Du lịch giúp nông thôn “thay da đổi thịt”

20/12/2024 - 07:23

PNO - Nhờ làm du lịch, các hộ nông dân ở làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vừa bán được nông sản với giá tốt, vừa có thu nhập từ dịch vụ tham quan vườn. Để phục vụ du lịch, nông dân cũng chăm chút vườn cây, ruộng lúa nên cảnh quan của làng luôn tươi đẹp.

Nông dân có “thu nhập kép”

Nông dân Nguyễn Tấn Thảo cho biết mỗi lần có đoàn khách du lịch tham quan vườn, ông được hợp tác xã trả 500.000 đồng phí dịch vụ. Trong quá trình tham quan, nếu du khách mua trái cây tại vườn thì gia đình ông được hưởng trọn doanh thu này. Nhờ vậy, ông không chỉ giữ được vườn cây xanh tốt mà còn duy trì được nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ông trồng cây dâu xen với cây ăn quả trên 7 sào đất vườn, mỗi tháng thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 40 - 45kg kén tằm, giá bán 170.000-190.000 đồng/kg, lãi trên 8 triệu đồng/tháng. Trái cây trồng theo hướng hữu cơ cũng bán được giá hơn trái cây thông thường. “Nhờ làm du lịch, tôi mới nhận ra các sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra còn có giá trị về dịch vụ” - ông tâm đắc.

Bà Zoritsa Urosevic (hàng trước, thứ hai từ phải sang)  cùng đại diện các làng du lịch tốt nhất thế giới tham quan, trải nghiệm  ẩm thực tại làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vào tháng 12/2024
Bà Zoritsa Urosevic (hàng trước, thứ hai từ phải sang) cùng đại diện các làng du lịch tốt nhất thế giới tham quan, trải nghiệm ẩm thực tại làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vào tháng 12/2024

Tận dụng cảnh làng quê yên bình nằm ven dòng sông Phước Giang thơ mộng, nhiều vườn cây ăn trái sum suê, có đồng lúa xanh mướt, tháng 3/2022, một nông dân của làng đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành. Hợp tác xã có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân. Mô hình du lịch cộng đồng giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, giảm nghèo. Lượng khách du lịch tìm đến làng này ngày một đông hơn khiến người dân vô cùng phấn khởi, càng ra sức chăm sóc ruộng lúa, vườn cây.

Dù nằm trên những ngọn núi đầu nguồn dòng sông Thu Bồn, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 2 giờ đi xe nhưng làng Đại Bình, thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn được đông đảo du khách tìm đến. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có khoảng 4.000 lượt khách đến thăm làng. Ngoài khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp, làng còn nổi tiếng nhờ có nhiều vườn cây ăn trái, được ví là “làng trái cây Nam Bộ thu nhỏ của miền Trung”. Trong làng, còn có nhiều điểm tham quan như miếu Ngũ Nương, chùa Đại Bình, Nghĩa Trũng từ, nhà cổ bà Phan Thị Sương trên 100 năm, rừng Cấm, bến đò…

Ông Nguyễn Thanh Anh - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện Nông Sơn - cho biết, nhiều nhiệm kỳ qua, đảng bộ, huyện đã định hướng phát triển du lịch ở làng Đại Bình, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân. Kết quả đạt được cho thấy đây là một định hướng đúng.

Thúc đẩy nông thôn phát triển

Tại hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất do Tổ chức Du lịch của Liên hiệp quốc (UN Tourism) tổ chức ở Quảng Nam ngày 10/12, bà Zoritsa Urosevic - Phó tổng thư ký UN Tourism - nhận định: “Du lịch giúp đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn, nâng đỡ phụ nữ, thanh niên và cộng đồng bản địa, đồng thời thu hút các khoản đầu tư quan trọng cho một xã hội công bằng hơn, bền vững hơn”.

Bà cho hay, trên thế giới, 84% người dân ở nông thôn phải sống trong nghèo đói, thiếu thốn cơ sở hạ tầng, ít khả năng tiếp cận dịch vụ và cơ hội việc làm. Tuy nhiên, những cộng đồng này cũng giàu truyền thống, đa dạng sinh học. Du lịch có thể khai thác những tài sản này để thúc đẩy sự hòa nhập và đổi mới ở các vùng nông thôn.

Ông I Wayan Budiarta - Trưởng làng Penglipuran (làng du lịch tốt nhất thế giới của Indonesia năm 2023) - chia sẻ: “Ở Penglipuran, mỗi đứa trẻ đi học đều được giáo dục về truyền thống văn hóa. Công dân đủ 18 tuổi được tham gia các tổ chức riêng của làng. Khi lập gia đình, mỗi người được định hướng một công việc phù hợp với khả năng của mình. Từ một ngôi làng hẻo lánh, tới nay, làng Penglipuran đã thu hút 2.000 khách du lịch mỗi ngày”.

Để quảng bá du lịch nông thôn, Chính phủ Indonesia đã hỗ trợ mỗi làng xây dựng cơ sở dữ liệu với sự tham gia của nhiều cơ quan. Đến nay, có 6.000 trong tổng số 18.000 làng ở Indonesia đăng ký cung cấp dữ liệu cho du khách tìm hiểu.

Phát biểu với hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Ông nhấn manh: muốn phát triển du lịch nông thôn, cần luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trên hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách; tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI