Có thể sẽ thêm một cơn bão đổ bộ miền Trung vào ngày 17/10

15/10/2020 - 12:44

PNO - Sáng 15/10, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và tình hình mưa lũ.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vào 7g ngày 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ).

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm thành bão. Dự kiến đến chiều 17/10, sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung bộ, có khả năng gây mưa lớn cho các tỉnh Trung bộ, khu vực vừa xảy ra lũ lớn.

Dự kiến đường đi của áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện.
Dự kiến đường đi của áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện

Về các thiệt hại của bão số 7 và mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết đã ghi nhận 40 người chết, 8 người mất tích, 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập.

Về giao thông, có 137 điểm quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến.

Về nông nghiệp: 870ha lúa, 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về tàu thuyền, 6 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 7 người bị chết, mất tích; 4 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Hiện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo;  5,5 tấn lương khô; 20.000 thùng mì tôm; các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã cử 2 đoàn công tác chỉ đạo hiện trường ứng phó với bão tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 31.096 tàu cá và 759 tàu vận tải di chuyển tránh trú; 7 tỉnh từ Quảng Ninh – Nghệ An đã thực hiện cấm biển; 4 tỉnh, thành phố từ Hải Phòng đến Ninh Bình đã sơ tán 8.748 người trên lồng bè, chòi canh, nhà yếu đến nơi an toàn; thu hoạch 18.299 ha lúa.

Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương ở miền Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa. Điều hành hệ thống hồ chứa, nhất là 4 hồ chứa lớn: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Thu hoạch lúa đã chín, tiếp tục tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn.

Các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng và Ban chỉ đạo. Tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Đồng thời chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn. Khắc phục 2 đoạn còn ách tắc giao thông tại nhánh tây đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 49 vào Thừa Thiên - Huế (các quốc lộ khác và đường sắt đã thông tuyến).

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI