Đủ kiểu mạo danh cán bộ nhà nước 'làm tiền' người dân

20/12/2018 - 11:30

PNO - Tại TP.HCM, gần đây, liên tục xuất hiện những kẻ giả danh thanh tra xây dựng, cán bộ sở, công nhân thoát nước “làm tiền” người dân.

Cán bộ “dỏm” đòi tiền bồi dưỡng

Mới đây, có một người đàn ông trung niên mặc đồng phục công nhân thoát nước đến nhiều nhà dân dọc đường Hoa Phượng, Q.Phú Nhuận, thu tiền “bồi dưỡng”. Theo phản ánh của người dân, người này chỉ đi một mình, không có giấy tờ, văn bản, đến nhà dân đúng thời điểm có nhiều công nhân đang thi công nạo vét hệ thống thoát nước ở trục đường này.

Đại diện Chi nhánh Thoát nước số 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, tháng 11/2018, chi nhánh có tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước trên đường Hoa Phượng, nhưng tuyệt đối không thu tiền “bồi dưỡng”, nên trường hợp trên là mạo danh. Nhận phản ánh của người dân, Chi nhánh Thoát nước số 3 đã cử cán bộ xác minh và xác định, đối tượng giả danh là ông P.T.P. - ngụ tại P.9, Q.Phú Nhuận, là công nhân thoát nước đã nghỉ việc. Sau vụ này, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện ở TP.HCM để cảnh báo.

Du kieu mao danh can bo nha nuoc 'lam tien' nguoi dan
Một đối tượng nghi giả danh thanh tra xây dựng, bị người dân P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 ghi hình.

Cách đây không lâu, một số chủ công trình ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 cũng bị hai đối tượng giả danh cán bộ, công chức địa chính, thanh tra xây dựng đến “làm tiền”. Các đối tượng giả danh thường hù dọa về sai phạm trong xây dựng rồi đòi “chung chi”. Nghi ngờ về thái độ làm việc của “cán bộ”, người dân đã phản ánh sự việc với UBND phường thì được trả lời, các đối tượng trên mạo danh.

Táo bạo hơn, gần đây, còn có một số đối tượng đóng giả cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM hoặc Bảo tàng TP.HCM gọi điện đến đề nghị ban quản lý các di tích cập nhật thông tin vào hồ sơ để xếp hạng hoặc nâng hạng di tích với chi phí 1,5 triệu đồng. Khi lãnh đạo các khu di tích liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, mới biết thông tin nộp tiền để “nâng hạng di tích” là… phịa.

Lộng hành vì khó xử lý hình sự?

Lãnh đạo P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 cho biết, cán bộ, công chức khi làm nhiệm vụ phải đeo thẻ, có giấy tờ chứng minh. Nếu nghi giả danh, người dân cần tìm cách giữ chân họ và báo ngay cho cảnh sát khu vực hoặc công an phường.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, những hành vi giả mạo nêu trên có thể bị xử lý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tùy tính chất hành vi, mức độ, hậu quả, các hành vi trên có thể bị xử lý về mặt hành chính hay hình sự. Trên thực tế, các đối tượng này thường chỉ bị xử phạt hành chính do tổng tài sản chiếm đoạt có giá trị thấp. Nắm được điều này nên các đối tượng thường coi thường pháp luật, lộng hành, có trường hợp bị xử phạt xong, lại tái phạm.

Cũng theo luật sư Hùng, nếu gặp các đối tượng nghi giả danh cán bộ đến đòi tiền “bồi dưỡng” hay đe dọa để “làm tiền”, người dân nên yêu cầu họ cung cấp thẻ cán bộ, giấy giới thiệu của cơ quan hoặc các quyết định việc cử người đi công tác, làm việc. Ngoài ra, khi gặp trường hợp nghi giả danh, nên điện thoại để xác minh tên cán bộ, kiểm tra chứng minh nhân dân của cán bộ đó và chụp lại để làm chứng. Nếu cần, báo ngay cho công an.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI