Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 6 môn: Lo học sinh quá tải

20/03/2023 - 06:49

PNO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhiều chuyên gia cho rằng với 6 môn thi, nếu cách thức ra đề nặng nề kiến thức thì có thể gây quá tải cho học sinh.

Môn sử bắt buộc là cần thiết, nhưng...

Theo dự thảo, từ năm 2025, môn lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, bên cạnh các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Đồng thời, thí sinh chọn 2 môn tự chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. 

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - cho rằng khi môn lịch sử đã được quy định là môn học bắt buộc trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì việc đưa vào môn thi bắt buộc là hợp lý. Việc tổ chức thi nhằm đánh giá được học sinh thẩm thấu những gì về môn học, đồng thời cũng tạo áp lực để các em phải chuyên tâm học sử. Tuy vậy, việc ra đề thi cần nhẹ nhàng, duy trì hình thức trắc nghiệm, không đặt nặng việc ghi nhớ kiến thức, số liệu. Đề thi cần đúng nghĩa là công nhận tốt nghiệp chứ không nên gây áp lực cho những học sinh không lựa chọn ngành nghề đào tạo liên quan đến môn sử ở bậc đại học.

 

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - ẢNH: P.T
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - Ảnh: P.T

Đồng quan điểm, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường đại học Sư phạm TPHCM) - cũng nhận xét việc đưa lịch sử là 1 trong 4 môn thi bắt buộc là phù hợp. Tuy vậy, cần lưu ý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có hơn 55% thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân), nhưng tỉ lệ trúng tuyển đại học các nhóm ngành có sử dụng tổ hợp C00 (văn, sử, địa) chỉ chiếm dưới 9%. Điều này cho thấy thực tế sinh viên theo học các ngành liên quan đến lịch sử và lao động các ngành có sử dụng kiến thức, kỹ năng môn lịch sử không nhiều. “Tất nhiên, việc học lịch sử không chỉ để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà còn góp phần hình thành tư duy lịch sử, ý thức công dân. Nhưng như vậy thì đòi hỏi phải đổi mới giảng dạy để học sinh yêu thích lịch sử chứ không đơn thuần là bắt buộc phải thi cử” - ông Hồ Sỹ Anh nói.

Theo ông, để đảm bảo phù hợp với định hướng nghề nghiệp thực tế và không gây áp lực cho học sinh, cần phân hóa đề thi môn lịch sử thành 2 đề. Trong đó, một đề thi nâng cao dành cho những thí sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan môn lịch sử, chiếm số ít; và một đề thi cơ bản, dành cho thí sinh định hướng nghề nghiệp không liên quan môn lịch sử, chiếm số đông.

Thầy Phan Thế Hoài - giáo viên ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) - đồng tình với việc thi 4 môn bắt buộc theo chương trình mới. Tuy nhiên, nếu yêu cầu phải chọn thêm 2 môn tự chọn là quá tải với học sinh, nhất là với những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học theo các tổ hợp của 4 môn bắt buộc. Với định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ phục vụ xét tốt nghiệp như hiện nay, nếu học sinh phải thi 6 môn, sau đó phải tham dự các kỳ thi riêng của trường đại học thì rất chồng chéo và áp lực. 

Thi trên máy tính sau năm 2030: Cần chuẩn bị kỹ

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhìn nhận, việc xác định lịch sử là môn thi bắt buộc cũng như tiến tới tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trên máy tính (với hình thức trắc nghiệm khách quan) sau năm 2030 là mục tiêu quan trọng. Tuy vậy, để tiến tới tổ chức kỳ thi trên máy tính, việc chuẩn bị khâu cơ sở vật chất là vô cùng cấp thiết. Kỳ thi tổ chức trên cả nước với mức độ phát triển giữa các tỉnh, thành không đồng đều, do đó yêu cầu đặt ra là trang bị cơ sở vật chất tương đối đồng bộ ở các địa phương. Bên cạnh đó, phải xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt để tránh tiêu cực có thể phát sinh.

Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần tiến hành đầu tiên. Ngay trong thời gian chờ góp ý từ dư luận, bộ cần rà soát ngân hàng câu hỏi hiện có để tinh lọc những câu hỏi khả dụng, sau đó tổ chức xây dựng bổ sung và khảo sát trên diện rộng để xử lý, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi. Hình thức trắc nghiệm có rất nhiều ưu điểm song cũng đặt ra những yêu cầu rất cao trong các thao tác kỹ thuật xây dựng đề thi. Ngân hàng đề thi phải hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh, chú trọng các câu hỏi vận dụng, phù hợp với mục tiêu của chương trình mới. Đồng thời, ngân hàng đề thi đủ lớn để tránh tình trạng học “tủ”.

“Theo dự thảo, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Thực ra Bộ GD-ĐT vẫn có thể nghiên cứu để xây dựng đề thi ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Thực tế cho thấy các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (có ít nhiều tương đồng về hình thức với môn ngữ văn) trên máy tính cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức tương tự với môn ngữ văn” - thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi góp ý. 

 

Minh Linh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI