Dù không được phép nhưng trường vẫn ngang nhiên tuyển sinh

10/05/2017 - 09:07

PNO - Ngoài tình trạng nội bộ mất đoàn kết, thua lỗ, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài nhiều năm,

Ngoài tình trạng nội bộ mất đoàn kết, thua lỗ, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài nhiều năm, Trường THPT Lam Sơn (số 451/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn có những sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh.

Du khong duoc phep nhung truong van ngang nhien tuyen sinh

Không còn pháp nhân vẫn ung dung hoạt động

Bà Hoàng Thị Tân - một cổ đông lớn của trường THPT Lam Sơn cho biết, năm 2016, khi hết nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Hiệu trưởng trường đã không tổ chức họp HĐ thành viên để bầu lại mà ngụy tạo hồ sơ gửi Sở GD-ĐT TP.HCM để tiếp tục tại vị.

Cụ thể, tháng 9/2015, ông Bình giả chữ ký của bà Tân và những thành viên HĐQT khác trong các biên bản, trong hồ sơ pháp lý và hồ sơ xin tái cấu trúc Trường THPT Lam Sơn thành trường đào tạo ba cấp học (tiểu học, THCS và THPT) gửi Sở GD-ĐT và UBND TP.HCM.

Về mặt pháp lý, hiện pháp nhân của trường THPT Lam Sơn đã không còn hiệu lực pháp luật, nhưng “ông Bình vẫn tiếp tục sử dụng con dấu và pháp nhân cũng như danh nghĩa Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng để chiêu sinh nhằm mục đích tư lợi, bất chấp sự cảnh cáo và phản đối của các thành viên HĐQT; tiếp tục điều hành trường trong tình trạng nội bộ ngày càng mất đoàn kết, thua lỗ trầm trọng; lương và các chế độ khác của CB-CNV-GV nhiều năm không được cải thiện. Tình trạng nợ đọng BHXH cũng kéo dài, lên đến 649 triệu đồng, không có khả năng thanh toán, cơ quan BHXH Q.Bình Thạnh đang làm thủ tục khởi kiện” - bà Tân cho biết.

Ông D., phụ huynh em N.H.P. - HS lớp 11A1 năm học 2015-2016, cho biết, ông đã cho con nghỉ học giữa chừng vì thấy con học quá kém sau hai năm theo học nội trú.

“Tôi hỏi cái gì nó cũng không biết mà sao cứ lên lớp đều đều. Tôi thấy hình như trường chỉ thu tiền rồi cho lên lớp thôi. Học như thế khi tham gia các kỳ thi quốc gia thì biết gì mà làm”, ông D. ngán ngẩm.

Hiện con ông đã nghỉ học, về quê. Một phụ huynh khác thì cảm thấy “thất kinh” với cậu con trai mình sau một thời gian theo học ở trường THPT Lam Sơn: “Trường dễ dãi quá. HS gì mà tóc xanh, tóc vàng, còn xỏ khuyên tai đủ thứ... mà cứ thế đi học. Cả con tôi cũng vậy”.

Được “chống lưng”?

Trong các vi phạm về quy chế tổ chức và hoạt động, theo bà Tân, nghiêm trọng nhất là việc ông Bình vẫn tuyển sinh năm học 2016-2017, khi chưa được Sở GD-ĐT thành phố cấp phép hoạt động.

Bà Tân cho biết, bà đã nhiều lần gửi đơn lên Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giải quyết, xử lý các hành vi thách thức pháp luật đang diễn ra công khai tại trường THPT Lam Sơn, nhưng không hiểu vì sao sở vẫn “dùng dằng” không có biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi ngày 9/5, ông Bình cho rằng, do năm 2010, Trường THPT Lam Sơn mới thành lập nên chỉ tuyển sinh cấp THPT. Đến năm 2015, trường xin mở thêm hai cấp học tiểu học và THCS tại một cơ sở ở Q.Gò Vấp.

“Tuy nhiên, do chưa hoạt động thì cơ sở ở Gò Vấp đã bị thu hồi mặt bằng nên mới phải dừng hoạt động cấp tiểu học và THCS và phải xin lại giấy phép tuyển sinh từ ba cấp học xuống còn một cấp là THPT”- ông Bình phân bua.

Chúng tôi đặt vấn đề, trong lúc đang xin giấy phép “tái cấu trúc” từ ba cấp còn một cấp mà trường vẫn tổ chức tuyển sinh đầu cấp THPT năm học 2016-2017 là đúng hay sai? Ông Bình khẳng định, ông đã có một văn bản của Giám đốc Sở GD-ĐT cho phép tổ chức tuyển sinh tại trường THPT Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) năm học qua (?).

“Năm học tới tôi vẫn tiếp tục làm. Giờ tôi đang phải làm công tác tuyển sinh đây”, ông Bình tỉnh queo.

Có thật ông Bình đã được Giám đốc Sở GDĐT cho phép tổ chức tuyển sinh tại trường THPT Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) năm học 2016-2017?

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở có quyết định 287-72/QĐ-GDĐT-TC ngày 10/3/2014 cho phép Trường THPT Lam Sơn hoạt động giáo dục. Đến tháng 9/2015, Trường TH-THCS-THPT Lam Sơn (mới) được thành lập theo quyết định 4696/QĐ-UBND do UBND TP cấp trên cơ sở tái cơ cấu, bổ sung các cấp học.

Năm học 2016-2017, theo ông Hiếu, Trường THPT Lam Sơn có ba khối lớp, gồm một lớp khối 10 với 25 HS, hai lớp khối 11 có 50 HS và hai lớp khối 12 với 55 HS. Trong đó, lớp 11 và 12 là những HS chuyển tiếp từ năm học trước ở trường THPT Lam Sơn. Số HS lớp 10 là do trường TH-THCS-THPT Lam Sơn mới tuyển.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở GD-ĐT nhận thấy Trường TH-THCS-THPT Lam Sơn chưa đủ điều kiện để hoạt động giáo dục nhiều cấp học; nên ngày 1/7/2016, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản số 2158/GDĐT-TC, với nội dung chưa cho phép trường hoạt động giáo dục nhiều cấp học; chỉ được tuyển sinh khi nào được cấp phép.

Nói như ông Hiếu, Trường THPT Lam Sơn đã tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017 không đúng quy định. Hiện Sở GD-ĐT đã lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện đơn vị này.

Trong văn bản trả lời báo Phụ Nữ, Sở GD-ĐT cũng cho rằng, các nội dung liên quan đến việc giả chữ ký, tranh chấp đất đai, nợ tiền BHXH… không thuộc thẩm quyền giải quyết, nên sở sẽ căn cứ kết luận của tòa án và kết luận của đoàn thanh tra để có biện pháp xử lý theo quy định.

Rất nhiều sai phạm liên quan đến ông hiệu trưởng Bình, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi của HS, PH cũng như CB-CNV-GV cả về tinh thần lẫn tài chính.

Tố cáo đã nhiều nhưng ít nhất là trong suốt năm học 2016-2017 vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đã “không biết”, hoặc “làm ngơ” để cho ông Phạm Thanh Bình ngang nhiên thách thức pháp luật.

Phải chăng điều ông Bình nói đã có một văn bản của Giám đốc Sở GD-ĐT cho phép tuyển sinh năm học 2016-2017 là sự thật?

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI