Đủ kiểu ô nhiễm trong khu dân cư

05/04/2021 - 08:19

PNO - Ở ngoại thành, ngoài tiếng ồn karaoke, người dân còn bị tiếng ồn từ những cơ sở sản xuất tra tấn. Trong khi đó, ở nội thành, người dân khốn khổ với khói bếp từ các quán lộ thiên. Ô nhiễm trong khu dân cư ở TPHCM giống như sát thủ thầm lặng, bào mòn sức khỏe người dân. Ước tính trong giai đoạn 2016-2020 TPHCM cần di dời hơn 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.

Ám ảnh với khói nướng thịt

Ở nhiều nơi, cứ vài bước chân, lại có một lò nướng bốc khói mù mịt, lướt xe qua đã cay mắt, khó thở. Vài lần ngửi khói từ bếp nướng, người ta có thể cảm nhận được mùi thơm kích thích vị giác, nhưng ngày nào cũng bị mùi thơm bủa vây thì thật ám ảnh.

Khó i, bụ i, tiế ng ồ n đang là m giả m chấ t lượ ng số ng củ a ngườ i dân TP.HCM ẢNH: ĐỖ MINH
Khói, bụi, tiếng ồn đang làm giảm chất lượng sống của người dân TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

16g, góc đường Nguyễn Thị Huê - Bà Điểm 9 (ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) dài khoảng 50m bày kín bàn ghế, quầy bán cơm tấm trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường. Khói trắng từ bếp nướng phả ra đường gây cay mắt, ngột ngạt. Chị Kim Thoa cho biết, mỗi chiều, khi đón con ở Trường tiểu học Tây Bắc Lân, chị đều phải ngửi khói của quán cơm tấm; mới ngửi thì thấy thơm nhưng đứng lâu rất khó chịu. Khói bám vào quần áo, về đến nhà, chị vẫn còn ngửi thấy mùi thịt cháy.

Cách đó không xa, trên đoạn đường Phan Văn Hớn dài chừng 6km, có đến 20 cột khói từ các quán nướng. Từ trưa đến tối, các lò than thay phiên nhau hoạt động khiến đoạn đường này luôn mờ mịt khói. Tương tự, đường Quách Điêu, Vĩnh Lộc, Hương lộ 80 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), đường Song hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn và quận 12) cũng dày đặc quán với lò nướng phả khói mù mịt. 

Ở đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), chỉ trên đoạn đường dài chừng 500m, có đến hàng chục điểm nướng cá lóc, lò nướng được đặt ngay trên vỉa hè. Những ngày cao điểm, các quán nướng này tăng công suất lên gấp 3-4 lần, người đi đường lẫn người dân sống quanh đó đều chịu không thấu.

“Khói nướng cá rất khó chịu. Ngày vía thần tài, cả đoạn đường này phủ đặc khói trắng, chúng tôi phải chốt cửa hoặc trốn đi nơi khác” - một người dân kể.

Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) tập trung lượng lớn quán nhậu. Từ trưa trở đi, cung đường này bị “hun khói” nghi ngút. Ám ảnh nhất là từ giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí đến giao lộ Ung Văn Khiêm - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đoạn đường này có khá đông sinh viên đứng đợi xe buýt, họ phải chịu “ướp khói” trong suốt thời gian chờ xe.

“Em lên xe buýt rồi mà mùi thịt nướng vẫn bám theo khiến em rất ngại. Quán nhậu dùng lò nướng công suất lớn nhưng không có thiết bị hút khói, cứ để khói vô tư phà ra đường” - sinh viên Nguyễn Huy phản ánh.

Cả xóm chốt kín cửa để tránh tiếng ồn

9g sáng, nhiều nhà dân ở đường XTT 15, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn vẫn chốt cửa kín như bưng. Cứ nghĩ ông B.H.H. vắng nhà, chúng tôi lấy điện thoại gọi thì ông H. mở cửa bước ra. “Tiếng ồn karaoke chẳng nhằm nhò gì so với tiếng ồn của cái xưởng ở bên kia gây ra. Ở đây, cứ vài phút lại nghe một tiếng “ầm” giống như xe đụng. Ồn ào cả ngày lẫn đêm, chúng tôi không thể chịu nổi” - ông H. nói.

Xưởng cơ khí Nguyễn Minh đã bị xử phạt 25 triệu đồng, nhưng vẫn còn hoạt động trong khu dân cư - Ảnh: Sơn Vinh
Xưởng cơ khí Nguyễn Minh đã bị xử phạt 25 triệu đồng nhưng vẫn còn hoạt động trong khu dân cư - Ảnh: Sơn Vinh

Ông tiếp tục phân bua: “Nhà có người già nên tôi phải đóng cửa chứ bên kia họ làm ầm ầm, chịu không nổi. Mà ở đây, nhà không có người già cũng phải chốt chặt cửa vì quá sợ tiếng ồn”.

Chỉ tay sang xưởng cơ khí có nhiều máy móc lớn đang hoạt động, ông H. cho biết, đó là xưởng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại cơ khí Nguyễn Minh (số 8/7A đường XTT 15). Cơ sở này nằm trong khu dân cư. Khoảng một năm nay, cơ sở này đi vào hoạt động, gây mùi hôi và tiếng ồn khiến khoảng 40 hộ dân xung quanh như bị tra tấn.

“Họ xịt sơn mù mịt và có mùi rất khét. Họ dùng máy hàn, xe cẩu kéo những bồn sắt cỡ lớn tạo ra tiếng ầm ầm rất kinh khủng. Không chỉ ban ngày, có hôm 23g khuya, cơ sở này vẫn hoạt động khiến không ai được ngon giấc” - ông H. lắc đầu.

Ông T.V.T. - ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng - cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh việc xưởng cơ khí Nguyễn Minh gây ồn. Dịp gần tết Tân Sửu 2021, người dân gửi đơn phản ánh đến chính quyền địa phương. Sau đó, xưởng có di chuyển một số bồn sắt lớn đến chỗ đất trống nhưng đến nay, xưởng vẫn hoạt động. Người dân rất mong xưởng cơ khí này dời đi nơi khác.

Ông T. kiến nghị: “Tôi nghe nói TPHCM chuẩn bị mở cao điểm xử lý tiếng ồn. Tôi mong, ngoài xử lý karaoke, lực lượng chức năng còn xử lý những cơ sở sản xuất gây ồn vì độ ồn của nó kinh khủng gấp chục lần karaoke. Ở đây, chúng tôi bị tra tấn từ tinh thần đến sức khỏe”.

Nhiều năm nay, người dân sống dọc đường số 53, phường Tân Quy, quận 7 cũng khốn khổ với tiếng ồn. Tại số 76-78 đường số 53, có một cơ sở sản xuất nước đá tên Trường Thủy hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bà Q. sống gần đó cho biết, khoảng bảy năm trước, cơ sở nước đá Trường Thủy đi vào hoạt động ngay trong khu dân cư. Từ đó đến nay, người dân phải khốn khổ sống chung với tiếng ồn.

“Chỗ tôi ở còn đỡ chứ mấy nhà bên cạnh cơ sở này liên tục bị rung, lắc. Ban đêm, thỉnh thoảng, trong cơ sở này phát ra tiếng động rất lớn khiến mọi người giật mình” - bà Q. ngao ngán.

Cơ sở nước đá Trường Thủy đã bị xử phạt hai lần trong năm 2020 nhưng năm nay lại bị người dân phản ánh  về hành vi gây ồn ào trong khu dân cư - Ảnh: Sơn Vinh
Cơ sở nước đá Trường Thủy đã bị xử phạt hai lần trong năm 2020 nhưng năm nay lại bị người dân phản ánh về hành vi gây ồn ào trong khu dân cư - Ảnh: Sơn Vinh

Được biết, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh tình trạng gây ồn của cơ sở này với chính quyền phường, nhưng đến nay, cơ sở này vẫn hoạt động ngay trong khu dân cư. Vào mùa nắng nóng, cơ sở nước đá tăng công suất nên người dân càng khổ nhiều hơn.

Liên quan đến cơ sở sản xuất nước đá ở địa chỉ số 76-78 đường số 53 gây tiếng ồn, UBND phường Tân Quy, quận 7 cho biết, trước đây, khi nhận được phản ánh của người dân, UBND phường đã kiểm tra hoạt động của cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra, UBND phường nhận thấy cơ sở này hoạt động có phát sinh tiếng ồn nên đã yêu cầu cơ sở có giải pháp khắc phục giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Xử phạt và vận động chuyển công nghệ nướng thịt

Theo giáo sư Lê Huy Bá, để hạn chế những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người, các quán ăn, nhà hàng lớn cần trang bị hệ thống hút khói, hút hơi khi nướng; sau khi hút, phải cho hơi, khói qua hệ thống xử lý chứ không nhả lên trời. Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý môi trường cần tăng cường nhắc nhở, xử lý các hành vi cố tình xả khói nướng gây ô nhiễm môi trường thường xuyên. Nếu chính quyền không xử lý, người dân nên mạnh dạn khiếu nại để giữ gìn môi trường sống trong lành.

Đối với hành vi xả khói nướng, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn cho biết, chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu chủ quán ăn lắp thêm ống dẫn đưa khói lên cao, tránh phả trực tiếp vào người đi đường.

Thông tư số 15/2012 quy định, cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Do đó, quán ăn không có dụng cụ xử lý khói từ lò nướng là đã vi phạm quy định trên, có thể bị xử lý về hành vi gây ô nhiễm môi trường và cả hành vi lấn chiếm vỉa hè. UBND phường, xã hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường đủ thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trên.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TPHCM) - cho biết, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ kinh doanh đặt bếp ở lề đường xả khói có thể bị xử phạt hành chính về hành vi thải bụi, khí có chứa các thông số nguy hại vào môi trường. Tuy nhiên, lượng khói, mùi thải ra phải được cơ quan chức năng kiểm tra đo đạc, phân tích, thẩm định nồng độ.

Theo luật sư Lễ, nhiều quán bán cơm tấm, gà quay không có biện pháp xử lý nên khói do lò than tổ ong độc hại bay ra ngoài không khí, ảnh hưởng đến người đi đường hoặc người lưu trú xung quanh. Trước mắt, các hộ kinh doanh phải lắp đặt hệ thống xử lý bụi, mùi, che chắn kín đáo để không ảnh hưởng người khác và mỹ quan đô thị.

Nếu người bị ảnh hưởng chứng minh được hành vi của hộ kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 584 và điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Người bán hàng ăn di động gây khói mù mịt trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), ảnh chụp sáng 4/4 - Ảnh: hoài An
Người bán hàng ăn di động gây khói mù mịt trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), ảnh chụp sáng 4/4 - Ảnh: Hoài An

Báo Phụ Nữ TPHCM từng chuyển đến UBND phường 4, quận Gò Vấp ý kiến phản ánh của người dân về việc một hộ bán cơm tấm đặt lò nướng ở một con hẻm trên đường Lê Lợi, xả khói nướng gây ô nhiễm cho các hộ dân xung quanh.

Ngay sau đó, UBND phường 4 đã tổ chức đoàn đến kiểm tra hoạt động của cơ sở nói trên, vận động cơ sở này chuyển đổi công nghệ nướng than sang đốt lò điện để giảm ô nhiễm. Sau đó, tình trạng ô nhiễm ở khu vực này đã được cải thiện.

Giải pháp chống ồn: di dời cơ sở sản xuất

Liên quan đến việc xưởng cơ khí Nguyễn Minh gây tiếng ồn, một cán bộ UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết, chính quyền địa phương vừa phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường, Công an huyện Hóc Môn kiểm tra, ra quyết định xử phạt Chi nhánh 1 của Công ty Nguyễn Minh 25 triệu đồng về hành vi “gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật”, buộc đơn vị phải thực hiện biện pháp cải tạo tiếng ồn trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi xử phạt, xưởng cơ khí trên vẫn hoạt động, có khả năng tiếp tục gây tiếng ồn. Đại diện UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết, nếu cơ sở tái phạm, UBND xã sẽ xử lý nghiêm.

Tương tự, trong năm 2020, lực lượng chức năng quận 7 đã từng quan trắc tiếng ồn và xử phạt cơ sở sản xuất nước đá Trường Thủy hai lần, yêu cầu cơ sở này phải khắc phục tiếng ồn. Tuy nhiên, đến nay cơ sở này vẫn bị phản ánh về hành vi gây tiếng ồn.

“Nếu vẫn cho tồn tại trong khu dân cư thì cơ sở này sẽ tiếp tục gây tiếng ồn. Để xử lý dứt điểm, cần tạo điều kiện để chủ cơ sở dời nhà máy ra xa khu dân cư” - bà Q. kiến nghị.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TPHCM cho biết, tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nói chung và ô nhiễm tiếng ồn nói riêng ở TPHCM trong năm qua đã được kéo giảm: “Việc gây tiếng ồn đã giảm, nhưng vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở nhỏ, nằm xen cài trong khu dân cư.

TPHCM đã có kế hoạch di dời các cơ sở này, nhưng đó là bài toán khó vì các cơ sở nhỏ lẻ không có khả năng thuê đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng nếu để tồn tại như hiện nay, chúng lại tiếp tục gây ô nhiễm, ồn ào”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần di dời hơn 10.000 cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Các cơ sở sản xuất này có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, nằm xen cài trong khu dân cư hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ gây cháy, nổ đối với khu dân cư, tác động xấu đến cộng đồng dân cư. Kế hoạch đã đề ra, nhưng đến nay, số cơ sở này vẫn chưa được di dời.

Theo giáo sư Lê Huy Bá, nếu các cơ sở nhỏ, lẻ nằm đan xen trong khu dân cư còn sản xuất, sẽ còn gây ô nhiễm, bao gồm ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí. Việc xử phạt hành chính đối với các cơ sở này là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp ngọn. Giải pháp hiệu quả, căn cơ là di dời các cơ sở này.

“Có thể những cơ sở này chưa sẵn sàng di dời ra xa khu dân cư, vào các khu công nghiệp vì nhiều lý do. Nhưng việc di dời là rất cấp thiết nên không thể chần chừ” - ông nói.

Giáo sư Lê Huy Bá nêu giải pháp: công khai danh sách cơ sở gây ô nhiễm, tùy mức độ vi phạm mà tính tới biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc có các biện pháp tiếp theo; duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý kịp thời những ý kiến phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn.

Ông đề xuất: “UBND TPHCM cần chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Khi thực hiện chủ trương di dời, nếu các cơ sở nhỏ, không đủ tài chính nhưng có nguyện vọng thì cần hỗ trợ tài chính để họ di dời”. 

Khói nướng âm thầm đầu độc người dân

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (thuộc Trường đại học Công nghiệp TPHCM) - cho biết, khói nướng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây hại cho sức khỏe. Một số độc chất phát sinh trong khói nướng làm tăng nguy cơ gây ung thư cho con người. 

Ông phân tích: “Trong khói nướng, khí sinh ra từ thịt và than cháy không hoàn toàn như CO hay CO2 và bụi mịn sẽ gây khó thở, ảnh hưởng đến việc hô hấp, có thể gây ngộ độc khói. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người trực tiếp nướng, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, quá trình nướng làm phát sinh nhiều loại chất hữu cơ cháy không hết, tạo thành những hoạt chất nhỏ lắng đọng trong khói, tích tụ trong phổi nếu hít phải thường xuyên, tăng nguy cơ phát sinh các khối u”.

Tiếng ồn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Tại buổi họp do UBND TPHCM tổ chức vào đầu tháng 3/2021 về giải pháp xử lý vi phạm về tiếng ồn, nhất là tiếng ồn từ karaoke tự phát, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tiếng ồn có tác động rất lớn đến sức khỏe người dân. Những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn người bình thường.

Tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến tâm lý, gây các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là với người lớn tuổi. 

Nhóm phóng viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Thị Liên 30-08-2024 03:54:14

    Quá hay và bổ ích cho mọi người dân.
    Sau thời gian gần 20 năm hít khói than tổ ong, khói thuốc lá, khói độc nhà tôi đã có nhiều người bệnh ung thư, tim mạch tắc nghẽn...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI