Vụ 152 du khách Việt “biến mất” tại Đài Loan gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng, việc nhiều người nhập cảnh vào Đài Loan du lịch rồi tìm cách ở lại lãnh thổ này hé lộ hoạt động xuất khẩu lao động chui.
Xuất khẩu lao động qua mối lái
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trụ sở tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng, có thể những “du khách” vừa trốn lại Đài Loan làm việc đã nhập cảnh bằng visa du lịch để tiết kiệm chi phí.
|
Ba trong số 148 du khách được cho là “mất tích” đã được phía Đài Loan tìm thấy.
|
Họ chỉ bỏ tiền mua tour từ các công ty lữ hành hoặc tự mình xin visa du lịch và bay đến Đài Loan, chờ thân nhân rước. Ông này cho biết, chi phí chính thức để đưa mỗi lao động đi xuất khẩu tại Đài Loan vào khoảng 4.000 USD (khoảng 93 triệu đồng), trong đó bao gồm tiền thế chân (khoảng 1.000-2.000 USD) phòng ngừa lao động phá vỡ hợp đồng, trốn ra ngoài làm, nhưng hầu hết người lao động đều phải qua các công ty môi giới khiến chi phí cuối cùng lên đến 6.000-7.000 USD (140-170 triệu đồng).
Rất có thể, những người vừa bỏ trốn trên đã lợi dụng chính sách nới lỏng visa du lịch của Đài Loan để sang đó sinh sống, làm việc bất hợp pháp.
Tạm giữ 11 người trong số du khách Việt “mất tích”
Ban đầu, theo Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA), có tổng cộng 152 du khách Việt “mất tích”. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, NIA thông báo, họ đã liên lạc được với một người, 3 người Việt khác đã rời Đài Loan, do vậy tổng số “mất tích” được xác nhận là 148 người. Tính đến 17g ngày 27/12, đã có tổng cộng 11 người trong nhóm 148 người bỏ trốn bị lực lượng chức năng Đài Loan tạm giữ. Ngoài 6 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau trên lãnh thổ Đài Loan, 5 người khác hôm 27/12 đã tự ra trình diện tại quận Trung Lịch, thành phố Đào Viên.
|
Phần lớn các công ty xuất khẩu lao động sang Đài Loan tập trung tại TP.Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ, vì nguồn lao động chọn thị trường này chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc. Chi phí để đến Đài Loan làm việc thấp hơn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Đông. Thêm vào đó, Đài Loan cũng không truy quét mạnh lao động bất hợp pháp như các nước khác nên có thể được nhiều người lựa chọn để lao động chui.
Theo các du học sinh và lao động Việt Nam tại Đài Loan, sau vụ việc 148 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan, những biện pháp giám sát từ cơ quan chức năng nhằm vào người Việt tại đây chặt chẽ hơn. Trong ba ngày gần đây, tại các ga tàu, công viên, lượng người Việt vắng hẳn.
Anh Nguyễn Văn Cường - quê ở tỉnh Hải Dương, hiện đang làm việc tại một công trình xây dựng tại thành phố Cao Hùng (Đài Loan) - cho biết, hai ngày nay, lực lượng an ninh có mặt tại công trình thường xuyên hơn, xét hỏi lao động Việt Nam giấy tờ, thời hạn hợp đồng.
Theo anh Cường, tại Đài Loan, có rất đông lao động bất hợp pháp người Việt, là những người xuất khẩu lao động một cách hợp pháp nhưng khi hết hợp đồng (3 năm), họ không về nước mà tìm cách trốn ra ngoài làm cho các công ty khác, hoặc được công ty xuất khẩu lao động đưa sang nhưng trốn, ra ngoài làm cho công ty khác.
So với diện “bất hợp pháp” kể trên, những người nhập cảnh bằng visa du lịch đối diện với nhiều rủi ro hơn từ giới chức Đài Loan, vì sau thời hạn visa cho phép, họ sống chui nhủi như những người vượt biên trái phép.
Theo tiết lộ của một số lao động đang làm việc tại Đài Loan, không chỉ phía Việt Nam, tại Đài Loan cũng có bộ phận môi giới để đưa những lao động bất hợp pháp vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc.
|
Hình ảnh một người lao động bất hợp pháp Việt Nam tại một trang trại ở vùng núi hẻo lánh Lý Sơn - Đài Loan. Ảnh: VTV |
Một số chủ doanh nghiệp Đài Loan cũng muốn sử dụng lao động bất hợp pháp vì phí môi giới rẻ, lại không phải chịu những khoản phí giới thiệu, phí đào tạo và những ràng buộc khác như khi sử dụng lao động xuất khẩu “chính ngạch”.
Công ty lữ hành không mở tour
Du khách vẫn mua tour du lịch Đài Loan
Hiện Sở Du lịch TP.HCM đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế khẩn trương cung cấp hồ sơ có liên quan và cập nhật thường xuyên tình hình “mất tích” của 152 du khách Việt tại Đài Loan, báo cáo kịp thời cho Sở Du lịch TP.HCM.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/12, đại diện nhiều hãng lữ hành cho biết, do có giá bán phù hợp và thủ tục xin visa cũng chưa thay đổi, nên thị trường tour du lịch Đài Loan chưa bị ảnh hưởng gì sau vụ 152 khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan.
Đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, tính riêng tại TP.HCM, mỗi tuần, đơn vị này nhận 2-3 đoàn khách mua tour sang Đài Loan và hiện việc mua tour vẫn diễn ra bình thường.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng ghi nhận, lượng khách đặt tour du lịch Đài Loan chưa có dấu hiệu giảm sút.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần quản lý chặt hoạt động của các công ty lữ hành, bởi hiện có không ít công ty mượn danh nghĩa làm dịch vụ kinh doanh lữ hành để dễ làm visa cho khách chứ không mở tour như quy định.
Trở lại câu chuyện của Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế - có trụ sở tại P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM, là đơn vị cung cấp dịch vụ visa cho 152 du khách Việt Nam.
Theo giấy phép kinh doanh mà công ty này trình với Sở Du lịch TP.HCM trong buổi làm việc chiều 26/12, hoạt động chính của công ty là kinh doanh lữ hành quốc tế (làm visa, mở tour đưa khách đi du lịch).
Tuy nhiên, công ty này đã lợi dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ visa với Công ty ETholiday của Đài Loan và hai công ty tổ chức cho đoàn 152 du khách đi Đài Loan vừa qua (Công ty TNHH Twin Bright và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel) chứ không mở tour đưa khách đi du lịch theo quy định.
“Công ty kinh doanh lữ hành nhưng chỉ làm visa đưa các đoàn khách đi Đài Loan mà không thực hiện tour, không có hướng dẫn viên du lịch là sai quy định của Luật Du lịch” - ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, cho biết.
Công ty Kỳ nghỉ Quốc tế chỉ cung cấp được giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, chưa cung cấp được hồ sơ liên quan chứng minh tính hợp pháp của việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ visa với Công ty ETholiday của Đài Loan và hai công ty tổ chức đoàn đi, theo yêu cầu của Sở Du lịch TP.HCM.
Giám đốc một công ty du lịch chuyên mở tour sang Hàn Quốc cho biết, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch hiện nay có cũng như không. Khi mọi chuyện vỡ lở, cơ quan quản lý mới biết doanh nghiệp không mở tour và ký kết dịch vụ cấp visa sai phép. Hiện du lịch nước ta vẫn mạnh ai nấy làm, sai phạm nhan nhản nhưng thanh tra ngành du lịch cứ ngồi phòng lạnh xử lý.
“Kẽ hở của quản lý nhà nước hiện nay là đăng ký kinh doanh du lịch lữ hành rất dễ. Luật Du lịch quy định, người đứng đầu thành lập doanh nghiệp phải có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên nhưng quy định này đang bị phớt lờ. Doanh nghiệp chỉ cần kê khai các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực lữ hành là xong, nên hầu như ai cũng có thể mở công ty du lịch. Khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp này phải đăng ký với cơ quan quản lý nhưng thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không khai báo, hoặc chỉ đăng ký hoạt động một dịch vụ, sau đó tự đẻ thêm nhiều dịch vụ khác” - vị giám đốc này nói.
Chính sách nới lỏng visa cộng với sự “bảo lãnh” làm visa nhanh, gọn lẹ của các công ty du lịch mang lại tiện ích cho du khách nhưng cũng là cơ hội của một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp, kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều người lao động đã lâm vào tình cảnh bị đánh đập, quỵt lương, bỏ đói, bệnh tật, thậm chí xâm hại tình dục…
Đăng Thư - Hoa Lài