phủ bởi một màu xanh của vườn tược.
|
Khách đang được thưởng thức các món bánh dân gian tại nhà vườn anh Tâm. |
Những con đường nhỏ rợp bóng dừa, hàng cau, hàng bông bụp; bên trong là những vườn xoài, vườn nhãn, vườn chôm chôm, vườn bưởi… chỉ cần đưa tay ra là có thể hái được trái. Cồn còn có vườn cò, bến sông để khách ngắm hoàng hôn.
“Chuyện người dân cồn Sơn làm du lịch là rất tình cờ. Khoảng đầu năm 2015, một cán bộ Đoàn có nhà ở cồn đã dẫn vài chục đoàn viên về nhà mình chơi. Lần đầu đặt chân đến vùng đất hoang sơ với những con đường uốn lượn theo kênh rạch, bốn bề là vườn cây ăn trái trĩu quả, ai cũng thích thú. Mọi người hào hứng hái trái cây, tát mương, thưởng thức những đặc sản... Vậy là ý tưởng vì sao không kết hợp các nhà vườn trên cồn lại để mời khách đến, cải thiện cái nghèo, cái khó bao đời?” – chị Bé Bảy kể.
Nghĩ là làm, chị Bé Bảy xin ý kiến lãnh đạo Q.Bình Thủy cho triển khai cồn Sơn thành khu du lịch cộng đồng, tạo điểm đến mới thu hút khách đến Cần Thơ nói chung và Bình Thủy nói riêng.
Cồn có 78 hộ nhưng sau khi khảo sát, chỉ 18 nhà vườn đáp ứng được tiêu chí: nhà phải đủ rộng, sạch sẽ để khách đến tham quan, nghỉ ngơi, không có trẻ em quá nhỏ, người già bệnh tật; mỗi hộ phải có đặc sản riêng, không trùng lắp với nhà khác.
Ví dụ: nhà này có vườn nhãn, thì nhà kia có vườn bưởi, nhà khác có dịch vụ tát mương, nhà nọ làm bánh dân gian: bánh xèo, bánh khọt, bánh bèo… Các hộ dân ngồi lại thống nhất cam kết về giá cả, chất lượng dịch vụ; đồng thời được ngành y tế tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, được tập huấn sơ cấp về du lịch…
Vừa khai thác vừa bảo tồn
Sau khi đăng ký tour, từ bến đò Cô Bắc, khách sẽ lên đò ngang băng qua sông Hậu để đến cồn Sơn. Tại đây, khách sẽ có hai trải nghiệm: một là men theo con đường lát bê tông rợp bóng cây trái; hai là ngồi thuyền ba lá do dân bản địa chèo xuôi theo con rạch chằng chịt bần, lục bình... Đi khoảng 1,5 km, khách sẽ đến bến.
Điểm đến đầu tiên là nhà vườn. Tại đây, tùy theo nhu cầu, khách sẽ tham quan một trong 18 nhà vườn. Cụ thể là khách có thể tận hưởng những quả bưởi năm roi tại khu vườn tám công bưởi của anh Tâm. Với phí tham quan chỉ 15.000đ, khách sẽ được gia chủ mời trà, đưa tham quan vườn bưởi, muốn mang về thì tự tay hái, cân ký, trả tiền cho gia chủ từ 20.000–25.000đ/ kg.
Khách cũng có thể ghé vườn chôm chôm, vườn nhãn của chú Sáu Cảnh; thích trải nghiệm tát mương bắt cá thì mời đến nhà chú Bảy Thọ; muốn thưởng thức và tham gia làm bánh dân gian thì đến nhà vườn Song Khánh. Chủ nhà vườn Song Khánh – chị Năm Phước, là người nổi tiếng làm các loại bánh xèo, bánh khọt, bánh ít trần, bánh lọc, bánh tằm se, bánh in ngon nhất cồn.
Du khách có thể ngả lưng nghỉ ngơi ở bất cứ nhà vườn nào và được thưởng thức theo nhu cầu những món ăn dân dã miền Tây mà chỉ nghe tên cũng đã thèm như: chuột đồng nướng rơm, gà xé bưởi, gà nòi nướng, cá lóc nướng rơm hay bẹ chuối, ốc nướng… Buổi trưa nằm đong đưa giữa bốn bề cây trái, thoảng đâu đó là tiếng đờn ca tài tử da diết… - một cảnh vui thú yên bình mà bất cứ ai cũng mơ ước.
Điểm đặc biệt nhất của xóm du lịch này là toàn bộ “hướng dẫn viên” đều là những chủ nhân sinh ra và lớn lên ở cồn. Nếu là đàn ông thì gánh những công việc nặng nhọc như chèo ghe, tát mương, hái dừa… còn phụ nữ thì hướng dẫn, đưa khách tham quan, mời trà… Tính cộng đồng làm du lịch ở đây cũng đậm kiểu văn hóa tình làng nghĩa xóm ở miền Tây.
|
Nhà vườn Song Khánh đang làm món bánh kẹp cuốn đãi khách. |
Nếu một nhà có khách, nhà khác đang rảnh, thì sẽ tự đến phụ giúp, không nề hà có được nhận tiền công hay không. Họ cùng nhau tiếp khách, tạo cho khách cảm giác như mình là người thân xa quê mới trở về.
Ông Phan Hữu Cảnh, 47 tuổi, tổ trưởng tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Sơn, cho biết, từ khi làm du lịch, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. “Nhờ dịch vụ du lịch, đặc sản nhà vườn được khách tiêu thụ trực tiếp nên cuộc sống đỡ hơn rất nhiều”.
Theo chị Bé Bảy, nếu trong tháng 6/2015, hàng tuần khách đến cồn chỉ đông vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật; lễ tết, trung bình 50-100 khách/ngày, thì nay gần như không ngày nào là không có khách. Ngoài khách du lịch trong nước còn có khách quốc tế đi theo tour hoặc đơn lẻ.
Chị Bé Bảy nói, hiện địa phương đang tính đến các sản phẩm du lịch mới như khu tham quan vườn cò, mở thêm dịch vụ cho khách ngủ lại nhà dân, liên kết với các bè nuôi cá quanh cồn để đưa khách đến tham quan... Phải làm sao vừa khai thác vừa giữ được nét hoang sơ, bình dị tự nhiên để giữ chân du khách.
Hoài An