Du khách bất lịch sự, “xử” sao?

08/01/2017 - 09:29

PNO - Cùng với bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch, TP.HCM cần xử lý dứt điểm nạn hàng rong chèo kéo, “chặt chém” ở những điểm đến nổi tiếng

Lần đầu tiên, ngành du lịch TP.HCM phát hành bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi đến TP, với những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp hướng đến mục tiêu làm tốt đẹp hơn giữa du khách và điểm đến.

8 nội dung ứng xử bằng 5 thứ tiếng

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cho biết gần như bất cứ tour du lịch đến địa phương nào của Việt Nam cũng tham quan chùa, ngay

TP.HCM trong lịch trình tour cho khách quốc tế cũng thường xuyên có lịch tham quan các chùa như chùa Vĩnh Nghiêm, Ngọc Hoàng, Giác Lâm... Nhưng du khách ở phân khúc trung bình, nhất là “Tây ba lô”, thường gặp trục trặc ở vấn đề quần áo như áo hai dây, quần đùi... gây phản cảm.

Du khach bat lich su, “xu” sao?
Bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch được kỳ vọng sẽ giúp chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, phục vụ du khách đến TP HCM. Trong ảnh: Du khách nước ngoài thăm chợ Bến Thành sáng 7/1.

Hay như câu chuyện về những hành xử mất lịch sự, kém văn hóa của nhiều du khách Trung Quốc đã khiến không ít nhà quản lý du lịch và công ty lữ hành Việt Nam cũng như TP.HCM đau đầu. Do đó, việc TP.HCM ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch sẽ là cơ sở giúp cả công ty du lịch và du khách có chuẩn mực hành xử chung tại điểm đến.

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, bộ quy tắc chứa đựng những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp, hướng đến mục tiêu làm tốt đẹp hơn giữa du khách và điểm đến. Các quy tắc được phát hành dưới dạng 5 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, Anh, Hoa, Hàn và Nga, được thiết kế một cách đơn giản, dễ hiểu, nhỏ gọn, tiện lợi cầm theo khi di chuyển.

Đặc biệt, các quy tắc được thiết kế sáng tạo dưới dạng chiếc quạt nan như một món quà dành tặng cho du khách khi đến TP. Dự kiến trong đợt đầu tiên, Sở Du lịch TP sẽ in 150.000 bộ, trong đó 70.000 bộ tiếng Anh và số còn lại in bằng 4 thứ tiếng khác, phát miễn phí cho du khách.

Bộ quy tắc ứng xử sẽ được triển khai và phát hành đến các khách sạn 3-5 sao, các công ty du lịch trên địa bàn, sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Hỗ trợ thông tin du khách, các đơn vị làm công tác ngoại giao, đối ngoại như sở ngoại vụ, liên hiệp các tổ chức hữu nghị.

Làm video trình chiếu ở các khách sạn, sân bay, các xe vận chuyển khách du lịch, các hãng hàng không... Ngoài ra, Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP đưa bộ quy tắc ứng xử này vào các chương trình học đường.

Theo nhiều DN, bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách vừa được Sở Du lịch TP ban hành là một bước tiến đáng kể trong hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch TP. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho du khách khi tiếp cận văn hóa Việt Nam qua phương thức du lịch, đồng thời cũng giúp chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Du lịch Fiditour, cho biết du khách nước ngoài tới Việt Nam phần đông đến từ các quốc gia phát triển nên khả năng bộ quy tắc ứng xử được đón nhận tích cực là rất cao. Quan trọng là phương thức triển khai thế nào để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Phải triển khai đồng bộ và lâu dài

Trước TP HCM, hàng loạt điểm đến như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hội An... cũng công bố bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho khách du lịch ở địa phương mình. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, cho biết ngay Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng soạn thảo những quy tắc ứng xử dành cho du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài để không làm hình ảnh người Việt xấu xí. Nay,

TP có bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch là tín hiệu tích cực góp phần vào phát triển hình ảnh du lịch của TP.

Ngay tại TP HCM, từ năm 2016, ngay khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, Công ty Du lịch Vietravel đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách Việt Nam đi du lịch trong - ngoài nước và du khách quốc tế vào Việt Nam, như xếp hàng trật tự, không chen lấn, gây rối ồn ào nơi công cộng; không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống; không vẽ, chạm vào những hiện vật ở các di tích, điểm trưng bày...

Sau khi triển khai đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực, du khách có ý thức hơn khi đi du lịch.

Tuy nhiên, cùng với bộ quy tắc ứng xử, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng ngành du lịch TP còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng hình ảnh TP trong mắt du khách quốc tế từ nạn hàng rong chèo kéo, “chặt chém” quanh các điểm đến nổi tiếng như Hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP... Ngay bản đồ du lịch phát miễn phí cho du khách cũng cần phải làm ngay vì các nước trong khu vực đã triển khai từ rất lâu.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc marketing và truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cũng nhìn nhận việc triển khai rộng rãi bộ quy tắc là cần thiết nhưng cần đồng bộ cùng với các chương trình, chiến dịch, kênh thông tin nâng cao ý thức chung của cả du khách và chính người dân TP.

Cần chú trọng đến cách thức triển khai hiệu quả thông qua việc phối hợp với kênh truyền thông mang tính lâu dài, liên tục. “Bộ quy tắc ứng xử chỉ là một công cụ để truyền tải thông tin mang tính định hướng và nhắc nhở, cốt lõi vẫn là các chương trình hành động gắn kết với mục tiêu này, phải xây dựng TP thành một điểm đến an toàn, văn minh, hấp dẫn... Từng bước, mỗi du khách và người dân TP đều có những thói quen ứng xử văn minh một cách tự nhiên mà không phải theo quy định” - bà Thanh Trà chia sẻ.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vitours:

Thường xuyên cập nhật cho phù hợp thực tế

TP Đà Nẵng đã có bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách từ khoảng 2 năm nay và được các doanh nghiệp trong ngành xem như “hành lang pháp lý” về du lịch vì các hãng lữ hành sẽ có cơ sở để nhắc nhở du khách. Vì thực tế, du khách nước ngoài đến từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau nên cần khung hành xử chung khi đi du lịch là cần thiết. Đặc biệt, trong quá trình triển khai bộ quy tắc ứng xử, ngành du lịch Đà Nẵng đều có sự thay đổi, cập nhật nội dung cho phù hợp tình hình thực tế và các đối tượng du khách, cập nhật thêm ngôn ngữ theo xu hướng khách các nước đến địa phương tham quan để tạo thuận lợi cho cả du khách và doanh nghiệp du lịch.

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Vietravel:

Cần có chế tài cụ thể

Bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách khi đến TP được xem là cách nhắc nhở khéo léo đối với những đối tượng du khách có hành vi “quá khích” và nên kèm thêm một số chế tài cụ thể để nhắc nhở về hành vi, thái độ của tất cả du khách. Và khi đặt ra bộ quy tắc này, ngành du lịch TP cũng nên phối hợp với các cơ quan, ban - ngành xây dựng bộ mặt du lịch TP xanh - sạch - đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế.

Ngành du lịch cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho người dân TP nói riêng và Việt Nam nói chung khi tiếp xúc khách quốc tế, nhất là khi chúng ta đang định hướng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt:

Khó cũng phải làm

Có bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp du khách biết cách hành xử đúng mực khi du lịch ở TP, đồng thời các công ty lữ hành như chúng tôi cũng có “bùa hộ mệnh” vì được bảo vệ trước những hành vi do du khách gây ra nên sẽ có lợi cho cả hai. Từ vài tháng nay, chúng tôi đã triển khai và thông báo cho du khách biết trước các quy tắc, như khi vào chùa phải mặc quần áo dài tay. Dù có khó khăn vì nhiều du khách đến từ xứ nóng nên không mang theo quần áo dài tay nhưng khó cũng phải làm vì khi du khách đến du lịch ở một quốc gia và tôn trọng văn hóa, phong tục, quy định của quốc gia đó thì mới hiểu được du lịch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI