Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, cả nước đón khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ). Việt Nam xem du lịch là ngành công nghiệp không khói trọng điểm với nhiều chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đây cũng là vấn đề được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đề cập trong quyển sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”.

Cùng bàn về vấn đề này, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM.

CHẠY THEO SỐ ĐÔNG,

NGUY CƠ PHÁ HỦY HỆ SINH THÁI

Phóng viên:Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” khiến tôi nghĩ đến hiện tượng “phản đối sự phát triển du lịch quá mức” ngày càng lan rộng ở các nước như: Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý)... Xin ông cho biết quan điểm của mình?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang:Người ta thường ca ngợi du lịch là ngành công nghiệp không khói, ít để lại tác động tiêu cực so với những ngành khác. Nhưng đây là một quan niệm sai.

Over-tourism đã tạo ra hệ lụy lớn cho môi trường, xã hội mà rất nhiều quốc gia nhận thấy và đang có những hành động cấp thiết.

Đã đến lúc chính quyền, du khách, các công ty du lịch… cần hiểu rõ hơn về vấn đề này và tích cực tìm giải pháp.

Có thể xem du lịch theo trào lưu, chạy theo số đông để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội (MXH) là “bệnh” của thời đại công nghệ?

Chạy theo trào lưu, số đông để chụp ảnh đăng lên MXH khiến chúng ta đánh mất ý nghĩa của du lịch. Du lịch là để đi đây đó, khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới, làm giàu thêm đời sống tinh thần.

Chúng ta nhớ những cuộc gặp gỡ với những con người ở những vùng miền khác, nền văn hóa khác, những phong cảnh đặc trưng hoặc những di tích giàu tính lịch sử, đậm dấu ấn thời gian…

Bây giờ, dường như du lịch đã trở thành cuộc đua tiêu dùng để thi thố, khoe với người xung quanh, tương tự như mua một đôi giày hay sắm điện thoại mới.

Những trào lưu săn view, săn mây trở thành mục đích duy nhất, quan trọng nhất của một chuyến đi.

Những điểm đến bỗng dưng nổi tiếng như một hòn đá, cái cây chẳng liên quan gì đến lịch sử, văn hóa của một vùng đất, nhưng người ta theo trend mà ùn ùn kéo tới để tự sướng.

MXH thúc đẩy tâm lý hơn thua, phải đi cho bằng được điểm đến đang “hot”, nếu không sẽ bị cho là tụt hậu.

Người ta dửng dưng với bản sắc của địa phương họ đến, thậm chí còn thích thú khi chúng trở thành những địa danh vô hồn chỉ để đáp ứng như cầu sống ảo trên MXH.

Các cầu thang lên trời, bàn tay khổng lồ, chiếc xích đu, những trái tim đang bện vào nhau, những homestay được trang trí giống nhau… xuất hiện ở khắp nơi.

Người ta không còn phân biệt được đâu là ảnh chụp ở Bali, Phú Quốc hay Sapa. Nơi chốn ấy trở thành phông nền để họ trình diễn bản thân.

Nhìn rộng ra, chúng ta đang bị khao khát câu view dẫn dắt. Người ta có thể bịa ra những câu chuyện lâm li bi đát, sai lệch, giật gân.

Bìa quyển sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”

Bìa quyển sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”

Theo ông, làm thế nào để thưởng thức thiên nhiên đúng cách?

Cần bắt đầu từ nhận thức của mỗi người. Để xa rời việc ăn nhiều món béo, ngọt, thì trước tiên ta cần nhận ra chúng mang đến nhiều khoái cảm nhưng không tốt cho sức khỏe. Từ đấy, ta có động lực để ăn nhiều rau hay đồ thực dưỡng. Thoạt đầu,ta sẽ không thấy thích, nhưng kiên trì, ta sẽ thay đổi.

Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi vòng vây của smartphone, MXH với nhận thức là sử dụng chúng ở mức độ như hiện nay là không tốt. Rồi ta có những cam kết cho bản thân mỗi ngày bao nhiêu tiếng không chạm đến điện thoại, không lên MXH, hoặc ta tham gia các hoạt động mà ở đó không có điện thoại trong 5, 7 ngày.

Rồi ta học cách chú tâm vào những điều bình dị nhất quanh ta, đón nhận mọi thứ như lần đầu thấy chúng. 

Tôi ý thức được sự cám dỗ của việc luôn online, nên điện thoại của tôi không cài các phần mềm như e-mail, Facebook, Messenger. Tôi chỉ tiếp cận những nội dung này khi có laptop.

Với thế hệ Z, Alpha sinh ra trong thời đại công nghệ, có dễ để tách khỏi việc online?

Theo quan sát của tôi, người check-in và selfie nhiều nhất ở tuổi trung niên. Vậy nên đây không phải là vấn đề của riêng giới trẻ.

Giáo dục từ gia đình và nhà trường rất quan trọng. Xã hội cần ý thức sẽ tổn thất tinh thần lớn cho người trẻ nếu họ không có đủ tĩnh lặng và chú tâm thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời đầy sao. Xã hội cần ý thức chúng ta đang là nô lệ của công nghệ, thay vì ngược lại.

“KHO BÁU” CHÍNH LÀ THIÊN NHIÊN HOANG SƠ

Ông có thể chia sẻ cụ thể hệ lụy của over-tourism?

Những vùng thiên nhiên hoang sơ mang giá trị sinh thái và văn hóa độc đáo bị khai thác, xâm lấn quá mức để phục vụ cho việc sống ảo. Những không gian sống của người dân bản địa chịu áp lực nặng nề khi phải thích nghi với nhu cầu của du khách. Các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan vốn gắn bó với đời sống, lịch sử của người dân dần bị thương mại hóa và bị thay thế bởi những hình thức giải trí thời thượng, những phim trường lòe loẹt…

Đấy là chưa kể đến việc kết cấu xã hội trong cộng đồng bị phá vỡ. Đã xảy ra không ít mâu thuẫn giữa phát triển du lịch với đời sống của cư dân hay mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng du lịch với bảo vệ cảnh quan tự nhiên, văn hóa bản địa.

Khó khăn trên con đường tiến tới du lịch bền vững tại Việt Nam nằm ở áp lực tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thể học gì từ các nước?

Để giảm tác hại đến môi trường, tôi tán thành việc thu phí, thu thuế môi trường, hạn chế du khách đến những nơi du lịch đại trà khiến trải nghiệm của du khách méo mó, không còn ý nghĩa, như một số quốc gia đã thực hiện.

Tôi thích cách khai thác du lịch của Bhutan. Du khách muốn tới Bhutan phải trả chi phí cao, qua đó, họ giảm được du khách đến mỗi năm mà vẫn có lượng thu nhất định. Họ làm vậy để giữ Bhutan cho những thế hệ tiếp theo. Đấy là một hướng đi đúng.

Anh khiến tôi nhớ đến năm 2023, khi chính quyền thành phố Hội An quyết định bán vé vào tham quan phố cổ đã vấp phải không ít phản đối…

Vì ý thức về những hệ lụy như chúng ta vừa đề cập chưa cao, nên không ngạc nhiên khi số đông phản đối chính sách này. Vậy nên, bước đầu Việt Nam cần làm là nâng cao nhận thức rồi mới áp dụng những phương thức các nước đã làm. Áp dụng thế nào, nhiều hay ít, chọn phương pháp nào thì lắng nghe góp ý và tùy tình hình từng địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta phải thống nhất với nhau, hiện trạng du lịch như hiện nay là không bền vững. Tại Phú Quốc, nạn thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng. Ở Sapa, Cát Bà cũng vậy. Truyền thông Việt Nam hiếm khi đề cập những vấn đề này để công chúng hiểu rõ hơn về những hệ lụy của nó.

Theo ông, ở Việt Nam có địa phương nào đang có hướng phát triển du lịch bền vững cần nhân rộng?

Quảng Bình đang có hướng phát triển phù hợp. Người ta không xây những công trình nhân tạo khổng lồ như Bà Nà Hill, Fansipan hay Phú Quốc. Họ giữ nguyên cảnh quan, phát triển du lịch mạo hiểm. Hạ tầng dịch vụ do người dân địa phương chứ không phải do các tập đoàn lớn cung cấp, cộng đồng bản địa trực tiếp được hưởng lợi. Nếu mô hình này được phát huy, đây sẽ là minh chứng cho thấy, không cần phải đập bỏ, phá hủy thiên nhiên, dựng lên những khu vui chơi, mua sắm khổng lồ mới thu hút được du khách. “Kho báu” chính là thiên nhiên nguyên sơ.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp Kỹ sư Tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Ông là tác giả của một số tựa sách tiêu biểu: Bức xúc không làm ta vô can; Thiện, Ác và Smartphone; Điểm đến của cuộc đời; Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ; Đại dương đen

Chia sẻ bài viết: