Dự kiến khoảng 8 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam trong tháng 7

24/06/2021 - 07:26

PNO - Theo Bộ Y tế, vào tháng 7/2021 có thể có khoảng 8 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nguồn về Việt Nam và đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên.

Đây là thông tin được đại diện Bộ Y tế đưa ra tại Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin COVID-19 diễn ra chiều ngày 23/6 tại Trụ sở Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam  chủ trì cuộc họp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 23/6
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 23/6

Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vắc xin về trong thời gian tới, có thể có khoảng 8 triệu liều vắc xin từ các nguồn về Việt Nam vào tháng 7/2021. Dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, đủ số lượng vắc xin để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 6 điểm: Đầu tiên, Bộ Y tế phải dự kiến tiến độ, số lượng, từng loại vắc xin về Việt Nam để phân bổ tiêm cho các đối tượng, không chỉ đáp ứng chuyên môn chống dịch, mà còn tính tới các tác động về kinh tế-xã hội, đối ngoại...

Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận vắc xin công bằng của Liên Hiệp Quốc, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ Y tế có kế hoạch dự kiến khoảng thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cũng như phương án tiêm hết mũi 1 cho số lượng lớn người dân hoặc dự trữ vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho ít người hơn, hai mũi tiêm là hai loại vắc xin khác nhau hay cùng loại.

Đồng thời, Bộ Y tế nêu rõ thời điểm đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TPHCM

Sau khi đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vắc xin.

Dự kiến trong tháng 7 sẽ có 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam
Dự kiến trong tháng 7 sẽ có 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam

Ngoài ra, Bộ Y tế cần đề xuất việc sử dụng kinh phí phục vụ việc tiêm vắc xin từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo. Phó thủ tướng nhấn mạnh, người dân rất quan tâm các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin, vì vậy, Bộ Y tế phải đảm bảo thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối với lực lượng sản xuất, cần căn cứ vào địa bàn có nguy cơ, tránh tình trạng không công bằng giữa các đối tượng.

Các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe, thảo luận dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin COVID-19.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vắc xin COVID-19 cả của nước ngoài và trong nước. Qua đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc căn cứ vào thực hiện.

Đối với các vắc xin đang được nghiên cứu, phát triển trong nước, phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên không quy định rõ quy mô thử nghiệm. Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện bình thường, quy mô thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc (bao gồm cả vắc xin) theo thông lệ quốc tế.

Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để thể hiện trong thông tư, do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Trong trường hợp cần các yêu cầu, điều kiện đặc biệt mà pháp luật hiện hành chưa quy định, Bộ sẽ trình các cơ quan thẩm quyền xem xét.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI