Du khách quốc tế vẫn đang gặp rào cản

07/04/2022 - 14:54

PNO - Yêu cầu kiểm tra y tế vẫn khắt khe, chính sách thị thực chậm thay đổi đã khiến khách du lịch quốc tế ngại đến dù Việt Nam đã mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,4% so với tháng trước và tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý I/2022, gần 91.000 khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%. 

Lượng khách quốc tế tăng là do Việt Nam đã mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế được khôi phục. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt thừa nhận, kết quả trên vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Chuyến bay chở những khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam sau ngày 15/3 do Vietnam Airlines thực hiện. (Trong ảnh: Hành khách đang làm thủ tục tại sân bay quốc tế Singapore trước khi bay tới Việt Nam) - ẢNH: VNA
Chuyến bay chở những khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam sau ngày 15/3 do Vietnam Airlines thực hiện. (Trong ảnh: Hành khách đang làm thủ tục tại sân bay quốc tế Singapore trước khi bay tới Việt Nam) - ẢNH: VNA

Vừa hoàn thành tour đưa khách Việt đi Dubai trở về, ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên khách châu Âu đến Việt Nam) - nhận xét: Hiện khách Việt đi Dubai khá dễ dàng, chỉ cần hộ chiếu là được nhưng ở chiều từ Dubai về Việt Nam, du khách gặp không ít phiền hà khi phải tìm chỗ xét nghiệm (test PCR), chờ kết quả âm tính mới được nhập cảnh. “Đó là rào cản thực sự” - ông nói.

Ở Việt Nam, một số nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan vẫn yêu cầu kiểm tra thân nhiệt đối với khách. Du khách có thân nhiệt cao sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì phải tách đoàn để điều trị. Điều này không chỉ khiến chương trình tour bị ảnh hưởng mà còn khiến du khách - nhất là khách Âu, Mỹ - cảm thấy không thoải mái do bị giám sát y tế trong quá trình du lịch.

Chính sách thị thực (visa) nhập cảnh của Việt Nam cũng kém tính cạnh tranh so với Thái Lan, Singapore. Việt Nam miễn thị thực 14 ngày đối với khách du lịch, trong khi nhiều nước miễn thị thực một tháng. Thái Lan, Singapore miễn thị thực cho toàn bộ công dân châu Âu, trong khi Việt Nam chỉ miễn cho công dân một số nước châu Âu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, một số lý do khác khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều là các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam chưa thể sắp xếp tour ngay trong tháng Ba, tháng Tư. Du khách châu Á cần có thời gian ít nhất ba tháng, khách Âu, Mỹ cần 6-8 tháng để lên chương trình tour, tính từ ngày Việt Nam công bố mở cửa đón khách nước ngoài. Số chuyến bay quốc tế vẫn còn ít dẫn đến giá vé khá đắt đỏ cũng là một nguyên nhân. Hiện tại, các chuyến bay từ châu Âu tới Việt Nam không đủ số khách cần có, làm ảnh hưởng đến giá tour, đẩy chi phí của du khách lên cao…

Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, cơ quan có thẩm quyền của  Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong việc nới lỏng quy định nhập cảnh, cụ thể là các chính sách thị thực, xét nghiệm COVID-19. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách khi nhập cảnh.

Tại diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới” diễn ra cách đây vài ngày, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng để thu hút khách du lịch, nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực và công khai thủ tục trên nền tảng điện tử. Hiện nay, chi phí thị thực du lịch nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Indonesia, Lào, Campuchia. Các thông tin về thủ tục cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam ít được công khai trên các cổng thông tin điện tử chính thức. Điều này ảnh hưởng không tốt đến tính minh bạch, sự cởi mở, linh hoạt của Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI