Giá rẻ, trải nghiệm mới lạ
Đó là cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến lúc 19g ngày đầu tuần giữa tháng 7/2023. Khi đó, dù không phải ngày cuối tuần nhưng du khách vẫn nườm nượp ở khu vực bến tàu du lịch của cảng Sài Gòn, sau đó bước lên du thuyền 3 sao Nữ Hoàng Đông Dương. Hầu hết họ là khách nội địa đi theo gia đình, nhóm bạn, cặp đôi và có cả khách lẻ.
Ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, chủ du thuyền Nữ Hoàng Đông Dương - cho biết, dịch COVID-19 đã làm thay đổi cơ cấu khách đi tàu. Trước dịch, khoảng 90% người lên tàu là khách quốc tế, còn sau dịch, khách nội chiếm hơn 2/3. Ban ngày, tàu trở thành điểm tổ chức các hội thảo, hội nghị hoặc là nơi để ăn uống. Cuối buổi chiều, tàu đón khách lên ăn buffet ngắm hoàng hôn.
Ông nói: “Trước đây, người dân TPHCM thường nghĩ dịch vụ ăn tối trên du thuyền đắt đỏ, chỉ dành cho khách quốc tế. Sau đó, khi tìm dịch vụ mới để trải nghiệm, họ nhận thấy ăn tối trên du thuyền 3 sao chỉ tốn vài trăm ngàn đồng, ăn tối trên du thuyền 5 sao chỉ tốn hơn 1 triệu đồng. Do đó, gần đây, lượng khách nội địa đặt chỗ trên du thuyền ngày càng nhiều hơn”.
|
Du khách quốc tế và trong nước trải nghiệm dịch vụ du thuyền trên sông Sài Gòn vào tối 18/7 - Ảnh: Quốc Thái |
Tuyến buýt đường sông chở khách từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Linh Đông (TP Thủ Đức) giúp chia sẻ áp lực giao thông cho các tuyến đường nội thành TPHCM vào các giờ cao điểm. Còn với du khách thì đây là tour du lịch sông nước có giá quá rẻ. Chị Thu Dung (quận 3) nói: “Chỉ 15.000 đồng/chặng mà được ngắm phố xá 2 bên bờ sông, vừa thú vị, vừa rẻ. Chỉ tiếc là ở các bến chưa có nhiều dịch vụ. Thêm nữa, tôi phải canh nhiều ngày mới mua được vé cho nhóm bạn đi vào sáng Chủ nhật đầu tháng Bảy vừa rồi”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông và marketing, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và Thương mại TST (TST Tourist) - cho hay, công ty đang triển khai 5 chương trình du lịch gắn với sông nước TPHCM. Ông đánh giá, tuyến đường sông qua TP Thủ Đức đang thu hút đông du khách nhất. Khách trong nước và quốc tế đều đánh giá cao tour ngắm sông Sài Gòn tuyến quận 1 - TP Thủ Đức.
Công ty Du lịch Bến Thành hiện đang thiết kế một số sản phẩm du lịch mới như chèo sup trên sông Sài Gòn và chèo sup xuyên rừng ngập mặn, kết hợp giữa tham quan, ngắm cảnh sông nước với hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe, giá từ 500.000 đến 1,1 triệu đồng/khách.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, TPHCM đang có khoảng 20 tour, tuyến du lịch đường thủy. Trong đó, tour ngắn có các tuyến từ bến Bạch Đằng đến Bình Quới, tour vừa (trung) có tuyến từ quận 1 đến huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Sở đang xây dựng các tour xa hơn, bằng cách liên kết với ngành du lịch các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ, đồng thời kết nối để đi tiếp từ tỉnh An Giang, Kiên Giang qua Campuchia. Tuyến TPHCM - Côn Đảo mới được chấp thuận gần đây, hứa hẹn thu hút đông du khách đi từ TPHCM ra huyện Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vẫn thiếu hạ tầng
Theo nhiều chủ doanh nghiệp du lịch, việc khai thác du lịch đường thủy của TPHCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Loại hình này mới chỉ đón hơn 340.000 lượt khách - con số quá nhỏ so với tổng số 3,4 triệu khách quốc tế và hơn 30 triệu khách nội địa đến TPHCM trong năm 2022.
UBND TPHCM đã có kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, trong năm 2023, Sở Du lịch TPHCM sẽ tổ chức chương trình lễ hội sông nước lần thứ nhất và làm mới các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến đang khai thác. Sở Du lịch cũng đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để đưa vào khai thác cầu cảng số 2, 3, 4 và cầu cảng B của cảng Ba Son để phát triển thêm các tàu nhà hàng, tàu lưu trú trên sông, tàu phục vụ du lịch. Hiện sở đang đề xuất UBND TPHCM cấp phép vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn ở quận 1 và 2 vị trí neo đậu trên sông ở huyện Cần Giờ để phát triển thêm các tuyến tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM |
Theo ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus) - nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ đường thủy rất lớn, nhất là buýt đường sông. Ngay như người dân TPHCM cũng không dễ mua được vé để trải nghiệm. Dịch vụ buýt sông đang “cung không đủ cầu” do hạ tầng (bến bãi, hệ thống mua bán vé) cho dịch vụ này chưa hoàn thiện.
Theo ông, chính quyền thành phố cần có quy hoạch hợp lý, đầu tư nhiều hơn vào bến bãi, đẩy mạnh đầu tư thuyền, ghe để phát triển du lịch đường thủy. Khi có nhiều bến, sẽ có thêm nhiều tour, tuyến kết nối các điểm du lịch bằng đường sông. Các nước như Anh, Hà Lan, Úc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc phát triển rất mạnh du lịch đường thủy, khai thác tối đa tiềm năng. Họ quy hoạch, xây dựng chuỗi cảng, bến, hạ tầng đồng bộ.
Ông An Sơn Lâm cũng cho rằng, UBND TPHCM cần sớm đưa bến Bạch Đằng trở lại làm cảng tàu, thuyền để phục vụ du khách, giúp cho việc thu hút khách quốc tế thuận tiện hơn. Năm 2015, UBND TPHCM quy hoạch lại bến bãi, đưa toàn bộ tàu lớn, du thuyền về bến hàng hóa (cảng Sài Gòn), gây nhiều hạn chế trong việc tiếp đón khách, khiến chi phí thuê chỗ đậu, điện, nước đắt đỏ hơn, hạn chế việc đa dạng hóa các loại phương tiện thủy.
“Trước đây, công ty tôi có gần chục tàu thuyền lớn nhỏ phục vụ du khách trên sông. Khi dời sang cảng Sài Gòn, nhiều tàu, thuyền không đạt như quy định, phải cắt giảm, bán lỗ. Tôi nghĩ, cần sớm khai thác trở lại bến Bạch Đằng để phát triển du lịch đường thủy, sửa sai cho gần 8 năm bỏ phí bến này” - ông An Sơn Lâm đề xuất.
Ngoài ra, theo chủ các doanh nghiệp du lịch, vệ sinh môi trường đường thủy của TPHCM quá kém, ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc du khách. Thêm vào đó, nếu so sánh với những nước có du lịch đường sông phát triển mạnh, dễ nhận thấy cảnh quan 2 bờ sông của TPHCM thiếu sức hút, chưa có nhiều công trình có kiến trúc đẹp, thiếu các chương trình lighting show (trình diễn ánh sáng) ấn tượng, thiếu các điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn. Để du lịch đường sông TPHCM phát triển, ngành du lịch cần phải đầu tư một cách bài bản, có chiến lược lâu dài, có tầm nhìn xa.
Quốc Thái