Đủ kiểu hướng dẫn làm đẹp nguy hại trên mạng xã hội

21/01/2024 - 06:16

PNO - Rất nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) thời gian qua đã thực hiện các clip hướng dẫn trên mạng xã hội những cách làm đẹp không có cơ sở khoa học, có thể gây tác hại đến sức khỏe. Các chuyên gia y tế đã phải liên tục cảnh báo về các nội dung nguy hại này.

Dùng trẻ em hướng dẫn làm đẹp

Những ngày cuối năm 2023, cư dân mạng đã xôn xao với cô bé Haven Garza trong đoạn clip giới thiệu về sản phẩm làm sáng da của thương hiệu R.B. trên một tài khoản TikTok có 4 triệu người theo dõi.

Việc sử dụng hình ảnh các bé gái để quảng cáo sản phẩm làm đẹp của người lớn có thể dẫn đến các tác động tâm lý tiêu cực đối với giới trẻ - Nguồn ảnh: iStock
Việc sử dụng hình ảnh các bé gái để quảng cáo sản phẩm làm đẹp của người lớn có thể dẫn đến các tác động tâm lý tiêu cực đối với giới trẻ - Nguồn ảnh: iStock

Haven thoa một loại chất lỏng lên mặt, sau đó là một loại dung dịch cân bằng độ pH của da, rồi huyết thanh và kem dưỡng ẩm. Đây là quy trình có vẻ khá chuẩn về làm đẹp rất phổ biến trên mạng xã hội.

Tuy nhiên vấn đề là Haven chỉ mới 7 tuổi. Đoạn video dài 2 phút còn truyền tải cảm giác hạnh phúc theo cách rất trẻ con của Haven khi sử dụng những sản phẩm dành cho người lớn này. Trong đó có cả loại kem retinol chống lão hóa được điều chế để tăng cường collagen và giảm sự xuất hiện nếp nhăn.

Haven và chị gái song sinh Koti nằm trong số ngày càng nhiều những đứa trẻ được người ta biết đến là những KOLs “vẻ đẹp trẻ em”, chuyên quảng cáo các sản phẩm đắt tiền trên mạng xã hội. Tương tự, những đứa trẻ nổi tiếng khác như North West (10 tuổi) cũng thường xuyên đăng video TikTok nói về thói quen trang điểm của bản thân. 

Nhà báo Kirbie Johnson - người dẫn chương trình podcast trực tuyến chuyên về giáo dục giải trí nổi tiếng ở Los Angeles (Mỹ) - cho rằng xu hướng này ngày càng trở nên sai lầm. Không chỉ vì sự lãng phí tiền bạc dành cho những sản phẩm không cần thiết, những rủi ro sức khỏe khi sử dụng, mà còn là khả năng gây tổn thương tâm lý của những trẻ em phải đảm đương công việc này.

Trong một bản tin gần đây, Kirbie mô tả về sự kiện ra mắt sản phẩm Drunk Elephant có sự tham dự của một số KOLs tuổi teen: “Sự kiện kết thúc bằng một bữa tiệc với những đứa trẻ đảm nhiệm vai trò ra mắt sản phẩm huyết thanh võng mạc. Việc dùng trẻ em để quảng bá những sản phẩm làm đẹp như vậy thực sự sẽ gây những tác động tâm lý tiêu cực đến giới trẻ”.

Nhiều tài liệu ghi nhận, thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) đang trải qua khủng hoảng sức khỏe tâm thần, phần lớn do mạng xã hội gây ra. Nhiều xu hướng mới trên mạng đang thúc đẩy nỗi ám ảnh về ngoại hình và điều này liên quan mật thiết đến chứng rối loạn ăn uống, lo lắng và trầm cảm ở thanh thiếu niên. Các clip làm đẹp có thể thúc đẩy khuynh hướng sử dụng chất làm đầy botox và trẻ hóa bằng cách tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Theo Học viện Phẫu thuật và Tạo hình khuôn mặt Mỹ, có hơn 25% số người chọn tiêm botox năm 2023 ở tuổi 34 hoặc trẻ hơn, tỉ lệ này vào năm 2015 là 21%.

Dùng hàn the để chăm sóc sức khỏe?

Hàn the là chất bị cấm sử dụng trong ngành thực phẩm Mỹ. Thế nhưng vào tháng 7/2023, nhiều KOLs đã đăng clip tuyên bố rằng việc thêm một chút chất bột này vào nước uống hoặc pha trong bồn tắm sẽ giúp giảm viêm và đau khớp. Những nội dung đó đã phải gỡ xuống sau khi nhiều chuyên gia y tế lên tiếng phản đối.

Theo bác sĩ Kelly Johnson-Arbor - Giám đốc Trung tâm Ngộ độc thủ đô (Mỹ) - hoàn toàn không có chuyện dùng hàn the để giảm viêm hoặc bất cứ điều gì tương tự. Việc tiêu thụ hàn the có thể gây kích ứng dạ dày, theo thời gian có thể dẫn đến thiếu máu và co giật. Ngâm cơ thể trong nước có hàn the có thể dẫn đến phát ban da nghiêm trọng. 

Đến tháng 8/2023, lại rộ lên các hướng dẫn về việc bôi thầu dầu lên mắt để điều trị các vấn đề về thị lực. Ngay lập tức, giới y khoa cảnh báo cách này không mang lại hiệu quả gì, thậm chí phản tác dụng. Trước đó, hàng loạt bác sĩ cũng cực lực phản đối những tuyên bố “nguy hiểm” của những KOLs trên TikTok rằng nước ép khoai tây sống có khả năng chữa viêm họng liên cầu khuẩn. Bác sĩ dinh dưỡng Iddy Mughal (Anh) cho biết đây là “một trong những video hãi hùng nhất” mà ông từng được xem. “Đừng cho con bạn uống nước ép khoai tây nếu chúng có triệu chứng viêm họng nghiêm trọng. Hãy điều trị nhanh chóng và đúng cách” - ông cảnh báo.

Mới đây, vào tháng 12/2023, các bác sĩ tiếp tục phản ứng với xu hướng lan truyền trên TikTok về mặt nạ gel hạt lanh có thể mang lại kết quả tương tự như botox trong các quy trình làm đẹp. Nhiều người dùng TikTok tuyên bố rằng gel hạt lanh tự chế về cơ bản là “botox tự nhiên”.

Tiến sĩ Jennifer Ashton - Trưởng ban y tế của ABC News - nói: “Hạt lanh bôi lên da không phải là botox”. Theo Hiệp hội Phẫu thuật da liễu Mỹ, botox thẩm mỹ là một chất điều hòa thần kinh gây tê liệt cơ tạm thời nhằm làm phẳng các nếp nhăn hoặc giảm sự xuất hiện của các đường gấp. “Nếu bôi loại gel này lên mặt, có khả năng sẽ bị kích ứng khi tiếp xúc, viêm da, thậm chí có thể bị dị ứng. Rủi ro lớn nhất ở đây là người ta xem điều này như một lời khuyên và là thông tin y tế đáng tin cậy” - bà nói. 

Nam Anh (theo Bloomberg, NBC News, New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI