Du lịch còn nhiều điểm yếu
Ông Phạm Hà - Giám đốc điều hành Lux Group - cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang thiếu “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động. Việt Nam có quỹ phát triển du lịch nhưng quỹ này chưa phát huy tác dụng, nhất là trong việc quảng bá, khai thác thị trường. Như ở hội chợ du lịch quốc tế WTM London 2023 - sự kiện được ngành du lịch các nước xem là cơ hội để quảng bá, hợp tác - nhưng nhiều đơn vị không thể tham gia do không nhận được kinh phí hỗ trợ từ quỹ này.
Ông nhận định: “Do thiếu một cơ quan quản lý du lịch đúng nghĩa nên việc quy hoạch du lịch từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, mỗi địa phương làm một kiểu. Chất lượng sản phẩm, chất lượng nhân lực không đồng đều, chuyển đổi số chậm chạp”. Ông đề xuất miễn thị thực (visa) cho công dân Trung Quốc, Ấn Độ để thu hút khách quốc tế với số lượng nhiều và cần thêm những chính sách khác để thu hút được khách đến từ châu Âu, Mỹ - là nhóm có khả năng chi tiền. Theo ông, cần tăng ngân sách đầu tư cho du lịch bởi ngân sách này của Việt Nam chỉ bằng hơn 2% ngân sách chi cho du lịch của Thái Lan nên rất khó cạnh tranh.
|
Một công ty lữ hành ở quận 3, TPHCM tư vấn về tour tết Giáp Thìn 2024 cho khách |
Còn theo ông Nguyễn Ngọc An - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - khâu quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Các nước khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á thường có các văn phòng đại diện du lịch ở các thị trường trọng điểm để tiếp cận nguồn khách nhưng Việt Nam chưa mở văn phòng đại diện du lịch nào. Các doanh nghiệp du lịch cũng chưa có nhiều thông tin về các chương trình hội chợ du lịch quốc tế do cấp sở, cấp bộ tổ chức trong thời gian tới để chuẩn bị và đăng ký tham gia.
Những việc nên làm ngay
Ông Bùi Thế Duy - đại diện Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - cho rằng, thời gian “đóng cửa du lịch” để phòng, chống COVID-19 của Việt Nam lâu hơn các nước châu Âu nên du lịch Việt Nam sẽ hồi phục chậm hơn. Du lịch các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng hồi phục tương đối chậm. “Cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch của Việt Nam không thua kém gì các nước lân cận nên điều cần làm bây giờ là tập trung quảng bá để thu hút khách” - ông nói.
Cũng theo ông Bùi Thế Duy, nên chia việc quảng bá thành phần cứng và phần mềm. Phần cứng là các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, còn phần mềm là chính sách thu hút du khách. Việt Nam đã có chính sách visa thông thoáng, thuận lợi hơn trước nhưng chính sách này được áp dụng từ ngày 15/8/2023 nên cần có thời gian để khách quốc tế cũng như các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị, lên kế hoạch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo có thể tăng mạnh kể từ tháng 3/2024. Tuy nhiên, cần kiên quyết dẹp nạn chèo kéo, lừa đảo khách du lịch để không tạo ấn tượng xấu cho du khách về du lịch Việt Nam.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, Chính phủ nên sớm xem xét, gia hạn việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% để các doanh nghiệp - trong đó có doanh nghiệp du lịch - chủ động hơn trong kinh doanh. Đồng thời, cũng cần phổ biến chính sách giảm thuế, hoàn phí cho du khách quốc tế khi họ mua sắm ở Việt Nam để phát triển loại hình du lịch mua sắm.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam - du lịch Việt Nam vẫn đang có những điểm nghẽn. Du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. Do đó, cần phân tích tại sao lại có sự suy giảm này. “Tôi được biết, một số điểm du lịch lớn đã để lại những ấn tượng kém vui cho du khách. Do đó, không chỉ ngành du lịch mà nhiều ngành khác phải có trách nhiệm với sự suy giảm này” - ông nói.
Cũng theo ông, cần phát huy sáng kiến du lịch qua việc quan tâm quảng bá các sản phẩm sáng tạo của các địa phương. Ngoài ra, cần tính đến vấn đề cạnh tranh trong chính sách thị thực so với các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng phải thoáng hơn, thuận lợi hơn thay vì chỉ ngang bằng với các nước.
Thu hút du khách bằng các sự kiện, hoạt động ban đêm Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm khai thác kinh tế ban đêm để thu hút khách du lịch. Hiện nay, các địa phương còn khó khăn, lúng túng khi làm kinh tế ban đêm, đa phần chỉ là triển khai phố đi bộ, phố ăn uống, chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục, lễ hội dân gian hay các sự kiện kinh tế, văn hóa, thể thao. Qua sự kiện nhóm nhạc Blackpink đến TP Hà Nội biểu diễn vừa rồi, có thể thấy hoạt động văn hóa mang lại những giá trị rất lớn về kinh tế. Do đó, cần có các sự kiện mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) |
Giới thiệu về du lịch Việt Nam tại các hoạt động hợp tác quốc tế Năm 2023, Việt Nam có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước nên rất thuận lợi để quảng bá du lịch. Ngay trong các hoạt động hợp tác quốc tế của các bộ, ngành, địa phương, nên có phần giới thiệu về du lịch Việt Nam, về các điểm đến, về nét đặc sắc của phong cảnh, con người, các điểm đến hấp dẫn để mời gọi khách đến với Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, đến năm 2023, ngành hàng không phải sử dụng ít nhất 10% nhiên liệu thân thiện với môi trường và mục tiêu của ngành đến năm 2050 là lượng khí thải bằng 0. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành bởi trong nước phải sản xuất được nhiên liệu sạch này. Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) |
Quốc Thái