Du lịch khó phát triển một mình

15/03/2023 - 13:36

PNO - Ngày 15/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch COVID-19 tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Do đó, ngành du lịch rất cần các giải pháp đột phá, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách thị thực (visa)… 

Quan cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 tại đầu cầu TPHCM. - Ảnh: Quốc Thái
Quan cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 tại đầu cầu TPHCM - Ảnh: Quốc Thái

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT DL) Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch mặc dù có những thành quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó nổi bật là lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngành du lịch tăng cường tư duy sản phẩm, thu hút khách du lịch quốc tế. (Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tour xuyên Việt hồi đầu năm 2023. Ảnh
Ngành du lịch tăng cường tư duy sản phẩm, thu hút khách du lịch quốc tế. (Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tour xuyên Việt hồi đầu năm 2023. - Ảnh: Quốc Thái).

Nguyên nhân do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, chính sách visa đã có nhiều đổi mới song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.

"Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như thiếu nhân lực du lịch, tính liên kết giữa các địa phương, các ngành chưa cao, sản phẩm chưa đa dạng, hấp dẫn...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian tới ngành du lịch sẽ định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa. 

Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Ngành du lịch đang đặt ra các mục tiêu năm 2023: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. 

Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI