Mức chi tiêu thấp
Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 6,6 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, đông nhất là khách đến từ Hàn Quốc (1,9 triệu lượt, chiếm gần 30%), kế đến là Trung Quốc (738.000 lượt), Mỹ (445.000 lượt).
Theo phân tích của các tổ chức du lịch thế giới, trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc chi tiêu khá hào phóng. Reuters dẫn báo cáo của Citibank (Mỹ) cho hay, trong năm 2019, 155 triệu khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu 254,6 tỉ USD. Thế nhưng, những du khách Trung Quốc sang Việt Nam trong 20 năm qua luôn nằm trong nhóm chi tiêu dè sẻn nhất.
|
Đoàn khách Trung Quốc tham quan Bưu điện TPHCM sáng 28/3 - Ảnh: Quốc Thái |
Theo Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu bình quân chung của du khách quốc tế tại Việt Nam năm 2017 là 1.141,5 USD/khách, năm 2019 là 1.151,8 USD/khách. Trong đó, khách đến từ Philippines có mức chi cao nhất (khoảng 2.257,8 USD/người), tiếp theo là khách Bỉ (1.995,3 USD/người), Mỹ (1.709,7 USD/người), Úc (1.416,5 USD/người), Đan Mạch (1.383,5 USD/người).
Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu khách từ Trung Quốc và 4,2 triệu khách từ Hàn Quốc nhưng mức chi tiêu của du khách Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt chỉ là 884,3 USD/người và 838,4 USD/người, thấp hơn 30 - 40% so với mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam.
Sản phẩm chưa đa dạng, dịch vụ chưa tốt
Ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang - cho hay, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có 2 dạng: đi tự túc và đi theo chương trình tour. Với nhóm tự đi, họ có xu hướng tiết kiệm hơn so với đi tour. Ngoài ra, đa số khách tự túc đi bằng đường bộ, còn nhóm khách đi tour thường chọn đường hàng không, các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến). Nhóm thuê nguyên chuyến bay thường có mức chi tiêu từ trung bình khá trở lên.
“Những khách Trung Quốc đi theo tour có mức chi tiêu trung bình, họ ở khách sạn 3-4 sao, mức chi mỗi ngày là 120 USD (bao gồm khách sạn, ăn uống), nếu chương trình tour 5 ngày thì khách chi khoảng 600 USD. Những khách Trung Quốc ở khách sạn 5 sao chi trung bình trên 1.000 USD cho 5 ngày” - ông Từ Quý Thành thông tin.
Cũng theo ông, khách Hàn Quốc thường du lịch Việt Nam thông qua các du học sinh hoặc người Hàn Quốc sinh sống và làm việc ở Việt Nam chứ ít khi thông qua các công ty lữ hành, du lịch của Việt Nam. Nếu có, họ cũng chỉ sử dụng dịch vụ lẻ. Khách Hàn Quốc chú trọng trải nghiệm, vui chơi chứ không ưu tiên nhiều cho việc mua sắm khi đến Việt Nam.
Khách Trung Quốc mua sắm nhiều hơn khách Hàn Quốc nhưng họ cũng ít mua sắm ở Việt Nam do thiếu điểm mua, sản phẩm không phong phú. Ở các điểm mua bán, ít có nhân viên biết tiếng Hoa. Trong khi đó, Thái Lan quy hoạch rõ ràng các điểm mua sắm cho khách du lịch, bố trí người biết tiếng của du khách nước đến để tiếp khách, thuyết minh, bán hàng.
|
Du khách Hàn Quốc đến tỉnh Khánh Hòa vào tháng 5/2022 - Ảnh: Huyền Hoa |
Theo ông Từ Quý Thành, khách Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu mua các đặc sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đồ thủ công mỹ nghệ. Khách Trung Quốc rất thích thực phẩm tươi sống, nông sản nhưng họ chỉ ăn tại chỗ chứ không mang về nước do khâu vận chuyển của Việt Nam rất hạn chế. Trong khi đó, ở nước khác, du khách mua hàng ở chợ, người bán đóng gói, chuyển hàng theo địa chỉ, có khi khách đi du lịch chưa về thì hàng đã về tới cổng nhà. Với nhóm hàng hiệu, hàng xa xỉ, khách du lịch lại lo ngại về chất lượng. Hơn nữa, các điểm bán hàng ở Việt Nam gần như không có khâu bảo hành, bảo trì nên du khách khó mà chi tiêu cho nhóm hàng này khi đến Việt Nam.
Ngành du lịch thất thoát doanh thu
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội - hiện nay, nhiều công ty du lịch, lữ hành của Hàn Quốc, Trung Quốc đã đặt văn phòng tại Việt Nam. Các văn phòng này chuyển doanh thu cho công ty mẹ hoặc gửi khách cho công ty đối tác tại Việt Nam, sau đó chia hoa hồng, chiết khấu. Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam thất thoát lượng lớn doanh thu từ du lịch. Các công ty trên cũng thường đưa khách vào hệ thống mua sắm do họ tự đầu tư nên du lịch Việt Nam chỉ thu được các khoản cơ bản như tàu xe, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, giải trí.
“Trong chi phí cấu thành 1 tour, nếu giá tour 1 đồng thì khách du lịch thường đem theo từ 5-10 đồng để chi tiêu. Đáng buồn là khách không chi vào dịch vụ của Việt Nam mà vào dịch vụ mua sắm của đơn vị cung cấp tour. Nói cách khác, các công ty này đang sử dụng cơ sở vật chất của Việt Nam để kiếm doanh thu thông qua hoạt động mua sắm” - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương phân tích.
Chi tiêu, mua sắm của nhóm khách Trung Quốc, Hàn Quốc cao hơn so với khách Mỹ, Úc, châu Âu nhưng nhóm khách Mỹ, Úc, châu Âu lại tiêu xài, sử dụng dịch vụ của Việt Nam nhiều hơn. Điều này trước hết mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp du lịch đang làm tour, cho cộng đồng địa phương, cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất hàng hóa của Việt Nam.
“Các công ty du lịch ở các nước tổ chức tour quốc tế theo hướng trải nghiệm với cộng đồng địa phương, với văn hóa bản địa, còn công ty du lịch của Hàn Quốc đưa khách trải nghiệm dịch vụ Hàn Quốc ở nước khác. Tức là, họ tự đầu tư các điểm mua sắm ở Việt Nam, dẫn khách Hàn Quốc vào mua sắm ở đó. Tiền Hàn Quốc mang qua Việt Nam nhưng chi tiêu trong khu vực mua sắm do người Hàn Quốc đầu tư, tức là đồng tiền đó vẫn lưu hành nội bộ” - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói.
Một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn cho biết các công ty du lịch Trung Quốc đưa khách sang Việt Nam, ở khách sạn, ăn nhà hàng, hát karaoke của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư núp bóng doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí uống rượu bia, hút thuốc chỉ của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia du lịch, ngành du lịch cần thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng, mở rộng hệ thống điểm bán hàng cho du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần học tập các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc về cách làm du lịch shopping chuyên nghiệp để áp dụng vào các chương trình tour.
Quốc Thái