Là bởi, người ta còn có cái để kỷ niệm, mà… “hình thức”. Có người cực đoan cho rằng, du lịch di sản ở thành phố này chỉ bằng… con số không? Muốn làm du lịch di sản, nguồn lực di sản phải mạnh. Thế nhưng, với những gì đã xảy ra, đang xảy ra, lại khiến người ta ái ngại về một nguồn lực không được “cất tiếng nói” của mình.
Ngôi mộ hoang phế của học giả Trương Minh Ký
Từ bức ảnh và vài dòng tóm tắt để lại của sử gia người Anh - ông Tim Doling, tác giả cuốn Khám phá TP.HCM (Exploring Hồ Chí Minh City) trên nhóm Đài quan sát di sản Sài Gòn mới đây, tôi đi tìm ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký ở địa chỉ 143/49/1 - 143/49/2 Nguyễn Văn Nghi, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
|
Khuôn viên ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký tiêu điều
|
Ngôi mộ hoang phế, tiêu điều, nằm khuất phía sau một khu nhà trọ bình dân mà có người ở nhà mở khóa cổng, khách đến thăm mới vào được. Không một chỉ dẫn. Không một bảng hiệu nào để thấy rằng, đây là nơi chôn cất của một trong những học giả nổi tiếng của Việt Nam. Một cây sung lâu năm đổ cành, rạp xuống đất chắn ngang, dây leo quấn quanh, bịt kín cả lối đi. Để vào, khách phải chui xuống gần mặt đất, rẽ đám dây leo như rẽ sóng. Trên mặt đất, toàn rác là rác và mùi thối bốc lên, ngột ngạt.
Đi thêm mấy bước, chính là khuôn viên ngôi mộ. Nhìn những dấu tích kiến trúc còn sót lại, có thể hình dung, khuôn viên này trước đây được xây rất đẹp. Thế nhưng, cảnh tượng trước mặt là một đống đổ nát, điêu tàn, đến bậc thang bước lên mộ cũng không còn, muốn lên phải nhảy hoặc trèo. Người ta còn đổ một đống vải vụn một bên phần mộ. Văn bia chỉ còn đôi dòng sơ sài: “Mộ ông kho bạc Trương Minh Ký hưởng thọ 62 tuổi - từ trần ngày 2/6 năm Bính Ngọ nhằm ngày 10/7/1900”. Xung quanh là gạch vụn, lá khô, lư hương vỡ, ẩm ướt.
Không chỉ sinh ra trong dòng tộc Trương Minh có nhiều người tài giỏi, có công với đất nước, bản thân ông cũng được ghi vào Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (gồm danh tướng Trương Minh Giảng, ông Trương Minh Đạt, tức hòa thượng Thích Thiện Hào), ông Trương Minh Ký còn là học trò của học giả Trương Vĩnh Ký, từng đảm nhiệm chủ bút tờ Gia Định báo một thời. Ông chính là một trong những người Việt Nam sử dụng chữ quốc ngữ sớm nhất trong việc trước tác, nghiên cứu. Các tác phẩm của ông đã đóng góp không nhỏ đối với nền văn học quốc ngữ Việt Nam giai đoạn đầu.
|
Phần mộ của học giả Trương Minh Ký giữa đống đổ nát, điêu tàn |
Với một học giả có vị trí quan trọng như thế, lẽ ra, sau khi mất, ông nên được “đối xử” một cách có văn hóa hơn. Thế nhưng, những gì đang bày ra trước mặt, đã tố ngược trở lại rằng, những gì chúng ta đã làm, chỉ là một sự vô ơn đối với bậc hiền tài lỗi lạc một thời của dân tộc. Trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, được cập nhật mới nhất vào tháng 3/2017 trên trang website của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đơn vị này mới đề nghị lập hồ sơ di tích lịch sử đối với đền thờ họ Trương và mộ ông Trương Minh Giảng (82/5 Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp), không hề nhắc đến phần mộ của ông Trương Minh Ký dù trước đó, nó thuộc danh mục kiểm kê di tích của thành phố. Mà bây giờ, nếu có muốn lập hồ sơ di tích cũng khó… vì đổ nát hết rồi, còn gì đâu mà giữ?
TP.HCM chỉ có nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố…?
TP.HCM chỉ có Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… đó là suy nghĩ của không ít người khi đến với thành phố này. Thậm chí, có người còn cho rằng, đây là điểm đến một đêm, điểm trung chuyển để đi những nơi khác. Tour du lịch quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những nơi đó, cao cấp hơn thì đi xem… “À ố show”.
Trả lời báo chí nhân dịp ra mắt cuốn sách Exploring Hồ Chí Minh City, sử gia Tim Doling, thường tổ chức các tour đi bộ khám phá di sản ở TP.HCM từng rất ngạc nhiên khi có người nói “TP.HCM chẳng có gì để xem cả”. Với ông, đây là nơi “có nhiều thứ để kể hơn thế nữa”. Là một trong những thành phố cổ nhất thời thực dân, ở đây không chỉ có di sản của người Pháp để lại mà còn có rất nhiều di sản của người Việt như đền, chùa, đình, nhà thờ, các nhà cộng đồng người Hoa. Điều đó lại không có trong các cuốn sách về du lịch; trong khi đó, sự hiểu biết chưa đầy đủ của những người làm công tác du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên như một lực cản, thậm chí nhiều người trong số họ không biết có nhiều di sản vẫn đang nằm trong lòng thành phố này.
Ngoài những di sản phi vật thể như cải lương, đờn ca tài tử, hát bội… với hơn 170 di tích đã được xếp hạng và nhiều di tích chưa được xếp hạng, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch di sản của Việt Nam nếu biết khai thác. Thế nhưng, để khai thác du lịch di sản, nguồn lực di sản phải mạnh. Song, ngoài một số công trình được bảo vệ, quan tâm, phần nhiều công trình đang trong tình trạng “dở khóc dở mếu”, có không ít công trình đứng trước đe dọa xóa sổ hoàn toàn.
|
Dinh Thượng thư - một ví dụ điển hình về văn hóa ứng xử với di sản đô thị Sài Gòn |
Theo bạn Nguyễn Ngọc Khôi, một trong những điều phối viên của Đài quan sát di sản Sài Gòn, nơi tập hợp hơn 4.000 thành viên yêu di sản, “Luật Di sản văn hóa phải đầy đủ thì người ta mới nhận thức đúng về di sản. Hiện nay, luật có những điểm bất cập”. Khôi cho rằng, Luật Di sản văn hóa hiện nay mới chỉ chú trọng di sản văn hóa, những di sản truyền thống; những di sản thời Pháp, thời Mỹ chưa được nhìn nhận đúng hết giá trị của nó. Chưa kể, như thế nào được xếp vào di sản cấp 1, cấp 2, chưa thực sự rõ ràng và thống nhất.
Từ những chia sẻ của các thành viên, Đài quan sát di sản Sài Gòn đã lập được danh sách hơn 300 ngôi nhà cổ hiện nay, cần đưa vào diện bảo tồn. Nguyễn Ngọc Khôi nói, nhà cổ cũng là một nguồn lực, nhưng sử dụng, kết nối như thế nào để đưa vào khai thác du lịch, phải tùy thuộc vào cung đường. Hay nếu muốn làm một tour về di sản kiến trúc, đi từ xưa tới nay, cần những gì, những người thiết lập tour cần hiểu những gì… đó cũng là một vấn đề lớn. Hiện nay, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên này đang “lủng”, nghĩa là kiến thức về di sản còn ở mức hạn chế.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - đã đưa ra một lưu ý về vấn đề phát triển bền vững trong tương quan với bảo tồn di sản. Hiện nay, sự "tăng trưởng nóng" di sản (cả di sản vật thể và phi vật thể) không thể "cất tiếng nói", những giá trị truyền thống không được nhận diện thì mối liên hệ về văn hóa cũng như ký ức cộng đồng trở nên lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Ông Michael Croft cho rằng, các nhà quản lý, phải làm thế nào để lồng ghép, tính đến những quan ngại đó trong quá trình phát triển kinh tế.
TP.HCM là thành phố có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước. Nhưng phía sau những tòa nhà cao chọc trời, phía sau những tiện nghi bóng láng, vẫn còn đó bóng dáng một thành phố chứa trong mình những trầm tích cũ, không chỉ về lịch sử, con người mà còn ở những giá trị nhân văn kiến tạo nên nó. Trong câu chuyện du lịch di sản này, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch TP.HCM đã làm gì, để khi nhắc đến thành phố này, người ta nghĩ, di sản chỉ là… con số không tròn trĩnh?
Hội thảo khoa học phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn thành phố sẽ được tổ chức vào sáng 22/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM. Sau hội thảo này, sẽ là bao nhiêu hội thảo khác, bao nhiêu đề án được đưa ra bàn luận? Không biết được. Và ai mà biết được, ngay khi đang diễn ra cuộc hội thảo này, ở một nơi nào đó trong thành phố này, một di sản nữa đang bị lãng quên, đang bị phá bỏ?!
Đậu Dung