Du lịch đường thủy TPHCM mãi dậm chân, vì sao?

13/07/2024 - 07:52

PNO - Tàu cao tốc Thăng Long chạy tuyến TPHCM đi huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dừng hoạt động sau 2 tháng vận hành với nhiều lý do, làm lộ ra những hạn chế của các sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM.

Giữa tháng 5/2024, những chuyến đầu tiên của siêu tàu cao tốc Thăng Long đưa khách từ TPHCM đi huyện Côn Đảo bằng đường biển luôn kín khách, nên nhiều người bị bất ngờ khi Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) - đơn vị vận hành tàu Thăng Long - thông báo dừng hoạt động tàu này từ ngày 29/7.

Đại diện Phú Quốc Express thừa nhận nhiều bất cập trong vận hành tàu Thăng Long, như việc tàu phải đón khách ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM). Thời gian đầu, Phú Quốc Express bố trí xe trung chuyển đưa hành khách từ trung tâm TPHCM ra cảng nhưng việc này phát sinh những sự cố. Khi hành khách tự đến cảng, họ phải di chuyển hơn 20km, lại mất thêm phí vào cảng nên số khách đi tàu giảm nhanh.

Rất đông du khách háo hức lên tàu cao tốc Thăng Long tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM để khởi hành đi huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/5. Thế nhưng, từ ngày 29/7 tới, tàu này sẽ ngừng hoạt động  do ế khách
Rất đông du khách háo hức lên tàu cao tốc Thăng Long tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM để khởi hành đi huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/5. Thế nhưng, từ ngày 29/7 tới, tàu này sẽ ngừng hoạt động do ế khách

Ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, là công ty vận hành một số tàu du lịch trên sông Sài Gòn - nhận định, việc tàu cao tốc Thăng Long tạm ngưng hoạt động cho thấy khó khăn chung trong hoạt động du lịch đường thủy ở TPHCM. Khó khăn lớn nhất là hạ tầng thiếu và yếu, bến bãi chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa có sự kết nối thuận lợi giữa đường thủy với đường bộ. Theo ông, nếu để tàu cao tốc khởi hành từ cảng Sài Gòn (số 5 Nguyễn Tất Thành, quận 4) thay vì từ cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), có thể kết quả sẽ khác. Cảng Sài Gòn từng đón các chuyến tàu biển quốc tế lớn, nên các tàu cao tốc chở khách hoàn toàn có thể vào cảng để đón trả khách.

Cũng theo ông An Sơn Lâm, các khoản thuế, phí dịch vụ cầu cảng dành cho tàu phục vụ du lịch cũng cần được tính toán lại. Hiện các tàu, thuyền này đang chịu mức cước phí của tàu biển quốc tế, rất đắt đỏ nên các công ty du lịch e ngại đầu tư sắm tàu, thuyền và dịch vụ phục vụ cho du lịch đường thủy.

Ông Nguyễn Ngọc An - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho biết, công ty có một số tour đến Côn Đảo, khởi hành từ TPHCM bằng tàu cao tốc nhưng du khách không mặn mà với các tour này do việc di chuyển không phù hợp. Thông thường, du khách muốn đi Côn Đảo trong khoảng 3 ngày nhưng do tàu ra Côn Đảo cách nhật nên khách phải chọn đi trong 4 ngày hoặc chọn về lại TPHCM bằng máy bay, làm tăng chi phí.

“Những tour đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc do công ty tôi tổ chức chủ yếu phục vụ khách đoàn, gần như không có khách lẻ, mà lượng khách đoàn cũng không đáng kể”.

Ông Nguyễn Ngọc An

Theo ông Nguyễn Ngọc An, đa số sản phẩm du lịch đường thủy liên tuyến ở TPHCM đều khó tiếp cận khách hàng do chưa có tính tiện dụng, chưa có các cảng, bến dành cho du lịch. Do đó, các công ty lữ hành, du lịch chỉ đưa du lịch đường thủy vào nhóm sản phẩm bổ trợ, là một phần trong chương trình tour chứ chưa phải là sản phẩm chính. Các doanh nghiệp cũng không mạnh dạn đầu tư, quảng bá các sản phẩm đường thủy.

Ông cho rằng, muốn thay đổi, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị khai thác, quản lý, lữ hành với các đơn vị làm dịch vụ đường thủy, tránh tình trạng “làm khó” khách như trường hợp vận hành tàu cao tốc tuyến TPHCM - Côn Đảo. Du khách phải di chuyển xa, bị thu thêm phí vào cảng, lịch chạy tàu chưa ăn khớp với việc tổ chức tour của các công ty du lịch thì sẽ khó duy trì hoạt động của tàu.

Bà Trần Phương Linh - Giám đốc phụ trách tiếp thị và công nghệ thông tin, Công ty Bến Thành Tourist - cho biết, công ty cũng có một số sản phẩm du lịch đường sông ngắn ngày nhằm phục vụ du khách quốc tế, nhóm khách nhỏ, khách gia đình nghỉ dưỡng cuối tuần, như tour chèo SUP (ván lướt sóng) trên sông Sài Gòn và tour chèo SUP xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, lượng khách mua các tour này chưa nhiều và công ty cũng chưa xếp các tour này vào nhóm sản phẩm chủ lực của mình.

Theo bà Phương Linh, vấn đề rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường trên kênh rạch, sông ngòi ở TPHCM vẫn đang là thách thức lớn cho hoạt động du lịch. Muốn du lịch đường thủy phát triển, cần phải khắc phục những yếu tố bất lợi này. So với các nước có các sản phẩm du lịch đường sông phát triển mạnh như Pháp, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, TPHCM vẫn thiếu cảnh quan thu hút, thiếu các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn 2 bên bờ và cũng thiếu các chương trình chiếu sáng, giải trí ấn tượng. Do đó, ngành du lịch cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các tòa nhà ven sông, kênh để có cảnh quan, kiến trúc thú vị.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI