PNO - Việc bùng nổ du lịch sau đại dịch, thậm chí từ trước đó đã tạo nên gánh nặng cho một số địa điểm nổi tiếng. Không chỉ đe dọa vẻ đẹp yên bình của tự nhiên, một số du khách thiếu ý thức còn góp phần hủy hoại các giá trị văn hóa khiến người dân bản địa đau đầu.
Mới đây, công viên quốc gia Grand Canyon (Mỹ) đã kêu gọi du khách ngừng sử dụng địa danh này làm nơi gắn những “ổ khóa tình yêu”. Công viên giải thích trên trang Facebook chính thức rằng những ổ khóa khắc tên các cặp đôi có thể nằm yên trên hàng rào nhưng việc họ ném chìa khóa xuống các hẻm núi đã gây ra mối đe dọa cho loài chim kền kền quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Kiểm lâm Dan Pawlak cầm kìm và một đoạn ổ khóa tình yêu vừa cắt ra từ những hàng rào tại công viên Grand Crayon
Bài đăng viết: "Mọi người nghĩ rằng việc khóa ổ khóa vào hàng rào an toàn ở các điểm quan sát là một cách tuyệt vời để thể hiện tình yêu. Thực tế không phải vậy. Để lại những ổ khóa như thế này là hành vi xả rác và gây mất mỹ quan”. Đáng lo ngại, những chiếc chìa khóa bị vứt đi dễ dàng rơi vào tầm mắt của bầy kền kền. Loài chim này “thích những vật sáng bóng” và cũng thường nuốt đồng xu, giấy gói hoặc những mảnh kim loại khác mà hệ tiêu hóa của chúng không thể xử lý hay loại thải. Công viên cảnh báo: "Nếu một con kền kền ăn quá nhiều vật thể như thế này, nó có thể chết”. Cuối bài đăng, công viên nhấn mạnh: “Tình trạng ổ khóa và rác thải không chỉ giới hạn ở Grand Canyon. Đừng góp phần vào những thói quen xấu này và hãy chia sẻ cho người khác về điều gì có thể xảy ra với động vật hoang dã nếu những hành vi như thế tiếp tục".
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một điểm du lịch nổi tiếng gặp rắc rối vì khóa tình yêu. Tại thành phố Paris, cầu đi bộ The Pont des Arts - hay “Cầu khóa tình yêu” - là tuyến đường quan trọng bắc qua sông Seine mang tính biểu tượng của thủ đô nước Pháp. Có một truyền thống lâu đời là các cặp tình nhân thường đến cây cầu và khóa ổ khóa khắc tên họ lên hàng rào. Tuy nhiên, vào năm 2015, sức nặng của hàng ngàn ổ khóa kim loại đã khiến một phần hàng rào sụp đổ xuống sông, đe dọa làm suy yếu thêm cấu trúc cây cầu. Vì vậy, chính quyền thành phố đã quyết định thay thế hàng rào bằng những tấm kính. Thật ra, việc gắn ổ khóa vào hàng rào tại một địa danh nổi tiếng không thể giúp tình yêu vững bền. Năm 2021, tiktoker Kassie Yeung đã vượt hơn 9.500km từ Los Angeles (Mỹ) đến Seoul (Hàn Quốc) để tháo ổ khóa tình yêu mà cô và người yêu cũ đã gắn vào hàng rào tại tháp Namsan.
Những hành vi phá hoại
Tháng 8/2023, một du khách người Pháp đối mặt với mức phạt lên tới 3.000 euro sau khi cảnh sát tìm thấy 41kg sỏi và đá từ bãi biển hoang sơ Lampianu, đảo Sardinia (Ý) trong cốp xe của anh ta. Vị du khách bị chặn lại khi đang cố gắng lên một chuyến phà từ Porto Torres đến cảng Nice của Pháp. Các bãi biển cát trắng của Sardinia là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới nhưng việc lấy, cất giữ, mua bán cát, sỏi, đá hoặc vỏ sò từ bờ biển hoặc biển có thể biến du khách thành tội phạm. Khách du lịch thậm chí có thể phải đối mặt với án tù nếu bị kết án về tội trộm cắp tài sản công.
Hòn đảo Sardinia được biết đến với những bãi biển cát trắng hoang sơ. Chính quyền địa phương yêu cầu khách du lịch không đem cát và sỏi ở đó về làm kỷ niệm
Năm 2019, một cặp vợ chồng người Pháp bị bắt quả tang mang theo 14 chai nhựa chứa đầy cát, nặng tổng cộng 40kg. Nó có vẻ là một vấn đề nhỏ nhưng việc lấy trộm cát và sỏi từ các bãi biển có thể gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng. Nhà khoa học môi trường người Sardinia - Pierluigi Cocco - giải thích: “Chỉ một phần nhỏ khách du lịch đến thăm Sardinia dành thời gian để thu thập 40kg cát. Nhưng nếu bạn nhân con số đó với 5% của 1 triệu khách du lịch mỗi năm, thì trong vài năm, số cát mất đi sẽ góp phần đáng kể vào việc thu hẹp các bãi biển".
Tháng 6/2023, một đoạn video quay cảnh khách du lịch khắc dòng chữ "Ivan + Haley 23" vào bức tường đá 2.000 năm tuổi của đấu trường La Mã tại Ý đã được tải lên YouTube và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Theo hãng thông tấn Ý ANSA, người đàn ông trong video được xác định là Ivan Dimitrov có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 16.000 USD và 5 năm tù.
Trước đó, tháng 9/2020, một người đàn ông 32 tuổi đến từ Ireland cũng bị bắt quả tang dùng một mũi nhọn kim loại để khắc tên viết tắt của mình tại đấu trường La Mã. Anh ta bị bắt và bị buộc tội gây thiệt hại nghiêm trọng đối với một tài sản có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Vào thời điểm đó, luật pháp Ý quy định rằng các cáo buộc có thể dẫn đến án tù lên tới 1 năm hoặc mức phạt tối thiểu là 2.400 USD. Tháng 7/2023, một thiếu niên người Canada bị buộc tội phá hoại ngôi chùa Toshodaiji Kondo 1.200 năm tuổi ở Nhật Bản. Ngôi chùa này là 1 trong 8 di tích lịch sử được bảo vệ ở thành phố cổ Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết chàng trai 17 tuổi đã dùng móng tay khắc chữ “Julian” vào cột gỗ bên trong ngôi chùa Phật giáo được thành lập vào năm 759 sau Công nguyên. Cảnh sát đã thẩm vấn cậu thanh niên vì nghi ngờ vi phạm luật bảo vệ tài sản văn hóa của nước này.
Dân địa phương "ngán" du khách
Hình ảnh Bali trong tâm trí du khách nước ngoài là những cánh đồng lúa xanh mướt và những bãi cát vàng trải dài theo làn nước trong xanh như ngọc, người dân địa phương nồng nhiệt đùa giỡn với du khách nước ngoài cạnh các quán bar trên bãi biển. Nhưng giờ đây, cảnh vật của hòn đảo không còn yên bình như vậy.
Một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản treo biển phê phán những du khách nước ngoài có “cách cư xử tồi tệ”
Trong hơn 1 năm kể từ khi Bali mở cửa trở lại cho du khách quốc tế, hành vi ngang ngược ngày càng gia tăng của khách du lịch đã làm vấy bẩn hòn đảo thiên đường, thúc đẩy các quan chức quốc gia và địa phương nghĩ ra những cách mới để giải quyết tình trạng du khách xâm phạm tự nhiên và văn hóa tinh thần của người dân. Các quy định mới dành cho du khách bao gồm lệnh cấm leo núi, nơi được coi là linh thiêng và là nơi thờ phụng các vị thần Hindu.
Đề xuất của thống đốc Bali được đưa ra ngay sau khi 1 phụ nữ Đức khỏa thân bước vào ngôi đền ở Bali và 1 phụ nữ Nga tạo dáng khỏa thân bên gốc cây đa linh thiêng của đảo.
Tháng 3/2023, việc 1 blogger người Nga tụt quần chụp ảnh cạnh ngọn núi lửa linh thiêng đã góp phần vào con số hơn 100 du khách bị trục xuất khỏi Bali chỉ trong nửa đầu năm 2023. I Nengah Subadra - phó giáo sư du lịch tại Đại học Triatma Mulya của Bali - cho biết, nhiều khách du lịch không hiểu hành động của mình có thể tác động sâu sắc đến Bali như thế nào. Việc ăn mặc quá “thoáng đãng”, nói chuyện quá ồn ào hoặc chạm vào ai đó quá thân mật tại các địa điểm linh thiêng sẽ phá vỡ sự cân bằng tinh thần mong manh của hòn đảo. Tổng cục Du lịch Bali đang xúc tiến 1 chiến dịch quảng cáo yêu cầu du khách cư xử cẩn trọng hơn.
Du khách nước ngoài tại bãi biển Kuta nằm xem người dân Bali rước lễ Melasti, một nghi lễ thanh tẩy của đạo Hindu
Nhìn chung, Bali chỉ là một trong số ngày càng nhiều điểm du lịch nổi tiếng chán ngấy tình trạng quá tải du lịch. Hawaii (Mỹ) đang xem xét giải thể cơ quan tiếp thị du lịch do chính phủ tài trợ. Amsterdam (Hà Lan) đang cố gắng giảm hành vi ồn ào của khách du lịch ở Khu đèn đỏ, ban hành lệnh cấm hút thuốc trên đường phố, giảm giờ hoạt động tại các nhà hàng và nhà thổ, đồng thời thắt chặt một số hạn chế về rượu. Chính quyền Ý đã phạt khách du lịch ở Rome, Florence và Venice vì xả rác, cắm trại, phá hoại và vi phạm giao thông…