Du khách Úc nhiễm vi-rút zika sau khi rời VN: Ráo riết truy tìm nguồn bệnh

25/03/2016 - 08:49

PNO - Nhận thông tin một du khách người Úc nhiễm vi-rút zika đoàn bác sĩ Viện Pasteur TP.HCM đã có mặt tại TP.Đà Lạt để khảo sát, điều tra dịch tễ.

Du khach Uc nhiem vi-rut zika sau khi roi VN: Rao riet truy tim nguon benh
Kiểm soát dịch từ sân bay được thực hiện nghiêm ngặt

Nhận thông tin một du khách người Úc bị nhiễm vi-rút zika sau khi đi qua TP. HCM, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, chiều 24/3, đoàn bác sĩ Viện Pasteur TP. HCM đã có mặt tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để khảo sát, điều tra dịch tễ.

Tăng cường kiểm tra bệnh nhân trong nước

Trao đổi qua điện thoại, PGS-TS-BS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đang có mặt tại Đà Lạt phân tích: theo thông tin của du khách người Úc về thời gian lưu trú, có thể người này đã nhiễm vi-rút Zika tại Việt Nam. Cụ thể, để phát bệnh do vi-rút Zika, người bệnh phải bị muỗi cắn 3-12 ngày trước đó. Thời điểm này hoàn toàn phù hợp với lời khai của du khách người Úc: nhập cảnh vào Việt Nam ngày 26/2 và rời khỏi Việt Nam vào ngày 6/3; ba ngày sau đó khi trở về Úc, bệnh nhân phát bệnh, với biểu hiện sốt, phát ban.

Du khách người Úc đã đến TP.HCM, sau đó đi Nha Trang, Bình Thuận và lên Đà Lạt trước khi trở về nước. Vi-rút Zika lan truyền qua muỗi Aedes aegypti. Nếu như loại muỗi đó đã chích du khách thì có khả năng chúng đã chích những bệnh nhân khác. Do đó, việc tìm nguồn muỗi lây bệnh để xử lý là cực kỳ quan trọng.

“Tuy nhiên để xác định chắc chắn nguồn bệnh ở địa phương nào thì ngành y tế đang vào cuộc. Chúng tôi tăng cường điều tra dịch tễ vì mùa mưa sắp tới, muỗi sinh sản nhiều nên nguy cơ lây bệnh từ loại vi-rút này sẽ lan rộng hơn” - ông Lân nói.

Tại TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin ca người Úc nhiễm vi-rút Zika, Sở đã gửi công văn khẩn cấp đến các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện (BV) để triển khai tập huấn phát hiện sớm ca bệnh. Trước đây, khi các nước lân cận phát hiện bệnh, TP.HCM có hai điểm nhận mẫu gửi về cho Viện Pasteur TP.HCM, còn hiện nay đã tăng số điểm nhận mẫu lên đến 23 BV quận/huyện cùng sáu BV lớn. Các BV này sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh cho những ca có biểu hiện giống như bệnh do vi-rút Zika để gửi về Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm”.

Theo các chuyên gia y tế, vi-rút Zika gây bệnh đã được phát hiện từ năm 1947 và được các nhà khoa học ghi nhận liên quan đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh từ năm 1952. Mầm bệnh có khả năng tồn tại thời gian dài nhưng khó phát hiện vì bệnh biểu hiện không rõ ràng, triệu chứng nhẹ: sốt, phát ban; đặc biệt đến 80% trường hợp không có biểu hiện, chỉ phát hiện khi vô tình thực hiện xét nghiệm. Đơn cử như Lào, sau khi tra cứu hồ sơ cách đây 5 năm đã phát hiện có đến 19 ca mắc bệnh.

Viện Pasteur đã tăng cường máy móc, hóa chất để xét nghiệm bao quát bệnh do vi-rút Zika. Việc kiểm soát hiện nay không chỉ tập trung vào du khách, người bệnh từ các nước trong vùng dịch đến mà còn kiểm tra với những bệnh nhân trong nước. Hiện mỗi ngày, TP.HCM có đến 30 BV gửi từ 100 - 200 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm virút Zika.

Rất nguy hiểm cho thai nhi dưới 3 tháng tuổi 

PGS-TS-BS Phan Trọng Lân khuyến cáo, vi-rút Zika gây bệnh ở người lớn chỉ có triệu chứng sốt, phát ban thông thường, nhưng với thai phụ nhiễm virút này sẽ rất nguy hiểm. Thai nhi dưới ba tháng tuổi có nguy cơ cao bị đầu nhỏ. Điều đáng nói, sau sáu-chín tháng phát bệnh mới có kết quả chẩn đoán chính xác.

ThS-BS Đặng Thị Hiện - Trưởng khoa Khám bệnh B, BV Hùng Vương TP.HCM cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy thai nhi bị nhiễm bệnh từ mẹ nhiễm vi-rút Zika. Tuy nhiên, đã có một số báo cáo cho thấy, những trẻ có mẹ bị nhiễm vi-rút Zika sẽ bị teo não. Hiện chưa có phương thức điều trị hiệu quả bệnh này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI