Du khách đông nhưng du lịch vẫn chưa thể vui

03/05/2023 - 06:04

PNO - Các điểm du lịch đông nghịt du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Dù vậy, chính quyền các địa phương là điểm đến, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể vui khi nghĩ về cảnh ế ẩm sau kỳ nghỉ lễ.

Bội thu dịp lễ

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn ở TPHCM như Vietravel, Saigontourist, Vietluxtour, TST tourist… đều đón lượng khách lớn. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Giám đốc tiếp thị Công ty Vietravel - cho biết, đợt lễ này, công ty phục vụ hơn 21.000 du khách, chủ yếu là khách đi du lịch trong nước, chiếm hơn 50%.  

Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho hay, từ ngày 29/4 - 3/5/2023, Saigontourist đón 10 đoàn khách quốc tế với trên 5.000 người từ Đức, Pháp và các nước châu Á đến Việt Nam bằng đường hàng không, đường tàu biển để đi tour xuyên Việt, đồng thời phục vụ khoảng 18.000 lượt khách trong nước đi tour trong nước và quốc tế. 

Theo bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Dịch vụ Hội An Express (tỉnh Quảng Nam) - lễ năm nay, lượng khách trong nước tăng đột biến: “Bên cạnh một số điểm đến quen thuộc như Cù Lao Chàm, Vinpearl Nam Hội An, đảo Ký Ức Hội An, chúng tôi cũng triển khai một số tour, tuyến mới đến Cửa Khe (huyện Thăng Bình), làng bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ), làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) gắn với các dịch vụ, sản phẩm phù hợp như team building dành cho khách đoàn, học sinh, sinh viên nghỉ hè, được khách Việt đặt tour khá nhiều”.  

Lễ hội đường phố tại Festival nghề truyền thống Huế 2023 để lại nhiều ấn tượng cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại cố đô Huế - Ảnh: Thuận Hóa
Lễ hội đường phố tại Festival nghề truyền thống Huế 2023 để lại nhiều ấn tượng cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại cố đô Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Hầu hết khách sạn - từ các khách sạn 4-5 sao  cho đến homestay - ở tỉnh Thừa Thiên - Huế kín phòng trong những ngày từ 28/4 - 1/5. Tổng lượng khách đến tỉnh này trong khoảng thời gian trên khoảng 55.000 lượt, trong đó có 32.000 lượt lưu trú (có 800 khách quốc tế), doanh thu đạt 85 tỉ đồng. Theo Sở Du lịch tỉnh, năm nay, lượng khách đến Thừa Thiên - Huế dạng tự túc theo nhóm gia đình, bạn bè cao hơn hẳn so với khách đi theo tour do các đơn vị lữ hành tổ chức (tỉ lệ 70/30).  

Hết lễ là vắng khách 

Theo ông Từ Quý Thành -  Tổng giám đốc Công ty Liên Bang Travel (TPHCM) - lượng khách sau lễ chỉ chiếm khoảng 50% so với lúc cao điểm. Lượng khách chênh lệch giữa lúc thấp điểm so với lúc cao điểm sẽ khiến các đơn vị lữ hành phải “chạy đua” tìm khách để đủ số tour nên sẽ tốn nhiều chi phí để tiếp thị, quảng cáo hoặc làm các chương trình khuyến mãi, kích cầu. Nhiều công ty cũng lo phát triển thêm sản phẩm du lịch mới, lạ để cạnh tranh, thu hút khách.

Du khách vui chơi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày lễ 30/4 - 1/5 - ảnh: Thanh Vạn
Du khách vui chơi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh: Thanh Vạn

Ở khối lưu trú, ông Võ Minh Trung - Giám đốc khách sạn Riverside Saigon - cho hay, dịp lễ 30/4, công suất đặt phòng đạt gần 100%, các sảnh tiệc cũng đạt 50 - 70% trở lên nhưng chỉ được vài ngày nghỉ lễ. Sau lễ, các khách sạn thường giảm bớt nhân sự, đồng thời tăng khuyến mãi để có lượng khách đặt phòng nhất định. Việc tăng khuyến mãi sẽ tác động đến chất lượng dịch vụ, chẳng hạn phải cân đối lại thực đơn các suất ăn. Việc cắt giảm nhân sự cũng sẽ gây ra những khó khăn trong các đợt lễ, tết tiếp theo.

Chỉ trong 4 ngày nghỉ, đã có gần 10.000 khách đến huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các khách sạn “cháy” phòng. Tuy nhiên, hết lễ, đảo lại vắng khách. Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - nhận định: “Du khách giảm mạnh sau mùa lễ, tết do nguồn lực tài chính của du khách, do dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Dù đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng các tour du lịch vẫn lệ thuộc nhiều vào thị trường và khách”.

Ở tỉnh Nghệ An, riêng bãi biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò) đón khoảng 60.000 du khách dịp nghỉ lễ, trong đó trên 50% là du khách các tỉnh, lưu trú ở thị xã Cửa Lò. Bãi biển Cửa Lò thường đông khách trong mùa hè, từ tháng 5-7, mỗi tháng có khoảng 70.000-80.000 du khách. Ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thị xã Cửa Lò - cho hay, chính quyền thị xã đang gắng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang lại bãi biển để thu hút đông khách hơn.

Ông  Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Mường Thanh khu vực miền Trung - nhận định, phần lớn du khách đến bãi biển Cửa Lò là khách nội tỉnh và khách đến từ các tỉnh phía Bắc. Để thu hút đông du khách, UBND tỉnh cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, từ đó tạo nên những sản phẩm có tầm cỡ hơn, đẳng cấp hơn.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) nhận định: “Du lịch dịp lễ 30/4 năm nay không có sự bùng nổ so với mọi năm. Sau kỳ nghỉ lễ, du lịch nội địa sẽ càng ảm đạm. Ngoài việc dịch bệnh bùng phát trở lại, chi phí du lịch trong nước ngày càng tăng trong khi chi phí du lịch các nước láng giềng khá rẻ là nguyên nhân khiến du lịch nội địa kém hấp dẫn. Nếu không có sự điều chỉnh về giá cả, du lịch trong nước dịp hè cũng khó có nguồn khách, doanh thu. Cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay chưa tốt cũng khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng”.

Bộc lộ sự thiếu đồng bộ

Ông Trần Quang Hào - Giám đốc Công ty Du lịch Huế Tourist - cho rằng, Huế đang thiếu các điểm vui chơi, giải trí về đêm. Du khách đến TP Huế ban đêm thì không biết đi đâu, làm gì bởi không phải khách nào cũng thích nghe ca Huế, còn điểm vui chơi về đêm chỉ loanh quanh trục đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Chu Văn An, Hai Bà Trưng. 

Kích cầu là giải pháp tốt để cải thiện ngành du lịch, nhưng theo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, việc kích cầu cần đồng bộ chứ không thể cứ “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. 

“Để du lịch Huế phát triển, phải tìm thêm các nhà làm tour, tuyến, phải tăng sản phẩm du lịch về đêm để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Ngành du lịch TP Huế lâu nay không chú trọng các sản phẩm khác bên cạnh ngắm cảnh và tham quan di tích. Chúng ta chưa phát triển du lịch gắn với cộng đồng, du lịch gắn với các tài nguyên hiện có như đầm, phá, biển, rừng quốc gia, du lịch tâm linh và văn hóa” - ông Trần Quang Hào nhận xét.

Ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng, sản phẩm du lịch ở tỉnh này khá đơn điệu: “Khách đến Huế tăng trưởng chậm, lưu trú không dài ngày là do các điểm đến chưa thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài cũng như khách nội địa”. Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - thừa nhận, các hoạt động du lịch chưa hấp dẫn du khách, ngành du lịch cần làm mới các sản phẩm.

