Vắng khách ra đảo
Sau vụ chìm ca nô Phương Đông 05 vào ngày 26/2 khiến 17 người tử vong, lượng khách ra đảo Cù Lao Chàm (TP. Hội An) giảm hẳn. Phần lớn tàu thuyền nằm bờ, du khách thưa vắng. Thậm chí, ngày 14/3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam còn ra thông báo tạm dừng việc cấp phép cho tàu xuất bến Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm, do chính quyền xã đảo này cho rằng xã không chịu trách nhiệm cấp phép cho tàu xuất bến từ đảo vào bờ nữa.
|
Ngày 14/3, bến Cửa Đại không một bóng người, tàu thuyền neo đậu tại chỗ - Ảnh: Đình Dũng |
Ông Sơn - nhân viên bảo vệ bến Cửa Đại - kể sau vụ chìm tàu, khách vắng hẳn. Những năm trước, ô tô, xe máy đậu kín bãi nhưng bây giờ, thỉnh thoảng mới có vài đoàn ghé đảo, chủ yếu là khách công vụ hoặc tàu dân sinh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bến Cửa Đại vắng hoe, các ki-ốt bán vé và đồ ăn uống đóng cửa im lìm. Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty Lữ hành Hội An - cho biết dịch COVID-19 khiến khách vắng hơn trước; sau sự cố chìm ca nô vừa rồi, khách càng vắng hơn, các đơn vị lữ hành kinh doanh tuyến Cù Lao Chàm làm ăn ngày càng khó khăn hơn. Sau sự cố chìm ca nô, các công ty lữ hành ở TP. Hà Nội và TPHCM không bán được tour ra Cù Lao Chàm. Nhìn chung, lượng khách sụt giảm rõ rệt sau vụ chìm ca nô.
Chị Lê Thị Nhung (TP. Đà Nẵng) cho biết, sau đợt dịch COVID-19 kéo dài, chị và nhóm bạn dự định đi du lịch đảo Cù Lao Chàm cho gần và tiết kiệm nhưng sau vụ chìm ca nô, cả nhóm phân vân, chưa quyết định có nên ra đảo hay không.
Ông Trương Văn Sơn - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, đơn vị cấp phép cho tàu xuất bến Cửa Đại - cho biết Cửa Đại là cảng du lịch nội địa, mỗi ngày đón tiếp và phục vụ khoảng 2.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đi ra đảo Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, từ năm 2020, khi có dịch COVID-19, số khách ra đảo giảm hẳn. Khi dịch bệnh dần được khống chế, lượng khách ra đảo đang dần nhiều lên thì xảy ra vụ lật ca nô Phương Đông 05 khiến lượng khách sụt giảm mạnh, mỗi ngày chỉ còn bình quân 4-5 tàu ra đảo. Trước đây, mỗi tàu chở 35 người nhưng nay chỉ khoảng 10-15 người/tàu.
Xem lại độ an toàn của ca nô mui kín
Theo ông Trương Văn Sơn, sau vụ tai nạn, Sở GTVT đã thành lập tổ liên ngành rà soát lại hoạt động vận tải trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Sở đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đánh giá lại hoạt động của ca nô mui kín, nhưng cũng phải chờ lâu. Trong thời gian chờ đợi, sở vẫn cấp phép cho các ca nô ở tuyến này. Việc quản lý vốn chặt chẽ từ trước đến nay, nhưng số nạn nhân tử vong nhiều là do ca nô bít bùng, du khách không thể thoát ra ngoài sớm được.
|
Trước khi xảy ra dịch COVID-19 và vụ chìm ca nô, có rất đông du khách ra đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Đình Dũng |
Hiện có khoảng 80 ca nô mui kín (theo chuẩn SB) đang hoạt động tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Loại tàu nhỏ mui kín này khiến việc cứu hộ khó khăn. Trong vụ chìm ca nô Phương Đông 05, tất cả hành khách đều được trang bị áo phao nhưng khi ca nô lật và chìm, lực lượng cứu hộ không tiếp cận nạn nhân được. Muốn cứu, người cứu hộ phải buộc dây vào bụng để người bên trên kéo lên khi thấy dây giật, bởi nạn nhân có thể túm lấy tay, chân người cứu hộ.
Trước đây, khi vận chuyển khách bằng ca nô mui hở (theo chuẩn SI), chưa ghi nhận vụ tai nạn nghiêm trọng nào.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn góp ý: “Sau vụ tai nạn trên, chúng tôi cho rằng, UBND TP. Hội An nên khuyến cáo cho du khách về sự an toàn, đồng thời ngành GTVT nên dùng lại tàu theo chuẩn SI chứ không theo chuẩn SB như hiện tại. Tàu mui hở (chuẩn SI) thông thoáng cho khách, nếu bị lật hay chìm thì người văng ra và nổi lên nhờ có áo phao nên hiếm có trường hợp tử vong.
Từ năm 2017, Bộ GTVT yêu cầu tàu vận chuyển khách gần bờ phải theo chuẩn SB nên chủ tàu phải hoán cải tàu, dẫn đến thông số kỹ thuật khó đảm bảo, lại tốn kém chi phí. Một chiếc tàu nếu mua mới thì khoảng 2 tỷ đồng, muốn hoán cải, phải mất thêm gần 700 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP. Hội An - cho biết chính quyền thành phố đã kiến nghị về chuẩn kỹ thuật tàu, nhưng phải chờ ý kiến của Bộ GTVT. Chính quyền thành phố cũng tổ chức lễ cầu siêu ở biển Cửa Đại để trấn an tâm lý cho du khách ra Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, trong vấn đề kiểm soát, vẫn chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm và đang có sự chồng chéo trong việc cấp phép xuất bến.
Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT cử ra một tổ công tác bảy người, nhưng xét về mặt quy định thì không phù hợp lắm bởi thanh tra không có chức năng cấp phép. Hơn nữa, khi có tổ này, mô hình quản lý sẽ theo kiểu cảng vụ chứ không phải ban quản lý bến.
“Cần phải làm rõ Cửa Đại là cảng hay bến để áp dụng hình thức hoạt động là cảng vụ hay ban quản lý bến, nhằm có sự nhất quán trong việc quản lý và cấp phép cho tàu bè ra vào. Hiện nay, chúng tôi đang chờ Sở GTVT làm rõ việc này để tránh chồng chéo hoạt động” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.
Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cũng chia sẻ: “UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND huyện quản lý tuyến thủy nội địa từ đảo Lớn qua đảo Bé và giao cho ban quản lý cảng quản lý. Vừa rồi, Sở GTVT thanh kiểm tra thì cả tám phương tiện chạy tuyến này đều đảm bảo yêu cầu; việc kiểm tra, kiểm soát, thủ tục của các cơ quan phối hợp đều đảm bảo. Tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ có sáu phương tiện, cũng đều đảm bảo các yêu cầu.
Sau vụ chìm ca nô ở TP. Hội An, UBND huyện Lý Sơn đã kiến nghị lên UBND tỉnh về việc nên dùng tàu theo chuẩn SI vì chuẩn SB không phù hợp, gây khó cho công tác cứu hộ. Sở GTVT cũng có kiến nghị tương tự với Bộ GTVT rồi”.
Tàu mui kín có an toàn? Về việc tàu cao tốc được thiết kế kín, ông Nguyễn Vũ Hải - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - lý giải tổ chức đăng kiểm của các nước đều quy định tàu cao tốc chạy ven biển phải có cấu hình kín để giữ an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành. Đây là cấu hình tuân thủ theo quy định của luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy. Nếu không có mui kín, khi tàu chạy, gió sẽ bạt, sóng sẽ đánh lên khoang hành khách và đọng nước gây mất ổn định phương tiện và mất an toàn. Ở Việt Nam, hiện có nhiều tuyến vận tải khách ven biển bằng tàu cao tốc mui kín, có lối thoát hiểm ở hai đầu tàu. Loại tàu cao tốc mui kín hoạt động từ lâu nay, chứng tỏ có tính ổn định cao. Vì vậy, Theo Cục Đăng kiểm, cần đánh giá độ an toàn qua nhiều yếu tố như người điều khiển, cách vận hành, tốc độ chạy, luồng tuyến chứ không chỉ từ góc độ phương tiện. Về đề xuất dùng tàu mui hở, ông Nguyễn Vũ Hải cho rằng, khi xây dựng bộ luật an toàn về tàu cao tốc, các tổ chức quốc tế đã dựa trên kết quả đánh giá tất cả các rủi ro để đưa ra chuẩn thiết kế. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung, cần có sự đánh giá, rà soát và phải tuân theo chuẩn quốc tế về tàu cao tốc. Sau vụ tai nạn ở biển Cửa Đại, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, cục đang rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về yếu tố phương tiện thủy cao tốc và sẽ đề xuất sửa đổi nếu có chỗ chưa hợp lý. Nam Việt |
Lê Đình Dũng