Dùng bằng giả mở hai phòng khám răng
Nhớ lại vụ bác sĩ giả mở một lúc hai phòng khám nha khoa, một cán bộ ở Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Ông Nguyễn Bá Ngọc có bằng bác sĩ, có chứng chỉ hành nghề và là giám đốc phòng khám nhưng lại thuê người khác đứng tên chuyên môn kỹ thuật là điều bất thường. Với kinh nghiệm thanh tra của mình, tôi nghi ngờ có thể văn bằng, chứng chỉ này là giả nên đã tạm giữ để xác minh. Kết quả, đúng là ông Ngọc làm giả cả bằng bác sĩ lẫn chứng chỉ hành nghề”.
Trước đó, đoàn thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Phòng Y tế huyện Long Thành đã kiểm tra cơ sở nha khoa Gold Sài Gòn (khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tại thời điểm kiểm tra (29/7), cơ sở này đang mở cửa hoạt động, ông Đào Thái Xương - nhân viên phòng khám - đang khám cho bệnh nhân, còn ông Đỗ Viết Đại - người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám - lại vắng mặt. Ông Nguyễn Bá Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Nha khoa Gold Sài Gòn - đã trực tiếp làm việc với đoàn.
Qua làm việc nhiều ngày với Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Bá Ngọc - sinh năm 1986, thường trú tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - thừa nhận, bằng tốt
Với lỗi vi phạm “sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề” của Phòng khám Nha khoa Gold Sài Gòn, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt cơ sở này 50 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong vòng 4 tháng rưỡi (từ ngày 10/8 - 25/12/2020), đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang Phòng PA03 Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra, xử lý.
|
nghiệp y khoa và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đều là giả, gồm bằng bác sĩ răng hàm mặt, tốt nghiệp loại khá, số hiệu 026579, số vào sổ cấp bằng 02/307/RHM-06 do Trường đại học Y Dược TPHCM cấp ngày 22/10/2011 và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh số 003683/HCM-CCHN, phạm vi hoạt động chuyên môn là khám, chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt do Sở Y tế TPHCM cấp ngày 10/9/2014.
Đoàn đã tạm giữ giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh số 1746/ĐNAI-GPHĐ do Sở Y tế Đồng Nai cấp ngày 30/12/2019 (kèm danh mục kỹ thuật) và một số phiếu điều trị, đồng thời mời chủ cơ sở và người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đến Phòng Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai làm việc. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Viết Đại nói, ông có bằng y sĩ răng - hàm - mặt nhưng hiện chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn ông Đào Thái Xương cũng không có chứng chỉ hành nghề.
|
Một bằng bác sĩ vừa được trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xác định là bằng giả - Ảnh: H.N. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù sử dụng bằng và chứng chỉ hành nghề giả nhưng ông Nguyễn Bá Ngọc lại mở thêm một phòng khám Nha khoa Sài Gòn Lộc Thắng tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi xác nhận vụ việc, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã gửi thông báo cho Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng biết để xử lý, đồng thời cũng gửi thông báo đến sở y tế 62 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Mang bằng giả đi xin việc thật
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) vừa có văn bản xác minh một trường hợp giả mạo bằng bác sĩ để đi xin việc. Theo đó, tháng 9/2020, ông N.P.L. - sinh năm 1993 - đến một doanh nghiệp ở quận 1, TPHCM nộp hồ sơ xin việc làm. Để chứng minh chuyên môn, ông L. nộp cho bộ phận tuyển dụng một bằng bác sĩ tốt nghiệp loại khá do Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp ngày 8/11/2019. Thấy bằng cấp có một số dấu hiệu đáng ngờ, nghi làm giả nên công ty đã làm văn bản đề nghị nhà trường phối hợp xác minh.
Qua xác minh, ông L. không có tên trong danh sách được cấp bằng khóa 25, niên khóa 2013-2019, cũng không có tên trong danh sách đã tốt nghiệp. Ngoài ra, chữ ký dưới văn bằng không phải là mẫu hợp lệ do nhà trường quy định. Như vậy, bằng tốt nghiệp bác sĩ của ông L. là giả.
Trước đó, cuối tháng 6/2019, khi kiểm tra nhân sự tại Phòng khám đa khoa Đại Phước ở H.Nhơn Trạch, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phát hiện hồ sơ của bà T.X.N. - 42 tuổi, thường trú tại TPHCM, phụ trách chuyên môn Phòng Chẩn đoán hình ảnh của phòng khám - có vấn đề về bằng cấp, nên đã xác minh.
Cụ thể, trong hồ sơ, bà N. khai tốt nghiệp y đa khoa tại Trường đại học Y Dược TPHCM (số hiệu 191/Y96, cấp ngày 10/10/2002), bằng chuyên khoa 1 do Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp (số hiệu B0033967). Ngoài ra, bà N. còn có chứng chỉ hành nghề số 001936/BRVT-CCHN do Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 13/2/2014 và giấy chứng nhận số 858/GCN do Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp ngày 29/8/2008 cho khóa đọc CT - Scanner tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh (thời gian học từ ngày 4/6/2008 - 4/9/2008).
Tuy nhiên, phía Trường đại học Y Dược TPHCM cho biết, bà T.X.N. không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10/10/2002. Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xác nhận, đơn vị này có cấp bằng chuyên khoa 1 chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, giấy chứng nhận siêu âm tim cho bà N., nhưng do bà N. không trung thực trong hồ sơ đăng ký học (sử dụng bằng tốt nghiệp giả của Trường đại học Y Dược TPHCM) nên trường sẽ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng và giấy chứng nhận trên.
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bà N. khai nhận, sau khi có bằng đại học y khoa giả, bà đã đi xin việc ở nhiều địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mua bằng dễ, phát hiện khó
Theo bác sĩ Lê Quang Ánh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - rất khó phát hiện bằng cấp giả. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh, để đi vào hoạt động, phải có đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động lần đầu. Tất cả người làm việc của phòng khám đều phải có mặt và mang theo bản chính các văn bằng, chứng chỉ để đoàn thẩm định kiểm tra, đối chiếu với bản sao.
Tuy nhiên, kỹ thuật làm bằng giả ngày càng tinh vi nên đoàn thẩm định cũng khó phát hiện. Hơn nữa, có rất nhiều nơi đào tạo cấp bằng, mỗi nơi lại có mỗi loại bằng khác nhau. Theo quy định, các cơ sở y tế đang hoạt động có quyền bổ sung nhân sự và gửi bản sao văn bằng, chứng chỉ có công chứng cho sở y tế nên càng khó phát hiện văn bằng, chứng chỉ giả.
“Việc đăng ký bổ sung người hành nghề tại các cơ sở y tế bằng cách gửi bản sao công chứng văn bằng và chứng chỉ hành nghề như hiện nay dễ để lọt những trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai sẽ ban hành quy định phải có bản chính để đối chiếu với bản sao” - bác sĩ Ánh nói. Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hai trường hợp sử dụng bằng giả và một trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề giả.
“Nghề y liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên thời gian đào tạo dài hơn các ngành nghề khác, người học cũng phải vất vả hơn nhiều. Nhiều người không muốn học hoặc không đủ trình độ để học nhưng lại muốn kiếm tiền bằng nghề này nên đã mua bằng giả. Trong khi đó, việc mua bằng giả hiện nay lại quá dễ dàng, thậm chí bên bán rao công khai trên các trang mạng xã hội” - bác sĩ Ánh nhận định.
|
Ông Nguyễn Bá Ngọc dùng bằng bác sĩ giả, giấy chứng nhận hành nghề giả để mở Phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt Gold Sài Gòn |
Giá mỗi bằng bác sĩ giả chỉ 3,2 triệu đồng
Hiện nay, chỉ cần gõ trên google từ khóa “làm bằng cấp”, sẽ ra kết quả hàng trăm địa chỉ nhận làm bằng cấp giả siêu tốc. Trên trang nhanlambangxxx.net, người đàn ông tên Cường giới thiệu mình nhận làm bằng cấp “giao trong ngày” ở TP. Hà Nội và TPHCM. “Chỗ anh chuyên làm bằng trung học phổ thông có học bạ, mua bằng có hồ sơ gốc tại trường, phôi bằng được làm trên chất liệu giấy chuẩn, tem chuẩn bảy màu sáu cánh, con dấu được đóng trực tiếp bằng tay, giá chỉ 1 triệu đồng thôi” - Cường nói. Về bằng bác sĩ, Cường cho biết, có thể nhận làm bằng giả của tất cả các trường đại học theo phôi chuẩn, khách hàng chỉ cần gửi thông tin thì trong vòng hai ngày, sẽ nhận bằng mà không cần đặt cọc trước.
Ngày 29/9, lần theo số điện thoại trên trang lambangxxxhcm.com, chúng tôi liên hệ với một người đàn ông tên Lê Nguyễn. Ông này cho biết, có thể làm mọi bằng cấp, khách hàng nhắn tin qua Zalo hoặc để lại thông tin trên trang web, “công ty” sẽ làm bằng ngay trong ngày và giao hàng tận nơi.
“Bằng bác sĩ của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, anh lấy em 3,5 triệu đồng thôi. Anh sẽ làm bằng, bảng điểm và giấy tờ công chứng cho em luôn. Chất liệu anh làm chuẩn, y như thật luôn” - người đàn ông tên Lê Nguyễn quảng cáo. Sau một thời gian không thấy chúng tôi phản hồi, ông Lê Nguyễn liên tục nhắn tin hối thúc, sau đó giảm giá bằng bác sĩ xuống còn 3,2 triệu đồng.
Trong tháng 7/2020, Công an TPHCM đã triệt phá một đường dây làm bằng giả với quy mô lớn do Hồ Ngọc Quang cầm đầu, thu giữ hàng ngàn con dấu giả. Theo cơ quan công an, từ năm 2017 đến nay, Quang đã cùng đồng bọn làm giả khoảng hơn 1.500 bộ giấy tờ, tài liệu của nhiều cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Mỗi văn bằng, chứng chỉ giả, Quang bán cho những người trung gian với giá từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Cảnh - nguyên giám định viên cao cấp Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - cho biết mới đây, văn phòng công chứng nơi ông đang cộng tác còn phát hiện cả “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược” giả.
Tổng kiểm tra chứng chỉ hành nghề dược ở các nhà thuốc
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi phòng y tế 24 quận, huyện về việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc, trong đó bao gồm kiểm tra chứng chỉ hành nghề ở các nhà thuốc.
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề, ngày 30/9, Sở Y tế TPHCM đã xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với bác sĩ Trần Đức Quang - bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh - về hành vi cho Phòng khám đa khoa Âu Á thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Âu Á (425 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6) thuê, mượn chứng chỉ hành nghề. Ngoài bị phạt tiền, ông Quang còn bị Sở Y tế TPHCM tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 23/9/2020.
|
Gia Huy - Sơn Vinh