Cuối tuần qua, Hội LHPN TP.HCM đã ra văn bản khẩn đề nghị Hội Phụ nữ 24 quận, huyện thực hiện nhiều việc cấp bách và tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về nội dung này.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân
* Phóng viên: Thưa bà, với việc Hội Phụ nữ các quận, huyện thành lập tổ công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đã cho thấy chị em cũng muốn tham gia tuyến đầu chống dịch?
- Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Chúng tôi xác định nhiệm vụ của tổ chức Hội trong giai đoạn này là tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động và là “hậu phương làm công tác hậu cần” tốt nhất cho “tuyến đầu phòng, chống dịch”. Yêu cầu các quận, huyện thành lập tổ công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng là để chủ động hơn và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này.
* Tổ công tác này sẽ làm những công việc cụ thể gì?
- Tổ công tác sẽ có từ 10-20 thành viên, do Hội LHPN quận, huyện phụ trách. Thành viên của tổ là những người có sức khỏe, có kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, am hiểu về đặc điểm, tình hình tại địa phương (dân tộc, tôn giáo, thành phần lao động…). Các tổ công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 hoạt động trên tinh thần tình nguyện vì cộng đồng và sẽ tự giải thể khi thành phố công bố hết dịch.
Nội dung hoạt động của tổ gồm việc tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ kiến thức, phòng, chống dịch COVID-19; vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ cùng gia đình, người thân tham gia khai báo sức khỏe toàn dân; tích cực tham gia phòng - chống dịch theo phân công của ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương khi địa bàn xảy ra tình huống phong tỏa, cách ly tập trung.
* Những công việc này Hội Phụ nữ các cấp vẫn đang làm bấy lâu nay, thưa bà?
- Đúng là như thế, nhưng sẽ được tổ chức, chỉ đạo, định hướng và hoạt động có trọng tâm, không bị trùng lặp, dàn trải, mất sức chị em mà không hiệu quả, thiếu chiều sâu. Chúng ta đang đối diện một đại dịch toàn cầu, diễn biến phức tạp, khó lường. Không thể chỉ làm bằng cái tâm mà rất cần bài bản, khoa học. Quan điểm của chúng tôi, phòng - chống dịch phải quyết liệt, đúng trọng tâm mới có thể đạt hiệu quả cao nhất. Công tác này đòi hỏi chúng ta phải có một đội ngũ tinh nhuệ, có tổ chức.
|
Phụ nữ Q.2 tiếp tế thực phẩm và trang thiết bị y tế cho tuyến đầu chống dịch |
Chúng tôi yêu cầu cơ sở Hội tích cực tham gia công tác phòng, chống COVID-19 tại địa phương, đơn vị theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, trong đó, mỗi cán bộ Hội, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, đội, nhóm là một tuyên truyền viên tích cực vận động hội viên, phụ nữ tự giác thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân, đảm bảo khai báo trung thực, chính xác; vận động hội viên, phụ nữ hạn chế đến chỗ đông người, nơi công cộng để tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; hợp tác, chấp hành nghiêm túc việc cách ly (khi được yêu cầu) theo quy định; nắm rõ số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế 1900 3228 và các đường dây nóng của các bệnh viện tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19.
Về công tác hậu cần, hậu phương cho tuyến đầu chống dịch, chúng tôi đề nghị các dì, các chị tiếp tục vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những gia đình khó khăn các phương tiện vệ sinh cá nhân để phòng dịch; vận động các nữ chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho nữ công nhân, lao động; kịp thời nắm bắt tình hình, động viên và đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với hội viên, phụ nữ gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
* Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, Hội vẫn còn nhiều hoạt động trọng tâm. Làm thế nào để các hoạt động của Hội không bị ngắt quãng, để Hội có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra?
- Có thể nói trong suốt những ngày tháng vừa qua, mỗi cơ sở, quận huyện Hội đều đã nỗ lực hết mình trong việc duy trì hoạt động. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn tấm lòng của các chị, các dì, các mẹ từ những công việc nhỏ nhặt như may và trao tặng khẩu trang, tặng nước rửa tay kháng khuẩn; quyên góp tiền, chia sẻ các suất ăn, tiếp tế, đi chợ giúp những gia đình đang thực hiện cách ly, làm hậu cần cho các đội tình nguyện… Tôi cảm ơn sự sáng tạo của các cơ sở Hội trong truyền thông về tháng Áo dài, về công tác bảo vệ môi trường… Những hoạt động trên các trang fanpage của Hội LHPN Q.6, Q.2, Q.11, H.Bình Chánh… cho thấy sức sống Hội lan tỏa không chỉ nhờ vào lễ hội. Được biết, có sân chơi online sáng tạo của Hội LHPN Q.6 dành cho các em thiếu nhi mỗi tuần thu hút từ trên 300 đến 1.000 bài dự thi, tương ứng chừng ấy gia đình cùng tham gia (cuộc thi cho phép cha mẹ, anh chị, người thân trợ giúp các bé trong quay dựng phim, chụp ảnh, viết bài…).
Nhờ sự linh động, nhạy bén các chị đã đổi mới cách làm, phương pháp hoạt động phù hợp với thực tế tình hình, vừa thiết thực tham gia phòng, chống dịch bệnh, vừa có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội. Với sự nhạy bén, sáng tạo ấy, chúng tôi tin tưởng qua mùa đại dịch, chúng ta sẽ khôi phục lại tất cả các hoạt động để về đích, hoàn thành xuất sắc một nhiệm kỳ công tác dẫu biết sẽ rất khó khăn, vất vả.
* Xin cảm ơn bà.
Nghi Anh (thực hiện)