Hàng ngàn người dân cùng du khách đổ ra đường xem những màn trình diễn cà kheo của đoàn nghệ sĩ  De Steltenlopers van Merchtem - Vương quốc Bỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại Huế - Ảnh: Thuận Hóa
Hàng ngàn người dân cùng du khách đổ ra đường xem những màn trình diễn cà kheo của đoàn nghệ sĩ De Steltenlopers van Merchtem - Vương quốc Bỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Theo ông Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi - tỉnh có quảng bá cỡ nào mà giá vé máy bay đến Quảng Ngãi vẫn cao thì lượng khách vẫn đến ít. Trong ngày, chỉ có 1 chuyến bay đến Quảng Ngãi thì du khách cũng khó sắp xếp thời gian. Hiệp hội mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Ngãi làm việc với các cấp, ngành để thay đổi giờ bay, giảm giá vé máy bay đến tỉnh Quảng Ngãi. Song song đó, toàn bộ hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch trong tỉnh cần giảm giá, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa.

“Sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, điểm đến là rất cần thiết. Ví dụ, 3 tuần trước lễ 30/4, giá vé máy bay đi Phú Quốc tăng, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú phối hợp cùng chính quyền địa phương họp bàn với các hãng bay nên trước lễ 1 tuần, giá vé máy bay đã hạ nhiệt, tạo điều kiện tốt hơn cho du khách nội địa đến Phú Quốc trong dịp lễ này” - ông Từ Quý Thành dẫn chứng. 

Kích cầu là giải pháp tốt để cải thiện ngành du lịch, nhưng theo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, việc kích cầu cần đồng bộ chứ không thể cứ “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. 

Lên lịch sự kiện, lễ hội cho cả năm

Ngành du lịch cần có sự kết hợp với các sở, ngành khác như công thương, nông nghiệp, giao thông… để có các chương trình ưu đãi nhằm thu hút khách. Sắp tới, Sở Du lịch TPHCM sẽ cùng các sở, ngành và các công ty lữ hành đưa ra lịch sự kiện, lễ hội của TPHCM trong cả năm gồm thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức cụ thể để doanh nghiệp, người dân, du khách nắm. Như vậy, lúc cao điểm cũng như thấp điểm, du khách trong và ngoài nước đều nắm được TPHCM có những chương trình, sự kiện, lễ hội nào để tham gia.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM

Cải thiện hạ tầng, điều chỉnh giá cả

Theo tôi, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện về hạ tầng, điều chỉnh giá, cần phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch, tăng cường chuyển đổi số ở những doanh nghiệp địa phương để du lịch phát triển đồng bộ. Ngoài ra, cần tuyên truyền về giá trị của du lịch cho người dân để họ đi du lịch nhiều hơn, từ đó mở mang tầm nhìn, sự trải nghiệm, tái tạo sức lao động chứ không chỉ lo làm ăn và tích cóp.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội 
(Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam)

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Du lịch Việt Nam hiện tại lệ thuộc nhiều vào nguồn khách nội địa. Nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch của chúng ta thiếu sự đổi mới. Du khách quốc tế đến Việt Nam lần thứ hai thì không thấy có gì mới, nên không muốn quay lại lần nữa. Dịch vụ du lịch của chúng ta cũng chưa thực sự chuyên nghiệp. 

Để khắc phục, phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ở các điểm du lịch, mỗi năm, cần cải tiến, có thêm những ý tưởng mới cho các sản phẩm, dịch vụ phải thực sự chuyên nghiệp để làm hài lòng du khách. 

Việt Nam hiện có rất nhiều trường đào tạo về ngành du lịch nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu nguồn lao động chất lượng cao. Đó là do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, hoặc do lương và các đãi ngộ trong ngành du lịch chưa đủ sức thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Do đó, doanh nghiệp nên đồng hành với nhà trường bằng cách cùng nhà trường đưa ra chương trình đào tạo, ký hợp đồng đào tạo trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, tạo môi trường thực tập trong doanh nghiệp cho sinh viên. Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ làm việc ngay tại doanh nghiệp mà không mất thời gian làm quen.

Tiến sĩ Trần Diễm Hằng - Trưởng khoa Ngoại ngữ du lịch, 
Giám đốc Trung tâm Du lịch, Trường đại học Hòa Bình

Hãy làm du lịch bằng sở trường, không phải sở đoản

Việt Nam có rất nhiều kỳ nghỉ nhưng kỳ nghỉ nào cũng ngắn, dẫn đến tình trạng cao điểm và thấp điểm. Tiếp nữa, chúng ta ít điểm đến có chất lượng đủ để giải quyết tình trạng thấp và 
cao điểm.

Vấn đề tiếp theo là văn hóa du lịch tạo ra cao điểm. Việc đi du lịch vào dịp nghỉ lễ tạo ra cao điểm là tất nhiên. Nhưng đa số đi theo phong trào, theo quảng cáo và do ham rẻ mà đi. Vậy nên, lượng khách lớn sẽ dồn vào nơi đang được quảng cáo, đang có giảm giá. Khi dồn vào một nơi thì tất cả dịch vụ đương nhiên bị sức ép, dẫn đến những hệ lụy như giá vé cao, dịch vụ chưa tốt, thiếu người nên phải sử dụng nhân công không chuyên nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, do có cao điểm, thấp điểm nên họ cũng ngại sáng tạo tour, tuyến. Họ thà tập trung kiếm tiền dịp cao điểm với các lịch trình đơn giản, dễ có tiền còn hơn ra tuyến mới, tour lạ mà khách ít, sống lay lắt. Vậy nên, các tour, tuyến lạ, độc thường chỉ do cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, tổ chức có liên quan (các vườn quốc gia, tổ chức phi lợi nhuận, nhóm cộng đồng) làm.

Việc phụ thuộc vào khách nội địa cũng là vấn đề có nhiều ngóc ngách. Tôi biết rất nhiều khách nước ngoài muốn đến Việt Nam. Nhưng khi đến, họ thấy không đáng đến. Họ review (đánh giá) và người khác đọc rồi theo đó mà không đến. Ở đây, cần nói là chất lượng review của nước ngoài rất cao, còn ở Việt Nam rất tệ.

Tôi hay hỗ trợ khách nước ngoài du lịch tự do. Ở Nhơn Lý (tỉnh Bình Định) nơi tôi đang tạm trú, khách nước ngoài thường xuyên hỏi: “Có nên bỏ tiền ra để vào điểm này, điểm kia không? Nếu tôi leo cái núi kia không mất tiền thì nó có khác gì so với vào các điểm Kỳ Co, Eo Gió?”. Khi họ đã hỏi đến vậy thì tôi hiểu, họ không tiếc tiền mà họ tiếc công. Cái họ cần là giá trị tự nhiên chứ không phải là đem mấy trò chơi, phố thị vào điểm thiên nhiên”.

Vậy, vấn đề ở đây là, chúng ta quên mất rằng phải tìm cách phục vụ khách nước ngoài. Về khách nước ngoài, nếu theo dõi Quảng Ninh, Quảng Bình, Côn Đảo, nói chung là các điểm còn giữ được nhiều nét tự nhiên, sẽ thấy rằng khách nước ngoài đến đó rất đều, rất hài lòng và sẵn sàng quay trở lại. Làm sao để phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn thì tôi không dám nói. Nhưng với những nơi tôi đã đi, đã trải nghiệm thì chỉ xin góp ý 2 điểm: nên bớt đô thị hóa tự nhiên và nên phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá, có tính chất mạo hiểm.

Anh Cao Mạnh Tuấn - blogger du lịch

Bảo Khang - Quốc Thảo (ghi)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI