Du ký, điều tra và ký ức tuổi thơ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

21/04/2019 - 15:00

PNO - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vừa ra mắt độc giả cùng lúc ba tập sách: 'Ở lại với ngàn sao' (du ký), 'Trong tận cùng hang ổ' (phóng sự điều tra) và 'Búi thông thơ dại' (truyện dài).

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng được biết đến là cây phóng sự và là nhà báo điều tra nổi tiếng. Nhưng nhiều người chưa biết anh còn là tay viết bút ký, văn xuôi. Anh vừa ra mắt độc giả cùng lúc ba tập sách: Ở lại với ngàn sao (du ký), Trong tận cùng hang ổ (phóng sự điều tra) và Búi thông thơ dại (truyện dài).

Du ky, dieu tra va ky uc tuoi tho cua nha bao Do Doan Hoang
 

1. Trong cuốn du ký Ở lại với ngàn sao, ngoài “dữ liệu” về lịch sử, địa lý cung cấp cho độc giả, tác giả còn như đang dắt tay người đọc cùng tham dự những chuyến đi vòng quanh trái đất của mình. Không đơn thuần là những trải nghiệm "tôi đi" – "tôi thấy" ở mỗi vùng đất mới, trong cuốn du ký này, tác giả đã hoà vào thiên nhiên, sống trọn với thiên nhiên bằng tất cả giác quan, trọn vẹn từng khoảnh khắc, ngay cả trên… miệng núi lửa Bromo (Indonesia).

“Phía trên bình minh là đầu của cột khói nóng, khi trắng lốp, khi đen kịt từ mặt đất lên đỉnh trời. Cột khói to đến mức, trùm kín tầm mắt của người ta. Từ hàng triệu năm rồi, núi lửa này vẫn phun khói ùng ục, hứng lên khạc lửa lốp bốp và tro bụi mênh mông. Vùi lấp núi non làng mạc. Việc giận dữ hay các khúc hoan ca ồn ã kia của núi lửa đã làm thay đổi địa hình địa vật, cỏ cây và cả lối sống của con người ta sở tại”- anh viết.

Du ky, dieu tra va ky uc tuoi tho cua nha bao Do Doan Hoang
 

Hay ở châu Âu, là những chuyến xe tự lái xuyên quốc gia, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường theo đúng nghĩa. Ở đó, con người thực sự hoà vào thiên nhiên, trở thành văn hoá sống ngoài trời: Đêm, dựng lều ngủ trên núi tuyết, chốc chốc lại nhoàng dậy rũ mình như con gà rũ nước xem mình đã đóng băng chưa. Có khi, ở vùng đất nằm giăng giữa hai thềm lục địa – Istanbul, khiến người ta buộc phải vội vã với các dòng xe cộ cuồn cuộn và đôi khi bừa phứa kiểu đặc trưng Á châu của mình.

2. Phóng sự, đặc biệt là phóng sự điều tra đã làm nên tên tuổi Đỗ Doãn Hoàng trong làng báo. Tác giả "tự sự", rằng anh từng “xoay 180 độ” từ những bút ký, phóng sự đậm chất văn chương (thậm chí cả truyện ngắn) sang làm điều tra vì câu “đánh thức” của một nữ nhà văn nổi tiếng: “Cháu trẻ khỏe, viết cái gì mạnh mẽ và có tính chiến đấu. Cho ngòi bút nó nam tính được không?”. Anh “ngộ” ra, thước đo phẩm cách của một ngòi bút phải là anh đã làm được gì cho một xã hội tốt đẹp hơn, chứ đừng múa chữ múa văn làm gì. Và anh xác định: “Cần phải đo đếm được tác động xã hội tích cực của mỗi bài phóng sự điều tra”.

Du ky, dieu tra va ky uc tuoi tho cua nha bao Do Doan Hoang
 

Trong tận cùng hang ổ, có một dòng sông Hiến cấp nước ăn cho 7 vạn dân thành phố Cao Bằng bị đầu độc bởi thủy ngân và cyanua từ các công ty khai thác vàng sa khoáng. Chuyện buồn bên dòng sông chết, Thị xã bị đầu độc, Các công ty vàng thách thức cơ quan bảo vệ Pháp luật tỉnh Cao Bằng liên tiếp được ra đời. Rồi ăn dầm ở dề trên núi và trong hang sâu tăm tối để viết chùm bài khác: Bới tung rừng Phia Oắc. Sau đó, trong một tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan hữu trách, ra hai công văn về hai loạt bài đó, yêu cầu các bộ ngành và UBND tỉnh Cao Bằng quyết liệt chấn chỉnh và khẩn cấp báo cáo.

Trong tận cùng hang ổ, còn cả một loạt bài vạch mặt các dấu hiệu bảo kê và vô cảm sau các hang ổ thực phẩm bẩn: Dân bị đám người sấp mặt vì tiền lừa ăn thịt chuột cống ra sao, họ tống mỡ thối, thịt lợn chết vào mồm đồng loại của họ như thế nào; rượu độc làm từ cồn công nghiệp pha lẫn nước ao và hóa chất độc hại tới mức nào… Trong tận cùng hang ổ, có khi là “cuộc chiến” với sự tắc trách của địa phương, để đòi lại sự thật “người hùng trận mạc”. Cùng với sự chung tay của những người tôn trọng hiện thực, “người hùng trận mạc” đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân sau mấy chục năm bị “bỏ quên”…

3. Búi thông thơ dại là một cuốn sách đặc biệt – đã từng được độc giả biết đến năm 2006. Truyện dài đó, theo tác giả, có đến 99% là hiện thực tuổi thơ của anh, còn 1%, anh không dám nhận là hiện thực bởi có thể thời gian đã khiến nó thiếu phần chính xác.

Không quá dụng công về kỹ thuật hay ngôn từ với truyện dài này, tác giả lôi cuốn người đọc bằng chính những câu chuyện sinh động, hồn nhiên, trong trẻo; qua lời kể chân thành, mộc mạc của mình.

Du ky, dieu tra va ky uc tuoi tho cua nha bao Do Doan Hoang
 

Một cậu bé còi cọc, quanh năm ăn sắn, ăn khoai – chỉ những củ khoai sọ nào bắt đầu bị thối mới được lôi từ gậm giường ra, gọt vỏ, bỏ vào nấu suông – mà phải thay bà, thay mẹ quản hai đứa em lít nhít. Tuổi thơ lấm lem, “chết hụt dưới trằm châm”, “những đêm đánh trộm” hay ký ức “chạy giặc lửa của người Mán”… hiện lên giữa những đồi chè tít tắp. Đồi chè ấy là máu và nước mắt của mẹ và bà ngoại tác giả đã đổ trong những ngày khai hoang.

Những câu chuyện về người bà của anh là những trang viết đặc biệt nhất. Một người bà lam lũ, khắc khổ, bất hạnh hiện lên qua giọng văn tông tốc kể như bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng, chỉ vài trang cuối, khi “hàng năm cứ 30 Tết, mẹ lại lặng lẽ làm giỗ cho bà” thì mọi cảm xúc như dồn nén, giấu giếm ban đầu bỗng vỡ oà, tác giả như đang lặng lẽ khóc cho tất cả những gì đã diễn ra. Ở đó, là hoang hoải về số phận, về kiếp người. Ở đó có một nỗi nhớ, có một tình yêu thương đã trở thành ám ảnh.

Ở lại với ngàn sao, Trong tận cùng hang ổ, Búi thông thơ dại do nhà xuất bản Thông Tấn, nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty sách Liên Việt phát hành.

N.M.T

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI