*Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM
Nhìn lại năm 2020, một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, ngành du lịch vẫn không “ngủ đông” mà chủ động ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng các giải pháp, những sản phẩm để kích cầu trở lại ngay khi có thể.
Du lịch trụ vững được là nhờ sức mạnh của sự đồng lòng. Có thể thấy rõ, trong khó khăn các doanh nghiệp trong ngành gần nhau hơn, liên minh nhiều hơn, và chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng liên kết nhiều hơn. Du lịch đã liên kết đến 41 tỉnh thành khắp vùng miền trong cả nước nhờ vậy mà thế và lực mới cho du lịch nội địa được hình thành.
Đặc biệt, du lịch đã có nhiều giải pháp để cơ cấu lại thị trường nội địa với nhiều phân khúc khác nhau. Tôi cho rằng, đây là cơ hội vàng để chúng ta chăm chút, đầu tư cho thị trường nội địa và sẽ tạo bước đà bứt phá khi du khách quốc tế quay trở lại.
*Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST
Điều mà ngành du lịch Việt Nam cần đặt trọng tâm lúc này là tập trung trau dồi và bổ sung nguồn nhân lực hiện có. Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón đầu du lịch toàn cầu, khi là một trong những quốc gia được đánh giá là an toàn trước, trong và sau đại dịch. Câu hỏi đặt ra, nếu như Việt Nam trở thành một quốc gia an toàn để du khách quốc tế trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhân lực du lịch của chúng ta lúc đó có còn đủ mạnh để đón khách?
Điều hiện nay chúng tôi quan tâm, là song song với việc định hướng liên kết tạo nên các sản phẩm cho du lịch Việt Nam, Chính phủ nên có các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên có những nghiên cứu để tạo điều kiện, động lực, định hướng cho DN và người lao động trong ngành du lịch.
*Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc công ty Vietravel Holdings
Tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới trong giai đoạn khủng hoảng - bài học mà nhiều doanh nghiệp du lịch đang áp dụng hiệu quả. Thực tế, khó khăn tạo ra cơ hội để đổi mới và đột phá. Doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác trong ngành, cũng như đa dạng hóa thêm các mảng kinh doanh khác bổ trợ nhau trong toàn hệ thống để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn (triển khai các mảng dịch vụ, đào tạo, thương mại...).
Đơn cử như Vietravel, chúng tôi vẫn bám sát định hướng chiến lược thông qua việc triển khai đúng tiến độ ra đời hãng hàng không Vietravel Airlines nhằm tạo thêm nguồn lực mới, đa dạng hóa kinh doanh và tạo bước đột phá mới trong ngành. Chúng tôi tin rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng, khó khăn và thiệt hại là không nhỏ, nhưng vẫn có những cơ hội mới nhằm nắm bắt, trụ vững để phát triển đột phá.
*Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương
Thị trường năm 2021 dự kiến sẽ tương tự năm 2020, ít nhất là cho đến khi các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại.
Trải qua một năm khó khăn, hầu hết các khách sạn đã và đang thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Một số điểm đến như Phú Quốc hoặc Vũng Tàu có kết quả hoạt động khá tích cực, đặc biệt trong tháng 12 và tháng 1 vừa qua, khi nhu cầu du lịch từ nguồn khách địa phương và doanh nghiệp tăng đáng kể.
Các khách sạn thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng nhu cầu từ tổ chức hội nghị hội thảo (MICE) khi các doanh nghiệp khôi phục dần hoạt động kinh doanh. Bên cạnh các chương trình du lịch tại chỗ (staycation), một số khách sạn thành phố chú trọng hơn về mảng dịch vụ ăn uống F&B như một điểm nhấn để thu hút và khai thác khách hàng mới, thay vì chỉ tập trung khai thác hoạt động này để phục vụ nhóm khách lưu trú như trước đây. Đây là điểm sáng trong bức tranh du lịch Việt Nam năm ngoái, cũng là cơ sở cho những kỳ vọng tốt đẹp năm tới.
*Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam
Trong năm 2021, du lịch quốc tế chắc chắn chưa sớm trở lại, vì dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên toàn cầu. Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới cuối quý 3, 4 của năm 2021 du lịch mới khởi sắc hơn. Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam phải luôn chủ động, tính trước các kịch bản để phục hồi ngành du lịch, tập trung vào bốn nhóm vấn đề.
Thứ nhất, vừa là sức ép vừa là cơ hội, du lịch Việt Nam cần cơ cấu lại ngành theo xu hướng thích ứng với bối cảnh “bình thường mới” sau COVID-19. Tức là tạo ra những cơ hội mới, đổi mới với nguồn vốn đầu tư, công trình và dịch vụ du lịch, liên kết… Sự đổi mới của toàn ngành hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, an toàn cho mọi người, lấy người dân, du khách là trung tâm.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả, đồng bộ quá trình chuyển đổi số trong du lịch. Chính sau COVID-19, yêu cầu đặt ra trong việc chuyển đổi số đòi hỏi DN đầu tàu phải tích cực và chủ động.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp công - tư. Ngoài yếu tố tài chính, văn hóa dân tộc cần được phát huy, đầu tư từ khu vực tư nhân để tạo nên bản sắc riêng cho du lịch Việt Nam.
Cuối cùng, là tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa các vùng miền để tạo ra những chuỗi cung ứng mới. Theo đó, các vùng miền có sự khác biệt, nhưng khi kết nối với nhau, nhờ ứng dụng công nghệ sẽ tạo nên sự hoàn hảo về chuỗi cung ứng du lịch.
Bốn nhóm vấn đề này sẽ được cụ thể hóa thành chương trình hành động của từng địa phương, cũng như ngành du lịch nói chung. Đồng thời, tạo sự lan tỏa cho các ngành, nghề lĩnh vực khác. Sự phục hồi của du lịch sẽ châm ngòi phát triển cho toàn ngành kinh tế.
Quốc Thái